Trình bày báo cáo Kinh tế - xã hội trước Quốc hội sáng nay, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng khẳng định: Trước những biến động phức tạp của tình hình trong nước, thế giới, nhất là chiến tranh thương mại, rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế, chúng ta đã theo dõi sát, chủ động có đối sách phù hợp, kết hợp hài hòa các chính sách, tăng khả năng thích ứng của nền kinh tế, tạo môi trường vĩ mô ổn định cho phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc báo cáo tình hình kinh tế - xã hội
Cắt giảm 50% thủ tục hành chính
Kiên định mục tiêu đề ra từ đầu nhiệm kỳ là ưu tiên kiểm soát lạm phát, ổn định vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng gắn với cơ cấu lại nền kinh tế, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, theo Thủ tướng Chính phủ, là chủ trương được Chính phủ đặt ra trong phát triển kinh tế. Nhờ đó, tăng trưởng GDP 9 tháng năm 2018 tiếp tục đạt ở mức cao, 6,98%, ước cả năm vượt chỉ tiêu Quốc hội đề ra (6,7%). Bình quân 3 năm 2016 - 2018 tăng 6,57% (chỉ tiêu kế hoạch 5 năm là 6,5 - 7%).
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân ước cả năm dưới 4%. “Đây là năm thứ 3 liên tiếp kiểm soát dưới 4%” - Thủ tướng nhận định.
Cùng với đó, tín dụng 9 tháng tăng 10,41% (cùng kỳ tăng 12,21%), cả năm tăng dưới 17%, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên; kiểm soát chặt chẽ tín dụng bất động sản, chứng khoán. Tỷ giá, thị trường ngoại tệ được kiểm soát tốt; dự trữ ngoại hối nhà nước đạt kỷ lục trên 60 tỷ USD… Các chỉ số khác, về tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu, thu NSNN… đều đạt mức mục tiêu đề ra.
Một điểm đáng chú ý trong thời gian qua là môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Thực hiện chủ trương cắt giảm tối thiểu 50% thủ tục hành chính, Chính phủ đã cắt giảm, đơn giản hóa 61% điều kiện kinh doanh và 60% thủ tục kiểm tra chuyên ngành hàng hóa xuất nhập khẩu.
“Rà soát, giảm chi phí kinh doanh, nhất là chi phí vốn, phí BOT, chi phí tuân thủ thủ tục hành chính gắn với triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển doanh nghiệp” - Thủ tướng thông tin và cho biết, Việt Nam được đánh giá thuộc nhóm 10 quốc gia cam kết mạnh mẽ nhất về cải cách chính sách thuế.
Cũng theo Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, các đột phá chiến lược và cơ cấu lại nền kinh tế được tập trung chỉ đạo, đạt nhiều kết quả, đóng góp quan trọng cho phát triển đất nước. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực; tỷ trọng khu vực nông nghiệp giảm mạnh từ 17,4% năm 2015 xuống 14,8% năm 2018; tỷ trọng các khu vực công nghiệp, dịch vụ tăng từ 82,6% lên 85,2%, vượt mục tiêu đề ra vào năm 2020 là 85%. Năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế tiếp tục được nâng lên.
Dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song Chính phủ vẫn nhận thức rõ những khó khăn, hạn chế của trong phát triển kinh tế.
“Sức ép lạm phát còn lớn do tác động của nhiều yếu tố, nhất là biến động tỷ giá, lãi suất, xu hướng tăng giá dầu thô trên thị trường quốc tế và yêu cầu thực hiện lộ trình giá thị trường đối với điện, dịch vụ giáo dục, y tế... Tính tự chủ của nền kinh tế từng bước được nâng lên nhưng chưa đáp ứng yêu cầu; khả năng chống chịu trước những biến động bên ngoài còn hạn chế” - Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra.
