Mảnh đời bất hạnh:

Gia đình có 5 trẻ nhỏ khánh kiệt vì bệnh tật

Thứ Tư, 18/01/2017 13:04  | Đoàn Tuấn

|

(CAO) Bản thân nhiễm chất độc hóa học trong chiến tranh, vợ bị hoại tử xương chân, hai người con và một cháu nhỏ thần kinh không ổn định cùng 5 đứa cháu không biết chữ là những bất hạnh đối với gia đình ông Nguyễn Văn Tưng (sinh năm 1941, ở thôn Võ Lao, xã Văn Võ, Chương Mỹ, Hà Nội).

Chiều mưa lạnh những ngày đầu năm 2017, chúng tôi tìm đến thôn Võ Lao hỏi thăm đường đến nhà ông Tưng, được một người dân chỉ đường kèm lời nói với nhiều tâm trạng: “Ông Tưng ở thôn này ai cũng biết, ông ấy chết mới hết khổ”.

Nhà ông Tưng nằm hun hút sâu trong một ngõ nhỏ, san sát những mái nhà ngói rêu phong mang đặc trưng làng quê Bắc Bộ. Ông Tưng có 2 căn nhà đều đã xuống cấp.

Căn nằm ngay sát đường liên thôn xập xệ, cổng không có cửa, lối vào là đường đất và gạch lổn chổn, bên trong ngôi nhà, không một thứ gì đáng giá.

Còn căn phía sau nhờ được sự giúp đỡ của người có tâm trong xã nên đã được sửa chữa khoác lên mình chiếc áo tươm tất hơn. Là nơi thờ cúng gia tiên nên hầu như gia đình không dùng làm nơi sinh sống, ngủ nghỉ tại căn này.

10 thành viên trong gia đình gồm 3 thế hệ dường như chỉ sống gói gọn trong căn nhà ngói loang lổ, trống trải ở phía trước vì bệnh tật hành hạ.

Ngôi nhà xuống cấp của gia đình ông Tưng

Gia đình ông Tưng với 10 thành viên nhưng có tới một nửa số người mắc các loại bệnh khác nhau, một người là con cả của ông thì mới mất. Thế nên, cả gia đình phải ở gần nhau để những người khỏe mạnh đùm bọc, chăm lo cho người ốm yếu.

Cứ như thế, cuộc sống của gia đình ông trong vòng luẩn quẩn, ốm đau, bệnh tật, nghèo đói và trẻ nhỏ không học hành, một chữ bẻ đôi không biết.

Bản thân ông Tưng từng tham gia kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại chiến trường Bình - Trị -Thiên và bị nhiễm chất độc hóa học, hiện sức khỏe giảm sút, ốm đau liên miên. Đặc biệt, đôi tai của ông bị biến chứng không thể nghe rõ mọi âm thanh, mỗi lúc trái nẳng trở giời đôi tai đau nhức như búa bổ hành hạ thể xác ông.

Ông Nguyễn Văn Tưng nên duyên vợ chồng với bà Đỗ Thị Xúi (SN:1945) và sinh hạ được 8 người con. Tưởng như, đông con, cháu lúc tuổi già sẽ thêm niềm vui, sự an nhàn, nhưng với ông Tưng, cả cuộc đời này ông chưa mấy khi được thảnh thơi, bởi các con, cháu của ông cứ lần lượt mắc các chứng bệnh khó chữa.

Ông Tưng bị ảnh hưởng chất độc hóa học nên trong số 8 người con của ông, có tới 3 người bị bệnh, gồm: người con cả mắc bệnh lạ mới mất, người con thứ 3 là anh Nguyễn Văn Thêm thần kinh không ổn định, người con gái út mắc bệnh thần kinh ngày càng điên dại, vẫn cười vui trước nỗi buồn, sự lo toan của cha mẹ.

Ngoài ra, bản thân bà Xúi một bên chân bị hoại tử xương đau nhức liên miên, đi lại khó khăn.

