Thành phố giãn cách, nhưng lòng người không "giăng dây"!

Thứ Tư, 14/07/2021 10:11

|

(CATP) Không phải cứ thấy phố phường bị rào chắn, phong tỏa là "đứt" hết mọi nẻo đường, vì tấm lòng bao dung của người TPHCM vẫn còn đó! Bao nhiêu ngày người dân oằn mình chống dịch, là bấy nhiêu thời gian chúng ta chứng kiến nghĩa tình được vun đắp. Không ồn ào, chẳng phô trương nhưng lại rất đỗi nhân văn, như thương hiệu từ bao năm mà thành phố này có được.

Hẻm nhỏ rộng tình thương

Phố phường những ngày này như đang ngủ yên. Những con đường im lìm trong hè oi ả, tịnh không bóng nguời. Sài Gòn đang khoác lên mình "chiếc áo bảo hộ", chấp nhận "cất" lại sự náo nhiệt, phồn hoa thường khi để chống lại cơn đại dịch hiểm nguy. Sẽ là một mất mát rất lớn về phát triển kinh tế nhưng vì đại cục, cả hệ thống chính trị chấp nhận hy sinh để bằng mọi giá bảo vệ sức khỏe người dân, giành lại sự bình yên vốn dĩ của thành phố này!

Thủ tướng Phạm Minh Chính: "Các đồng chí gọi, chúng tôi trả lời"

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội chuyển lời qua tôi để động viên, hỏi thăm, chia sẻ và đánh giá rất cao nỗ lực, cố gắng của TPHCM vượt qua khó khăn, thử thách thời gian qua. Trung ương luôn rất quan tâm, Chính phủ, Thường trực Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ trưởng luôn luôn bên cạnh các đồng chí, giải quyết các kiến nghị nhanh nhất, tốt nhất có thể. Các đồng chí gọi, chúng tôi trả lời.

Đêm, trong con hẻm nhỏ trên đường 27 (P.Hiệp Bình Chánh, TP.Thủ Đức), nơi dung thân của hơn chục dân ngụ cư, sự tĩnh lặng càng hiện rõ. Đã hơn một tháng, chị Phạm Thị Hạnh (35 tuổi, quê Thanh Hóa) không thể thu mua ve chai, vì phải tuân theo chỉ thị giãn cách xã hội, dù căn gác trọ chị đang tá túc phải gồng gánh 4 miệng ăn. Thực cảnh đó đang đưa chị Hạnh và chồng đứng trước nỗi lo cơm - áo - gạo - tiền cho gia đình nhỏ: không biết liệu bệnh dịch sẽ hoành hành đến bao giờ và những ngày sắp tới sẽ ra sao?

Đó là tâm tư có thể hiểu được trong tình cảnh lúc này của đại đa số người dân lao động phổ thông ở TPHCM. Cùng cảnh khó ai cũng như ai, vậy mà trước thử thách, những người con xa xứ lại biết nương nhau, chia ngọt sẻ bùi, nắm tay trụ lại. Bữa cơm phòng trọ ngày thường vốn đã đơn sơ, giờ vì ảnh hưởng của dịch Covid-19, lại càng chắt bóp. "Hôm nay không có thịt kho hả mẹ?" - Hậu, đứa con nhỏ của chị Hạnh, ngây ngô nhìn vào ánh mắt thẹn thùng của chị.

Phóng viên Lê Phong (bên phải) trên xe đặc chủng cùng đại úy Hoàng Thành Luân đưa sản phụ và cháu bé mới sinh về tận nhà

Trong khoảnh khắc khó xử của người mẹ, bất chợt có ánh đèn xe máy rọi vào. "Hậu, cầm vô đưa mẹ đi con!" - một bịch gà rán nóng hổi của chú Hoàng, nhà sát bên dãy trọ. Biết dịch dã khó khăn nên anh rất quan tâm đến cuộc sống của hàng xóm. "Cố gắng nha chị! Sẽ sớm trở lại bình thường thôi. Có gì khó khăn thì í ới nhau!" - Hoàng ngỏ ý làm chị Hạnh bùi ngùi. Xóm nhỏ đấy, nhưng rộng lắm tình thương!

