Quặn lòng nơi rốn lũ Tây Bắc

Chủ Nhật, 06/08/2017 19:29  | Đoàn Tuấn - Quốc Huy

|

(CAO) Ám ảnh ở vùng rốn lũ Tây Bắc là cảnh chồng tìm vợ, cha tìm con, ông tìm cháu… trong đống đổ nát cùng sự tuyệt vọng khi nhiều người mất tích còn chưa tìm thấy.

Khi mà đau thương tràn ngập vùng lũ quét thì ở đó ngọn lửa tình người lại được thắp lên. Hàng trăm đoàn cứu trợ đến với đồng bào vùng thiên tai thể hiện tinh thần tương thân tương ái của người Việt. Trong hành trình chia sẻ mất mát, đau thương ấy, Đoàn công tác từ thiện của Báo Công an TP.HCM phối hợp cùng Công an huyện Mù Cang Chải đã đem đến 100 triệu đồng tiền mặt trích từ quỹ xã hội từ thiện của Báo để phần nào san sẻ với bà con vùng rốn lũ Tây Bắc vơi đi những nỗi đau thương, mất mát, góp phần sớm ổn định lại cuộc sống.

Kinh hoàng đường đi của lũ quét

Sau mưa lũ tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Lai Châu là cảnh đường sá, các công tình công cộng, nhà dân tan hoang, tiêu điều. Hàng ngàn mét khối bùn, đất, đá tảng cùng nước lũ cuồn cuộn khiến nhiều người mất tích, nhà cửa, vật dụng bị kéo sập, đời sống của người dân đảo lộn. Trong đổ nát là sự đau thương đến quặn lòng của những gia đình có người xấu số, không may bị mất tích. Cả khu vực bộn bề trong đống đổ nát và đau thương. Trong hoàn cảnh ấy, người dân Tây Bắc cùng các lực lượng chức năng gồm: Công an, bộ đội, y tế… ngày đêm làm công tác tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ. Công an và bộ đội các tỉnh đã tung hàng ngàn chiến sĩ ngày đêm ăn dầm ở dề khoan đá, dọn bùn đất, lặn dưới lòng hồ tìm người.

Tuy nhiên, cho đến sáng 6-8, thống kê từ Ban chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các tỉnh Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên cho biết mưa lũ tại các tỉnh vùng núi phía Bắc đã làm 26 người chết và vẫn còn 16 người mất tích, tăng 6 người so với báo cáo ngày 5-8. Cụ thể, tại Yên Bái, đã có 5 người chết và vẫn còn 10 người mất tích; tại Sơn La cũng đã có 12 người chết và vẫn còn 5 người mất tích. Còn tại tỉnh Lai Châu đã tìm thấy thi thể 2 trường hợp bị mất tích do đất, đá sạt lở vùi lấp tại huyện Mường Tè và còn một trường hợp mất tích. Tại tỉnh Điện Biên, ngoài 6 người chết đã được tìm thấy trong ngày 5-8, cho đến sáng 6-8 cũng đã tìm thấy thi thể một trường hợp bị lũ cuốn trôi vào chiều 5-8. Ngoài ra, còn có 21 người tại các tỉnh này bị thương đang phải điều trị ở bệnh viện.

Trung tâm nơi lũ quét đi qua tại rốn lũ Mù Cang Chải

Bên cạnh đó, “mẹ thiên nhiên” còn kéo sập, cuốn trôi 228 ngôi nhà. Trong đó Yên Bái có 51 nhà, Sơn La có 177 nhà. Tại các tỉnh Yên Bái, Sơn La, Điện Biên, Bắc Cạn, Cao Bằng, Lào Cai cũng đã có 326 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở. Ngoài ra, có 377 hộ phải sơ tán, di dời tại các tỉnh Lai Châu, Điện Biên, Yên Bái, Sơn La. Mưa lũ đã làm sạt lở 13.442m đường trên quốc lộ 12, quốc lộ 279B, quốc lộ 279C, quốc lộ 4H thuộc địa bàn tỉnh Điện Biên, quốc lộ 32 thuộc tỉnh Yên Bái. Tính đến nay, mưa lũ đã gây thiệt hại cho các tỉnh Tây Bắc hàng ngàn tỷ đồng.

