Những nghĩa cử, nghĩa tình đẹp đẽ trong cao điểm dịch bệnh tại TPHCM

Thứ Sáu, 16/07/2021 15:18

|

Những ngày gần đây, TPHCM liên tiếp ghi nhận hơn 2.000 ca mắc COVID-19 mỗi ngày. Trong bối cảnh ấy, cùng với guồng quay hối hả, không mệt mỏi của các lực lượng tham gia phòng chống dịch, đã xuất hiện ngày càng nhiều hành động đẹp, câu chuyện bình dị nhưng vô cùng xúc động. Những tấm lòng thảo thơm ấy đang trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, tiếp thêm niềm tin, sức mạnh để cùng nhau chiến thắng dịch COVID-19.

Tiếp sức cho những người khó khăn

Ngay từ khi dịch bệnh bùng phát, bếp ăn của chị Châu Nguyễn Thanh Hằng và các tình nguyện viên của Nhóm từ thiện Hoa Tâm (Quận 4) đã chung tay đóng góp kinh phí, nấu các suất ăn hỗ trợ cho các hộ dân có hoàn cảnh khó khăn.

Cùng chung mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn giữa mùa dịch COVID-19, hơn một tháng nay, bếp ăn Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TPHCM (Quận 1) cho ra gần 80.000 phần ăn phục vụ cho các khu phong tỏa, cách ly, đơn vị y tế. Sắp tới, từ 4.000 suất/ngày, Trung tâm dự kiến sẽ tăng lên mức 7.000 suất/ngày để đáp ứng nhu cầu tăng cao, đồng thời phân phát các nguyên liệu tươi sống để hộ gia đình tự chế biến thức ăn.

Nhiều bếp ăn do các nghệ sỹ khởi xướng đã được thành lập, hỗ trợ hàng ngàn suất ăn cho người dân đang gặp khó khăn. Trong đó, “Bếp ăn Thương Sài Gòn” là bếp cơm do Hội Sân khấu TPHCM tổ chức cùng sự đồng hành của nhiều nghệ sỹ, tình nguyện viên, các nhà hảo tâm.

Theo Nghệ sỹ Ưu tú Trịnh Kim Chi, Phó Chủ tịch Hội Sân khấu TP, mỗi ngày, bếp nấu khoảng hơn 1.000 phần cơm để gửi đến các bệnh nhân tại một số bệnh viện, nhân viên y tế, người dân tại khu cách ly và những người lao động đang gặp khó khăn...

“Bếp ăn Thương Sài Gòn” có sự tham gia của nhiều nghệ sỹ. Nghệ sỹ Ưu tú Lê Tứ làm công việc vận chuyển rau củ từ gian bếp đến những bếp ăn khác trên địa bàn. Nghệ sỹ Đại Nghĩa tích cực kêu gọi cộng đồng, quyên góp hàng tấn rau củ, đồ hộp gửi đến bếp...

Chung tay chia sẻ với người lao động nghèo, người dân khó khăn trong các khu vực bị phong tỏa do dịch bệnh, nghệ sỹ Hữu Quốc, nhà thiết kế Phương Hồ cùng nhiều diễn viên, ca sỹ cũng góp sức mở một bếp ăn trong những ngày TPHCM giãn cách theo Chỉ thị 16.

Về hoạt động của bếp ăn, sau vài ngày tổ chức thực hiện, nghệ sỹ Hữu Quốc cho biết, các suất ăn đã tăng số lượng so với dự kiến ban đầu vì được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, lượng nhân sự tại bếp không đủ nên không thể giúp nhiều người có được bữa ăn no. Hiện “Gian bếp 0 đồng” của nghệ sỹ Hữu Quốc phát 1.000 phần cơm chiều (ban đầu dự định 500 phần) vào thứ Tư hàng tuần và 1.500 phần bánh mì hoặc cơm (tăng gấp 3 so với dự kiến) vào Chủ nhật.