Cũng theo người đứng đầu Chính phủ, giải ngân vốn đầu tư công, cổ phần hóa DNNN, thoái vốn ở nhiều bộ ngành, địa phương chậm; sản xuất kinh doanh nhiều lĩnh vực còn khó khăn cũng là những thách thức lớn của nền kinh tế. Trong khi đó, sự gắn kết với khu vực FDI và năng lực, hiệu quả hoạt động của khu vực doanh nghiệp trong nước, nhất là doanh nghiệp nhỏ và vừa còn hạn chế, một số công trình, dự án chậm tiến độ, chất lượng kém…
“Tuy nhiều tổ chức quốc tế nâng hạng của nước ta trên nhiều lĩnh vực, nhất là môi trường kinh doanh, nhưng Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) xếp hạng năng lực cạnh tranh toàn cầu năm 2018 của Việt Nam giảm 3 bậc so với năm 2017 (77/140 so với 74/135 quốc gia, vùng lãnh thổ).
Mặc dù sự tụt hạng có phần do thay đổi cơ bản trong phương pháp đánh giá, nhưng qua đó cũng thể hiện năng lực đổi mới sáng tạo, nghiên cứu phát triển của doanh nghiệp, ứng dụng công nghệ cao, kỹ năng… còn thấp và chúng ta cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục”, người đứng đầu Chính phủ nhận định.
Thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững
Đẩy mạnh thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững theo Nghị quyết của Quốc hội, Thủ tướng cho biết, Chính phủ chủ động huy động nguồn lực xã hội vào các hoạt động giảm nghèo, nhất là đối với vùng có điều kiện khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Tỷ lệ hộ nghèo nhờ đó còn 5,2 - 5,7%, giảm 1 - 1,5% (riêng các huyện nghèo giảm trên 4%). Nhiều chương trình, chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số được thực hiện hiệu quả, góp phần ổn định và cải thiện đời sống. Chiến lược nhà ở quốc gia, nhà ở xã hội được tích cực thực hiện. Dư nợ tín dụng chính sách xã hội đạt trên 183 nghìn tỷ đồng (tăng 28,8% so với năm 2015).
Một điểm được đánh gía khá cao trong 9 tháng qua là chất lượng khám chữa bệnh được nâng lên. Nhiều tiến bộ khoa học, công nghệ, liên thông kết quả xét nghiệm, chẩn đoán đã được áp dụng vào khám chữa bệnh. Số giường bệnh trên 1 vạn dân (không tính giường trạm y tế xã) đạt 26,5 giường, hoàn thành mục tiêu đề ra đến năm 2020.
Song song với đó, công tác giáo dục và đào tạo tiếp tục được tập trung chỉ đạo. Quy mô đào tạo nghề tăng; kỹ năng nghề được cải thiện. “Việt Nam đạt kết quả cao tại các kỳ thi Olympic quốc tế và kỳ thi tay nghề khu vực ASEAN. Tập trung xây dựng Chiến lược quốc gia, khung Chương trình khoa học công nghệ về Cách mạng công nghiệp lần thứ tư” - Thủ tướng nêu.
Tuy nhiên, theo Thủ tướng Chính phủ, chất lượng giáo dục đại học, nghề nghiệp chưa cao; cơ cấu chưa hợp lý. Cơ sở vật chất giáo dục đào tạo nhiều nơi chưa bảo đảm.
“Sai phạm trong kỳ thi trung học phổ thông ở một số địa phương, vấn đề sách giáo khoa phổ thông gây bức xúc dư luận” - Thủ tướng Chính phủ nhìn nhận.
Trong lĩnh vực tài nguyên, môi trường, phòng chống thiên tai, ứng phó biến đổi khí hậu, Thủ tướng cho biết, Chính phủ tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để sử dụng hiệu quả hơn nguồn lực đất đai, tài nguyên.
Cùng với việc ban hành Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ để kiểm soát chặt chẽ việc nhập khẩu và sử dụng phế liệu; xử lý nghiêm nhiều vụ việc vi phạm, Chính phủ đang trình xây dựng, trình Trung ương thông qua Đề án tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 8 (khóa X) về Chiến lược Biển Việt Nam.
Đánh giá về thời gian còn lại của năm 2018, Thủ tướng lưu ý cần tiếp tục thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp đề ra; bám sát diễn biến tình hình quốc tế, trong nước, có đối sách phù hợp, kịp thời; quyết liệt cải cách thủ tục hành chính, tạo thuận lợi hơn nữa cho sản xuất kinh doanh.