Tìm đến vùng rốn lũ Mù Cang Chải, tỉnh Yên Bái, đến thời điểm này hàng ngàn người vẫn đang tích cực dọn bùn đất, đá tảng để tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Trong khi các lực lượng chức năng đang hối hả tìm người thì với những người thân của người mất tích, họ vẫn đang mòn mỏi chờ đợi thông tin, kiếm tìm tia hy vọng mong người thân của họ sống sót trở về. Có lên tới đỉnh những khe nước - nơi bắt nguồn của trận lũ ống lịch sử mới thấy được sự khủng khiếp từ cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Điểm đầu của nơi lũ quét cách thị trấn Mù Cang Chải khoảng chục cây số, với đường đèo, cua gấp khúc lên xuống bồng bềnh. Bên cạnh đường đi nguy hiểm, suốt hành trình chúng tôi đi là đường đi của lũ quét với những vạt đất, đá bị sạt lở loang lổ, lộ màu vàng xen những vạt cây trên các triền đồi, núi. Cả một đường dài hàng chục cây số nơi lũ quét đi qua ngổn ngang cây, đất đá. Nhiều chỗ, nước chảy mạnh làm xói mòn tạo thành những lườn, hố sâu hoắm giữa lưng chừng núi đồi.

Trắng đêm khoan đá tảng, bới bùn người mất tích trong trận lũ quét
 

Quặn đau ở vùng rốn lũ

Tìm đến gia đình có 5 người gặp nạn ở đỉnh lũ quét đi qua tại xã Kim Nọi, chúng tôi không khỏi xót xa trước cảnh anh Giàng A Mùa (SN 1982) cùng người thân trong nhà đang ngồi sưởi trong đống lửa sau những ngày mệt nhọc đi tìm hai con trai. Gia đình anh Mùa chịu thiệt hại nặng nề nhất khi có 2 con trai cùng 2 cháu trai con của người em ruột bị mất tích và một cháu bị thương. Anh Mùa cho biết, trước hôm xảy ra lũ ống, các con của anh cùng với 3 cháu nhỏ nhà em trai dắt bò lên đỉnh núi gần nhà chăn dắt. Tuy nhiên, do tối đến có mưa, đường rừng mù mịt, các cháu ở lán ngủ lại qua đêm mà không về nhà.

Lực lượng Công an, bộ đội tích cực dọn dẹp đống đổ nát

Ngồi thất thểu trong bếp lửa, anh Mùa giọng đắng đót: “Sáng hôm sau, mưa to và thấy cảnh lũ quét, gia đình lên gọi các cháu về thì thấy toàn bộ lán, trâu bò và người không còn ở đó nữa. Biết là lũ quét xảy ra nên tôi kêu gọi người nhà tỏa ra đi tìm thì thấy cháu Giàng A Tào – con của người em trai ngồi núp trong bụi cây, quần áo rách tả tơi, người đầy thương tích thủ thỉ khóc. Gặng hỏi thì cháu nói toàn bộ 4 anh em ngủ cùng tối hôm đó đã bị nước cuốn trôi. Do cháu Tào bị mắc vào một gốc cây nên may mắn thoát chết, còn 2 đứa con nhà tôi và 2 cháu mất tích. Chúng tôi đã đi tìm mấy ngày nhưng không thấy. Bao năm sinh sống ở đây, đây là trận lũ quét lịch sử, 4 đứa trẻ của gia đình bị cuốn mất”.

Còn ông Ngô Quang Thường – chú ruột chị Ngô Thị Hiền (ở tổ 8, Thị trấn Mù Cang Chải) đang tất bật lo tang ma cho đứa cháu xấu số mới tìm thấy sáng nay. Ông Thường cho biết, cả gia đình cháu 4 thành viên và ngôi nhà đều bị lũ quét sạch, 3 người mất tích và một người bị thương nặng là chồng chị Hiền. “Hai đứa nó gia cảnh nghèo khó, lấy nhau xong díu dắt vào Đồng Nai làm công nhân nhưng chả có gì. Thương cháu, tôi gọi chúng nó về tạo điều kiện mua đất, vừa xây xong cái nhà thì xảy ra lũ quét. Đứa con thứ hai mới tìm thấy sáng nay, còn Hiền và đứa lớn vẫn mất tích. Chồng nó thì vừa bị thương và dư chấn tâm lý đang điều trị tại bệnh viện ở Hà Nội”, ông Tuấn buồn rầu kể.