Không chỉ có gian bếp của nghệ sỹ Hữu Quốc mà một số bếp ăn từ thiện khác cũng hoạt động tất bật trong những ngày qua. Trong đó, bếp ăn do Câu lạc bộ Suối mát từ tâm và Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam với sự tham gia của Hoa hậu Tiểu Vy, Á hậu Kiều Loan, Phương Anh, Ngọc Thảo chung tay, góp sức... đã phát hơn 1.500 suất ăn vào trưa và chiều mỗi ngày. Bếp ăn này tập trung hỗ trợ các nhân viên y tế, lực lượng làm nhiệm vụ truy vết các trường hợp F1, F0, người dân tại các điểm cách ly, người lao động có hoàn cảnh khó khăn, hỗ trợ bữa cơm cho xe ôm công nghệ...

Bếp ăn Suối mát từ tâm phục vụ người dân có hoàn cảnh khó khăn trong mùa dịch

Giúp người để sẻ chia yêu thương

Trong đợt dịch này, lúc đầu nhóm từ thiện Hoa Tâm nấu khoảng 500 phần ăn/ngày, đến nay đã tăng lên khoảng 1.200 phần. Những bữa ăn được các tình nguyện viên chăm chút từng công đoạn từ nấu nướng, đóng gói bao bì cho đến khi chuyển tận tay người dân ở một số khu cách ly, những người lao động tự do đang gặp khó khăn.

Chị Châu Nguyễn Thanh Hằng, thành viên của nhóm từ thiện Hoa Tâm cho biết, khi thấy nhóm làm việc ý nghĩa, nhiều người đã góp thêm kinh phí để mở rộng quy mô bếp ăn. Người có tiền góp tiền, người có gạo góp gạo, người có thịt góp thịt, người có sức góp sức, cứ thế các phần ăn ngày càng tăng lên. Số lượng người tham gia cũng càng tăng, ngoài tình nguyện viên trong nhóm thiện nguyện còn có các bạn đoàn viên, thanh niên trong địa bàn quận đến hỗ trợ. Đó là điều kiện để nhóm có thể giúp đỡ thêm nhiều người hơn.

Để có 1.200 suất ăn mỗi ngày, các tình nguyện viên phải chuẩn bị, nấu nướng liên tục từ sáng đến chiều. Ai cũng mong muốn góp chút công sức bé nhỏ của mình để chung tay cùng cộng đồng đẩy lùi dịch bệnh. Vì các chợ đầu mối hiện tại đã tạm ngưng, việc tìm nguồn thực phẩm có phần khó khăn nên từ những phần rau, củ, quả nhận được từ các nhà hảo tâm, nghệ sỹ Hữu Quốc thường chọn món ăn phù hợp với nguyên liệu đó để tiết kiệm chi phí tối đa nhưng vẫn đảm bảo đủ chất dinh dưỡng. Những hôm không có nguồn hỗ trợ, anh thường góp thêm kinh phí mua thực phẩm để bếp ăn duy trì “đỏ lửa”.

"Mong rằng mô hình bếp ăn từ thiện sẻ chia yêu thương của tôi sẽ cùng TPHCM quyết tâm vượt qua đại dịch, sẽ là một tia nắng nhỏ nhoi cùng với cả triệu tia nắng hồng mang niềm tin cho thành phố tưng bừng, khí thế trở lại", nghệ sỹ Hữu Quốc nói.

Tương tự, theo anh Võ Quốc Bình, Trưởng Phòng Kết nối tình nguyện, Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TPHCM, số lượng tình nguyện viên tham gia chế biến 4.000 suất ăn/ngày giao động từ 25 đến 30 bạn.

Mỗi ngày, các tình nguyện viên thay nhau làm các công việc như bắc bếp, rửa rau củ, hấp cơm, nấu thức ăn, sau đó chia thành các phần ăn. 50 phần ăn được gom thành một túi, chờ các đơn vị đến nhận.

Bếp ăn cung cấp suất ăn cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới, Bệnh viện Ung bướu cơ sở 2, Bệnh viện Trưng Vương, các khu phong tỏa, cách ly, các mái ấm, ký túc xá... ở nhiều quận huyện trên địa bàn thành phố như Quận 10, Quận 8, quận Bình Thạnh, Tân Phú và Bình Tân... Riêng các suất ăn tại Bệnh viện Trưng Vương được làm để cung cấp cho các bệnh nhi mắc COVID-19.