Anh Nguyễn Văn Thêm (SN: 1975, con trai thứ 3 của ông Tưng) dù đã có với chị Đỗ Thị Phượng (SN: 1971, người cùng thôn) 5 người con gồm 4 trai, 1 gái nhưng đến nay vẫn chưa được đăng ký kết hôn vì xã cho rằng cả 2 vợ chồng anh “đều có vấn đề” về thần kinh nên không cho đăng ký.

 Ông Tưng hồi tưởng lại những ngày tham gia kháng chiến của mình qua những huân, huy chương được treo trang trọng tại ngôi nhà phía sau

Đáng thương hơn cả là trường hợp 5 người con của anh Thêm dù đã quá tuổi đến trường nhưng đến nay, không một cháu nào biết chữ. Cháu lớn 15 tuổi, hiện đã đi làm thuê phụ giúp gia đình, còn các cháu khác vẫn đang sinh sống cùng bố mẹ. Không những vậy, anh Thêm hiện có một người con thứ năm mắc bệnh thần kinh.

Cả gia đình 10 miệng ăn chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng cùng tiền công ít ỏi của những thành viên khi tham gia đan nón thuê cho người cùng làng và tiền trợ cấp của ông Tưng.

Ông Phan Văn Hùng - Phó chủ tịch xã Văn Võ cho biết, gia đình ông Tưng thuộc diện khó khăn trong xã. Bản thân ông Tưng tham gia kháng chiến chống Mỹ bị nhiễm chất độc hóa học được hưởng trợ cấp của Nhà nước với số tiền hơn 1,6 triệu đồng/tháng. Còn bà Xúi được hưởng chế độ người tàn tật với 700 ngàn đồng/tháng.

Về trường hợp của anh Nguyễn Văn Thêm, ông Hùng lý giải, sở dĩ vợ chồng anh Hùng, chị Phượng không được đăng ký kết hôn bởi vì cả 2 thần kinh không ổn định. Anh Hùng cũng có 1 người con bị thần kinh được hưởng chế độ 700 ngàn đồng/tháng.

Ông Nguyễn Văn Tưng với khuôn mặt khắc khổ đau đau những nỗi lo lúc tuổi già

Trước câu hỏi vì sao các con nhà anh Thêm đều đã lớn tuổi, nhưng không cháu nào được đi học, ông Phan Văn Hùng cho biết: “Xã đã mời các trường trên địa bàn quan tâm, hỗ trợ các cháu đi học. Thậm chí, mời các thầy về phụ đạo cho các cháu, nhưng các cháu chỉ học được thời gian rồi lại trốn, bỏ học”.

Cuộc sống cơ cực, thêm bệnh tật hành hạ, gia đình nhỏ ở vùng ngoại thành Hà Nội khánh kiệt rất mong được sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm gần xa.

Mọi sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm, mạnh thường quân đến với gia đình ông Tưng xin liên gửi về địa chỉ Nguyễn Văn Tưng (trú tại thôn Võ Lao, xã Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội) hoặc liên lạc qua SĐT: 0911967164 của chị Nguyễn Thị Hạnh - cháu nội ông Tưng để giúp đỡ.
Cả gia đình khánh kiệt vì nhiều thành viên bệnh tật
Bà Xúi dù đã lớn tuổi nhưng vẫn còn nhiều lo toan. Phía sau là cô con gái út mắc bệnh tâm thần
Góc nhỏ sinh hoạt nấu nướng ngay trong ngôi nhà
Một góc dùng nấu ăn của vợ chồng anh Thêm
Cô con gái út bị thần kinh của ông Thêm cứ ngày một ngây dại
Căn buồng nơi anh thêm đang ngủ ẩm thấp, mốc meo, cửa không cánh khi gió đông lùa về.
Người con út của anh Thêm bị thần kinh nhìn vô hồn, phía sau, anh Thêm đang ngon giấc giữa mùa đông giá lạnh.

Bình luận (0)

Lên đầu trang