(CAO) Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế Đỗ Văn Sinh nêu quan điểm như vậy khi trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội sáng nay (22-10).
Ông Sinh nói: “Tôi cho rằng khi đánh giá tín nhiệm thì quan trọng nhất là đại biểu Quốc hội phải lấy thước đo phục vụ nhân dân, qua hiệu quả hoạt động của những vị được lấy phiếu mang lại tiến bộ gì so với giai đoạn trước, hoặc còn những hạn chế gì chưa giải quyết được gì thì đó là cơ sở quan trọng.
Còn việc tổ chức lobby (vận động hành lang, dùng cách này cách khác không trong sáng để được ứu ái, tín nhiệm - NV) thì không mang ý nghĩa gì cả và theo tôi cũng không nên làm thế vì cử tri, nhân dân sẽ nhìn vào, đặt câu hỏi tại sao ông này được phiếu cao, phải chăng là do ông chịu khó đi mời mọc, lobby nhiều. Nhưng không phải, cái đại biểu đánh giá là trên cơ sở kết quả hoạt động của ông”.
Đại biểu Đỗ Văn Sinh
Phóng viên: Dù không gặp gỡ trực tiếp thì vẫn có thể tác động đến kết quả lá phiếu bằng các hình thức khác, thưa ông?
Hiện tại cá nhân tôi chưa nhìn thấy hiện tượng nào như thế.
- Trước khi Quốc hội khai mạc kỳ họp này cũng có một số vị từng được lấy phiếu ở nhiệm kỳ trước bày tỏ rằng kết quả của họ không thực sự chính xác, một phần do thông tin đến với đại biểu chưa đầy đủ. Ông có thể cho biết lần này đại biểu được cung cấp thông tin thế nào?
Rút kinh nghiệm của các lần trước, các cơ quan của Quốc hội đã rất thận trọng, cách đây khoảng 2 tuần đã gửi đến toàn bộ các đại biểu Quốc hội báo cáo về hoạt động của các chức danh sẽ được lấy phiếu kỳ này.
Tuy nhiên đó cũng chỉ là một kênh thông tin thôi, còn yếu tố khác rất quan trọng là đánh giá của các đại biểu Quốc hội trong quá trình giám sát, quá trình tổ chức thực hiện của các vị sẽ được Quốc hội đánh giá tín nhiệm kỳ này trong hơn 2 năm vừa qua.
- Trong các thông tin được cung cấp đến đại biểu có một nội dung rất quan trọng là từ báo cáo giải quyết kiến nghị cử tri. Ông đánh giá nguồn thông tin này thế nào?
Tôi cho rằng thông tin từ kiến nghị của cử tri là 1 trong những kênh rất quan trọng vì những hoạt động của các vị đó sẽ được phản ánh trên thực tế cuộc sống của nhân dân cả nước... Giải quyết được những bức xúc của cử tri một cách nhanh chóng thì đó là công cụ để đánh giá tín nhiệm.
- Chỉ còn hai ngày nữa là Quốc hội sẽ tiến hành lấy phiếu tín nhiệm, với thông tin hiện có ông đủ tự tin để đánh giá chính xác tín nhiệm của 48 chức danh được đưa ra lấy phiếu lần này?
Quá trình hoạt động vừa qua tôi thấy bản thân có đủ thông tin, tự tin để đưa ra đánh giá một cách công tâm về tín nhiệm của các vị được lấy phiếu.
- Diện chức danh được lấy phiếu rất rộng, 48 người nhưng đại biểu Quốc hội thì không phải ai cũng được tiếp xúc, nắm sâu thông tin về tất cả những người được lấy phiếu. Vậy theo ông, để công tâm thì cần có những nguyên tắc gì để cân đo mức độ tín nhiệm?
Tôi cho rằng lấy phiếu tín nhiệm là trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội và trách nhiệm này là ngang nhau với mỗi đại biểu, thể hiện bằng 1 lá phiếu. Vậy thì cần nâng cao hơn nữa trách nhiệm của các đại biểu Quốc hội. Anh phải nâng cao hơn nữa nhận thức, nắm bắt được toàn bộ hoạt động trong mọi lĩnh vực của đất nước, trong đó có lĩnh vực của các vị được lấy phiếu tín nhiệm.
- Xin cảm ơn ông!