Cắt ngang đường Trần Quang Diệu (Q3) cũng có một xóm nhỏ tối lửa tắt đèn có nhau. Trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, chẳng ai dặn ai, bà con tự khắc dành cho nhau sự quan tâm thầm lặng nhất. Chị Tâm (43 tuổi) sáng nay có được một suất đi chợ, biết hai cụ nhà bên sống neo đơn, mấy bữa nay cửa đóng then cài, đã lẳng lặng mua thêm chục trứng gà, mấy gói mì tôm, bó rau ngót... chị cho hết vào cái rổ, "câu" sang nhà gửi các cụ dùng. Khi cái rổ trống không được kéo về, có tờ lịch kèm dòng chữ: "Cho hai bác cảm ơn!". Yêu thương, đôi lúc được gói gém bằng những điều bình dị nhất.

Trong nguy nan mới thấy hết nghĩa tình

Thực hiện nghiêm lệnh giãn cách, cơ quan chức năng TPHCM đã bố trí các chốt kiểm soát dịch, với yêu cầu nếu người dân không có lý do chính đáng sẽ không được lưu thông. Ngày 11-7, phóng viên Lê Phong (Báo Người Lao Động) tình cờ ghi nhận lại câu chuyện "vượt cạn" rất xúc động của một sản phụ, chị tên Văn Hồng Cẩm.

Nghĩa cử của các nhóm thiện nguyện dành cho các điểm nóng bùng phát dịch ở Q.Tân Bình, Q.Bình Tân

Hôm ấy chị Cẩm sinh bé trai tại Bệnh viện Hùng Vương. Khi xuất viện, chị đã được cấp giấy xét nghiệm âm tính với virus SARS-CoV-2 nên thuê taxi chở về nhà ở huyện Cần Đước (Long An). Ngặt nỗi, anh tài xế do chưa được cấp giấy xét nghiệm âm tính nên cả người và xe đều bị chặn lại ở chốt kiểm dịch cửa ngõ thành phố. Thế là người mẹ đành phải bế con đi bộ, dù nhà chị cách đó tận 20 cây. Trước tình cảnh này, phóng viên Lê Phong cùng đại úy Hoàng Thành Luân (Phó trạm trưởng CSGT Đa Phước thuộc Phòng CSGT Đường sắt - Đường bộ Công an TPHCM) đã quyết định trưng dụng xe đặc chủng, chở hai mẹ con sản phụ về tận nơi.

Hiểu được khó khăn của bà con lao động nghèo trong thời gian thành phố thực hiện lệnh giãn cách, nhất là ở vùng tâm dịch, Ban giám đốc CATP đã chỉ đạo Báo CATP phối hợp cùng Phòng công tác Đảng và công tác chính trị (PX03) triển khai cuộc vận động quyên góp gạo, nhu yếu phẩm, các thiết bị bảo hộ phục vụ chống dịch. Sau 2 ngày tổ chức, Báo CATP đã vận động được gần 200 tấn gạo và hơn 5.000 bộ đồ bảo hộ (trong đó, cô Nguyễn Thị Dậu, chủ tiệm bánh Như Lan đóng góp 50 tấn gạo và 5.000 bộ đồ bảo hộ chống dịch).

Ngoài ra, Hãng gạo A An thuộc Tập đoàn Tân Long đã chủ động đến Báo Công an TPHCM, ngỏ lời mong muốn được đóng góp 50 tấn gạo để chương trình có thêm thực lực, giúp đỡ nhiều hơn nữa cho bà con đang trong hoàn cảnh khó khăn. Không riêng lần tiếp sức này với chúng tôi, trước đó vào ngày 5-7, Tập đoàn Tân Long thông qua Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam TPHCM, còn phát tâm đóng góp cho thành phố 110 tấn gạo trong chương trình "hạt gạo nghĩa tình", hỗ trợ cùng TPHCM chống dịch.

"Trước khi dịch bùng phát, chúng tôi đã tiên lượng được tình hình nên dự trữ một lượng lớn gạo, nông sản trong các kho chứa. Lãnh đạo tập đoàn thống nhất dù tình hình dịch có phức tạp như thế nào cũng không tăng giá, giữ bình ổn giá ở các siêu thị, cửa hàng để góp sức cùng thành phố chống dịch. Tôi là người con của quê hương Long An nhưng học tập và trưởng thành ở thành phố nghĩa tình này, nên khi có cơ hội sẽ làm hết sức có thể vì sự phát triển của thành phố tôi yêu" - ông Nguyễn Chánh Trung, Phó tổng giám đốc Tập đoàn Tân Long (điều hành Hãng gạo A An), tâm sự.