Mù Cang Chải tan hoang sau đợt lũ ống, lũ quét và sạt lở
 
Lực lượng Công an, bộ đội tích cực dọn dẹp đống đổ nát

Cùng chung cảnh ngộ với những người dân nơi vùng lũ, Trung uý Giàng A Phóng (SN 1990 hiện đang công tác tại đội Hình sự - Kinh tế - Ma tuý Công an huyện Mù Cang Chải) khi trực từ đội về nhà thì toàn bộ nhà cửa, tài sản đã bị cơn lũ lịch sử cuốn phăng. May mắn khi người vợ và hai đứa con nhỏ đã kịp chạy thoát lên đồi sau đó được người dân và bà con đưa về công an huyện, nhưng ngôi nhà vừa mới xây của gia đình đã bị lũ xoá sổ. Hiện gia đình anh Phóng đang phải đi ở nhờ nhà người thân.

Ngoài anh Phóng còn có 4 đồng chí Công an huyện Mù Cang Chải bị hư hỏng nặng do mưa lũ càn quét. Hiện Trung uý Phóng và những đồng đội của anh cùng bà con nơi vùng lũ các tỉnh Yên Bái- Sơn La- Điện Biên- Lai Châu đang rất cần sự chung tay giúp đỡ của đồng bào trên cả nước để phần nào vơi đi bớt những đau thương mất mát cả về người và tài sản.

Tình người nơi rốn lũ

Trong hành trình đến với bà con vùng lũ, trên dọc đường đi hơn 300km, chúng tôi bắt gặp hình ảnh những đoàn xe gắn trên mình những dòng chữ thân thương như: “Chia sẻ với đồng bào vùng lũ”, “Hãy san sẻ với Tây Bắc”, “Đoàn từ thiện đến với bà con vùng lũ quét”… hối hả về với bà con vùng chịu thiên tai. Thậm chí, khi đoàn xe từ thiện bị chặn lại do đất đá lở không thể tiến vào trong thị trấn, xe của Báo Công an TP.HCM tận tình giúp vận chuyển lương thực vào trong cho bà con. Khi chúng tôi vào thị trấn, đâu đâu cũng bắt gặp đoàn người từ thiện, những thùng mì tôm, những bao gạo được vận chuyển hối hả đến với người dân nơi đây.

Báo Công an TP.HCM hỗ trợ đồng bào vùng rốn lũ

Trong chuyến công tác từ thiện đợt này tại huyện Mù Cang Chải, Báo Công an TP.HCM đã giúp đỡ, ủng hộ 100 triệu đồng trích từ quỹ xã hội từ thiện của báo đến với bà con bị ảnh hưởng của lũ quét. Trong tổng số 4 người chết, 10 người mất tích, 1 nguời mất hoàn toàn nhà cửa tại huyện Mù Cang Chải, Báo Công an TP đã giúp đỡ mỗi xuất 5 triệu đồng. 7 người bị thương hỗ trợ mỗi người 2 triệu đồng, 1 nguời bị thương nặng 3 triệu đồng.

Đoàn công tác của Bộ Tài Nguyên - Môi trường do bộ trưởng Trần Hồng Hà dẫn đầu đã trực tiếp lên tỉnh Yên Bái kiểm tra việc xử lý các vấn đề môi trường sau lũ. Tại tỉnh Yên Bái, đoàn đã trao số tiền 600 triệu đồng từ Quỹ Bảo vệ môi trường cho tỉnh xử lý các vấn đề môi trường, trao 200 triệu đồng tiền quyên góp của cán bộ, công nhân viên ngành và trao 200 bộ giường tầng cho Trường Dân tộc nội trú huyện Mù Cang Chải. Trong ngày 5-8, tại tỉnh Sơn La, thứ trưởng Bộ TN-MT Nguyễn Linh Ngọc cũng đã trao số tiền 500 triệu đồng từ Quỹ Bảo vệ môi trường cho tỉnh để xử lý các vấn đề môi trường và trao 88 triệu đồng từ nguồn quyên góp.

Bình luận (0)

Lên đầu trang