Tham gia công tác tình nguyện tại Trung tâm Công tác xã hội thanh niên TPHCM, bạn Huỳnh Thị Hương (sinh viên Trường Đại học Mở chia sẻ), đôi khi, các tình nguyện viên lên giường ngủ vào 5 giờ sáng khi hoàn thành hết công việc và thức dậy sau đó một tiếng để tiếp tục làm. Dù mệt nhưng ai cũng vui vẻ, hạnh phúc vì đã góp phần nào công sức nhỏ bé, mang tình yêu thương, sự sẻ chia của mọi người đến với những người khó khăn qua những phần ăn nóng hổi, đầy ắp nghĩa tình.

Hoa hậu Khánh Vân tặng quà cho người lao động nghèo, người khuyết tật bán vé số tại TPHCM.

Tấm lòng “tương thân, tương ái”

Tại một nhà hàng ở Phường 8, quận Gò Vấp, anh Dương Thiện Chơn cùng nhân viên tất bật chuẩn bị nguyên liệu để nấu hàng trăm suất ăn từ thiện phát cho lực lượng làm nhiệm vụ ở các chốt kiểm soát và người có hoàn cảnh khó khăn.

Từ khi TPHCM thực hiện giãn cách xã hội, mỗi ngày, anh Chơn và các nhân viên phải liên tục đứng bếp từ sáng đến trưa nhưng mọi người đều hào hứng, vui vẻ. Lúc đầu, nhà hàng dự định làm 300 suất ăn mỗi ngày, nhưng khi thấy số lượng người cần hỗ trợ quá đông đã quyết định tăng lên đến 800 suất ăn từ thiện. Ban đầu, tất cả chi phí đều do nhà hàng chi trả. Sau khi biết đến hoạt động này, nhiều người dân đã gửi gạo, thịt, cá, trứng và các loại gia vị để san sẻ, giúp nhà hàng kéo dài chương trình thiện nguyện.

Không khỏi xót xa khi chứng kiến nhiều người khốn khó do ảnh hưởng của đại dịch, bà Nguyễn Thị Hòa (bán nước giải khát, đồ ăn sáng ở Quận 10) bàn với các thành viên trong gia đình góp tiền nấu cơm chay phát cho những hộ nghèo và người bán vé số, xe ôm...

Điểm phát cơm của bà ở trước hẻm 523 đường Nguyễn Tri Phương chỉ có chiếc bàn nhỏ gắn tấm bìa ghi “Cơm từ thiện” cùng những phần cơm canh nóng hổi được xếp ngay ngắn vào 10 giờ mỗi ngày. Bà Hòa chia sẻ, gia đình bà không khá giả, cũng phải chạy cơm từng ngày. Tuy nhiên, thấy nhiều người còn khổ hơn mình, bà quyết định giúp đỡ mọi người trong khả năng cho phép.

Gia đình bà cũng nhận được sự hỗ trợ về chi phí và nguyên liệu từ nhiều người dân, tổ chức. Thậm chí, nhiều người là công nhân, lái xe ôm cũng đến đóng góp. Chính những tấm lòng, sự “tương thân, tương ái” này đã giúp bà Hòa có thêm động lực để tiếp tục thực hiện công việc thiện nguyện của mình.

Trên các con đường, ngõ nhỏ hay giữa trung tâm TP, ngày ngày đều có vô vàn suất cơm, thùng nước, tủ bánh mì miễn phí trên đường, hay những cây ATM gạo miễn phí, siêu thị - cửa hàng 0 đồng, điểm sửa xe, quán ăn miễn phí cho người nghèo và người khuyết tật, mô hình “xe cơm di động miễn phí”, “chuyến xe nghĩa tình”…

Những hành động giúp đỡ, sẻ chia yêu thương với những người dân gặp khó khăn trong mùa dịch đã tạo nên sự lan tỏa tích cực trong xã hội, động viên mọi người dân có hoàn cảnh khó khăn, người dân trong khu vực phong tỏa và lực lượng nơi tuyến đầu yên tâm, cùng nhau vượt qua khó khăn.