Niềm tin chiến thắng

Ở tuyến đầu, chúng ta đã chứng kiến sự quên mình của các chiến sĩ, bác sĩ xông pha vào các điểm nóng cách ly. Còn trong nội đô, chúng ta đang phải chấp nhận những hy sinh trước về kinh tế, chấp nhận giãn cách xã hội toàn thành phố. Nói như Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính: "Một năm có 52 tuần. Trước thử thách lần này, chúng ta chấp nhận mất 2 tuần thực hiện nghiêm các chỉ thị chống dịch để giữ lại 50 tuần còn lại; nếu không chúng ta sẽ mất hết!". Sau câu nói rất trọng điểm, rất đúng tình hình hiện tại là hình ảnh nắm tay bóp chặt, thể quyết tâm dập dịch của Thủ tướng. Đó là khoảnh khắc cho thấy, niềm tin chiến thắng được đại dịch của đất nước là rất lớn!

Không phụ sự tin tưởng của Trung ương, trước tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, để chủ động hơn, TPHCM đã lập Sở chỉ huy phòng chống dịch Covid-19 do Chủ tịch UBND TP là Chỉ huy trưởng; lập Trung tâm điều phối xét nghiệm do một Phó chủ tịch UBND TP là Trưởng Trung tâm; lập Trung tâm thông tin, phân tích dữ liệu về dịch bệnh.

Theo chủ tịch UBND TPHCM Nguyễn Thành Phong, thành phố bảo đảm cung ứng hàng hóa thiết yếu với người dân. Ngoài ra, đã giải ngân hơn 80 tỷ đồng hỗ trợ người dân, đạt tỷ lệ 24%, đồng thời huy động nhiều nguồn lực xã hội để chăm lo các đối tượng khó khăn. "Chúng tôi xác định 5 nhóm giải pháp trọng tâm thời gian tới về tổ chức xét nghiệm; điều trị; tiêm vaccine phòng Covid-19; bảo đảm vừa cách ly, vừa sản xuất; hỗ trợ người dân gặp khó khăn" - Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thành Phong nhấn mạnh.

Cuộc chiến này được dự đoán sẽ còn phức tạp, vậy nên sự chung sức đồng lòng của toàn xã hội sẽ là nền tảng rất lớn giúp chúng ta vượt qua gian nguy. Lòng tốt được nhân lên, đó không chỉ là mong mỏi của riêng mẹ con chị Hạnh trong dãy trọ nghèo ở TP.Thủ Đức, hay của chúng tôi (những người thực hiện bài viết này) mà chắc chắn, sẽ là nguyện vọng chung của hầu hết người dân sống trên mảnh đất nghĩa tình mang tên Bác. Hãy đồng lòng, chung sức và sẻ chia, để tất cả cùng nắm tay vượt qua bĩ cực.

Người người hướng về tâm dịch

Gần một tuần toàn thành phố thực hiện Chỉ thị 16 của Chính phủ, thông qua Báo Công an TPHCM, đã có rất nhiều tổ chức, cá nhân quyên góp của cải lẫn sức người gắn kết, mang hàng cứu trợ để trao tận tay người dân tại các điểm nóng bùng phát dịch Covid-19 như các quận: Bình Tân, Tân Phú, Tân Bình.

Hàng trăm tấn gạo, nhu yếu phẩm chật kín sảnh Tòa soạn Báo Công an TPHCM, chuẩn bị tiếp tế vào tâm dịch

Bánh chưng dành người dân trong các khu cách ly

Thông qua bài viết này, thay mặt bà con thành phố, Báo Công an TPHCM xin gửi lời tri ân nghĩa cử cao đẹp của các đơn vị như: Nụ cười bác ái, Thiện nguyện Liên Tâm, Công ty Nam Tiên Trang - Hạt giống mai vàng, Thiện duyên Bigo Milk, Công ty TNHH In Thiên Lộc, Kim Oanh Group, chị Nguyễn Đỗ Trúc Phương (Q1) và anh Đinh Trung Việt (Q.Tân Bình)... Tổng số đóng góp, hỗ trợ cho bà con vùng dịch của các Mạnh Thường Quân gồm: 12,3 tấn gạo; hơn 4.000 suất cơm, 300 cái bánh chưng, 490 thùng mì, 1 tấn khoai, 2.000kg rau củ quả, 2.000 gói hạt giống, 20.0000 khẩu trang y tế, 29 triệu 500 ngàn đồng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang