(CAO) Ghi nhận những thành tựu kinh tế - xã hội đạt được thời gian qua, nhưng Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội cũng lưu ý Chính phủ nhiều vấn đề quan trọng.
Thẩm tra đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018; Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2019, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội khẳng định, với sự định hướng, chủ trương kịp thời của Đảng, sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, đồng bộ của Chính phủ và nỗ lực phấn đấu của cả hệ thống chính trị, tình hình kinh tế - xã hội nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, đúng hướng và cơ bản thực hiện được mục tiêu tổng quát năm 2018.
Chủ nhiệm UBKT Vũ Hồng Thanh trình bày báo cáo thẩm tra
“Việc thực hiện thành công mục tiêu kép là vừa giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, vừa thúc đẩy tăng trưởng GDP đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội trong các năm tiếp theo” - báo cáo thẩm tra nhận định.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra cũng lưu ý Chính phủ một số vấn đề được nêu trong báo cáo của Chính phủ. Cụ thể, Uỷ ban Kinh tế yêu cầu Chính phủ cần phân tích rõ động lực của tăng trưởng GDP để bảo đảm duy trì mức tăng trưởng một cách ổn định.
“Diễn biến mức tăng trưởng GDP của ba quý vừa qua có sự khác biệt so với kịch bản tăng trưởng kinh tế đã dự báo đầu năm, do đó cần đánh giá đầy đủ tác động đến tăng GDP để có thể tiếp tục duy trì cho tăng trưởng GDP năm 2019 và năm cuối kế hoạch 5 năm 2016-2020” - báo cáo thẩm tra nêu rõ.
Cho rằng lạm phát đang được kiểm soát nhưng áp lực lạm phát cuối năm còn tiềm ẩn, Uỷ ban Kinh tế đề nghị cần đánh giá hiệu quả điều hành chính sách giá thông qua việc điều chỉnh giá dịch vụ công mà Nhà nước cung cấp, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa bên cung ứng và bên sử dụng dịch vụ.
Liên quan đến cán cân thương mại giữ được nhịp tăng trưởng cao cả về xuất khẩu và nhập khẩu so với cùng kỳ năm 2017, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, một số ý kiến đề nghị cần báo cáo rõ hơn về các tác động của tình hình thương mại toàn cầu, đặc biệt là chiến tranh thương mại Mỹ - Trung Quốc đối với tình hình xuất nhập khẩu của Việt Nam trong những tháng cuối năm 2018
Với công tác quản lý thu NSNN, cơ quan thẩm nhận xét: “Các khoản thu thể hiện nội lực của nền kinh tế ở 3 khu vực kinh tế quan trọng (doanh nghiệp nhà nước, FDI và tư nhân) đều không đạt dự toán”, do đó yêu cầu Chính phủ cần phân tích, làm rõ nguyên nhân.
Liên quan đến thị trường tiền tệ và hoạt động ngân báo cáo thẩm tra khẳng vẫn còn một số vướng mắc trong công tác phối hợp giữa các ngành, các cấp, đặc biệt là trong công tác thu giữ tài sản bảo đảm, hoạt động thi hành án dân sự, giải quyết tranh chấp tại tòa án liên quan đến xử lý nợ xấu; một số cơ quan thuế chưa áp dụng đúng nội dung Nghị quyết 42 về thứ tự ưu tiên thanh toán khi phát mại tài sản bảo đảm để xử lý nợ xấu. Các hoạt động liên quan đến cho vay ngang hàng, thanh toán qua mạng, các loại tiền ảo, theo cơ quan thẩm tra, có dấu hiệu diễn biến phức tạp, cần theo dõi chặt chẽ và có biện pháp quản lý.
Ghi nhận giáo dục đạt được nhiều thành tích trong dạy và học, nhưng Uỷ ban Kinh tế chỉ ra còn tồn tại một số vấn đề chưa được giải quyết triệt để, như tình trạng thừa thiếu giáo viên cục bộ, tình trạng dạy thêm, học thêm và lạm thu; tiến độ thực hiện đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông còn chậm, trong đó chương trình giáo dục phổ thông mới chậm được ban hành.
“Tự chủ đại học còn nhiều hạn chế; tính ổn định, thống nhất và đồng bộ trong giáo dục chưa cao; công tác tổ chức thi THPT quốc gia để xảy ra vi phạm nghiêm trọng trong khâu chấm thi tại một số tỉnh; sách giáo khoa xuất bản độc quyền, gây lãng phí cho xã hội” - ông Vũ Hồng Thanh nêu.
Ngoài các nội dung trên, Uỷ ban Kinh tế cũng lưu ý Chính phủ về việc quản lý và chậm xử lý sai phạm tại các phòng khám tư trong sản xuất hàng giả là thuốc phòng bệnh, chữa bệnh, thực phẩm chức năng gây tâm lý lo ngại, bất bình trong dư luận; về công tác điều tra, xử lý tội phạm…
“Hoạt động tín dụng đen, huy động tiền trên mạng trái pháp luật, thu tiền “bảo kê” ở một số địa phương diễn ra ngày càng công khai, gây bức xúc trong dư luận. Tình hình người di cư tự do và từ nước ngoài về cũng đặt ra những thách thức cho công tác quản lý” - báo cáo phân tích.