Hoa hậu Tiểu Vy tặng gạo cho người dân nghèo tại TPHCM

Sẵn sàng hỗ trợ người dân TPHCM

Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của mỗi người dân trong “tâm dịch”, mỗi người dân trên cả nước đều hướng về TPHCM - trở thành hậu phương vững chắc, tiếp thêm niềm tin chiến thắng cho lực lượng tuyến đầu, tích cực tham gia cuộc chiến đánh “giặc COVID-19” trên tinh thần “mỗi người dân là một chiến sĩ, mỗi gia đình là một pháo đài”.

Sau 4 ngày kêu gọi, chuyến xe nghĩa tình đầu tiên mang hơn 3 tấn cá của người dân Quảng Bình đã “cập bến” TTPHCM vào chiều 5/7. Những gói cá cá nục, cá ngừ, cá thu tươi ngon được trao đến tận tay các bếp nấu thiện nguyện, gian hàng 0 đồng cho bà con vùng cách ly.

3 ngày sau đó, một xe chở cá từ huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp chở theo 3 tấn cá ba sa tươi ngon đến Quận 12, TPHCM, ủng hộ công tác phòng, chống dịch cho bà con nơi đây. Những con cá tươi ngon nhất của bà con miền Tây đã được gửi đến tay người dân TP.

Tiếp đó, hơn 23 tấn rau, củ quả gồm bí xanh, bí đỏ, cải thảo, mướp đắng, củ đậu, hành tây, thanh long, bơ, cacao, cà phê… của bà con Đắk Lắk; hơn 20 tấn rau, củ quả tươi và hơn 3 tấn chuối của nhân dân Lâm Đồng đã theo những chuyến xe yêu thương, gửi gắm tình cảm và tấm lòng sẻ chia của người dân các địa phương hướng về Thành phố mang tên Bác.

Cùng với bà con Quảng Bình, Đồng Tháp, Đắk Lắk, Lâm Đồng…, sau khi nghe thông tin TPHCM thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg để phòng, chống dịch, bà con nơi rốn lũ Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị “nóng ruột”, bàn nhau “nhà ai có gì góp nấy”. Nhiều người mang gạo, nông sản quê hương đến đóng góp…

Tự lúc nào, khuôn viên ngôi chùa làng Văn Vận, xã Hải Quy, huyện Hải Lăng chất đầy những món quà quê thắm đượm nghĩa tình, gửi về TP. Tham gia đợt quyên góp này, bà Nguyễn Thị Hạt (ở xã Tân Long, huyện Hướng Hóa) chở đến quầy tiếp nhận của UBND xã Tân Long con lợn đang nuôi nặng hơn 120kg để “làm quà”. Cùng với bà con huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Quảng Trị đã làm và gửi hàng trăm hũ muối ruốc sả hỗ trợ những lao động khó khăn ở TPHCM.

Song song với những món quà gửi cho TPHCM, hàng nghìn cán bộ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn sâu đã xung phong vào nơi tâm dịch TPHCM, để điều trị bệnh nhân và tham gia các hoạt động xét nghiệm, phân tích mẫu bệnh phẩm để phát hiện ca mắc mới, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Điển hình, những ngày gần đây, hàng nghìn cán bộ, bác sĩ, điều dưỡng, kỹ thuật viên ngành Y tế Hải Phòng, Nam Định, Phú Thọ, Thừa Thiên-Huế, Thái Nguyên, Yên Bái, Quảng Ninh… đã hăng hái lên đường, cùng đồng nghiệp ở TPHCM diệt “giặc COVID-19”.

Tiêu biểu, là địa phương vừa kiểm soát được dịch bệnh với sự hỗ trợ, giúp đỡ của ngành Y tế các địa phương, bệnh viện trên cả nước, Bắc Ninh sẵn sàng hỗ trợ TPHCM nhân lực có năng lực chuyên môn, kinh nghiệm thực tiễn chống dịch trong 2 tháng vừa qua tại địa phương.

Với tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, các y, bác sĩ vào TPHCM đều mang trong mình ý thức trách nhiệm cao, mong muốn phát huy chuyên môn, nghiệp vụ để hoàn thành nhiệm vụ địa phương giao phó, góp phần đẩy lùi dịch bệnh. Xung phong vào tâm dịch nhưng họ đều có chung cảm giác vinh dự và tự hào bởi được trở thành một trong số hàng trăm nghìn y, bác sĩ trên cả nước đang “chờ được điều động” vào TP.

Trong quyết định điều động 10.000 nhân viên y tế của các đơn vị sự nghiệp thuộc bộ và các đơn vị địa phương khu vực miền Bắc, miền Trung hỗ trợ TPHCM - đợt điều động nhân lực lớn nhất từ trước đến nay của ngành Y tế, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết, các lực lượng luôn trong tâm thế sẵn sàng lên đường hỗ trợ cho công tác phòng, chống dịch trên địa bàn Thành phố, bao gồm công tác lấy mẫu xét nghiệm, điều tra dịch tễ, hỗ trợ chuyên môn, công tác điều trị...

Chắc chắn những tấm lòng thảo thơm không chỉ dừng lại ở chuyến xe chở nguồn thực phẩm tươi sống cần thiết hay tinh thần dũng cảm của các y, bác sĩ trên cả nước xung phong vào tâm dịch.

Mỗi ngày, mỗi giờ, tại TPHCM có rất nhiều hành động đoàn kết, câu chuyện cảm động khi mọi người san sẻ với nhau một phần khó khăn do dịch bệnh gây ra. Những hành động nhân văn này đã phát huy truyền thống tương thân, tương ái, nghĩa tình cao đẹp, góp phần động viên người dân TPHCM có thêm sức mạnh chiến đấu và niềm tin chiến thắng đại dịch COVID-19 trong thời gian sớm nhất.

Các y, bác sĩ kiêm làm mẹ bệnh nhi mắc COVID-19

Tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Trưng Vương TPHCM có hai anh em bệnh nhi mắc COVID-19 được điều trị ở đây, trong đó có một bé gái mới gần 7 tháng tuổi. Cả nhà em đều mắc COVID-19, bố phải thở oxy, mẹ bị suy hô hấp nặng phải điều trị tích cực ở nơi khác nên hai anh em không có ai chăm sóc. Do đó, cùng với công tác chuyên môn, các y, bác sĩ Bệnh viện Trưng Vương TPHCM kiêm nhiệm thêm nhiệm vụ làm mẹ, chăm sóc hai bé.

Ở nơi đây, nhiều người chứng kiến hình ảnh cảm động của bác sĩ Phạm Thị Thanh Thúy, mặc đồ bảo hộ kín mít từ đầu đến chân, nhẹ nhàng ôm và cho bệnh nhi 7 tháng tuổi mắc COVID-19 uống sữa. Điều đặc biệt, bác sĩ Thúy đang phải tạm thời xa đứa con trai chỉ mới hơn 10 tháng tuổi, còn đang bú sữa mẹ, xách vali vào làm việc và ở ngay trong bệnh viện sau khi bệnh viện chuyển công năng điều trị cho bệnh nhân mắc COVID-19 (vào giữa tháng 6/2021).

Phải làm việc căng thẳng và chế độ ăn uống thất thường, bác sĩ Thúy không có nhiều sữa như trước, nhưng mỗi ngày chị đều cố gắng vắt sữa để dành cho bệnh nhi của mình. Trong khi đó, con trai của chị ở nhà đành phải cắt sữa mẹ. Thế nhưng, niềm vui duy nhất của chị Thúy lúc này là nhìn thấy bé gái bú sữa no, nằm ngủ ngon lành. “Nhìn giống con mình nên thương lắm”, bác sĩ Thúy nói.

Bình luận (0)

Lên đầu trang