(CAO) Sáng 19-2, ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát động lễ ra quân thi công đầu năm trên cầu Giao Thủy (nối xã Đại Hòa, huyện Đại Lộc với xã Duy Hòa, huyện Duy Xuyên), cây cầu vượt lũ lớn nhất miền Trung.
Giao Thủy là khu vực giao nhau giữa ba con sông, trong đó có hai hệ thống sông lớn là Thu Bồn và sông Vu Gia. Nơi đây được xem là “rốn lũ” miền Trung, mỗi khi lũ về thì dâng ngập kinh hoàng, khiến việc lưu thông bằng đò, thuyền của người dân không thể qua lại, chia cắt huyện Đại Lộc với huyện Duy Xuyên, Quế Sơn, Nông Sơn.
Cây cầu đang được thi công gấp rút
Có được cây cầu là ước nguyện bao đời của người dân các huyện này nên Trung ương hỗ trợ 80% vốn, còn lại vốn đối ứng địa phương với tổng giá trị dự án trên 820 tỷ đồng. Dự kiến hoàn thành vào tháng 9-2017.
Cầu Giao Thủy được chính quyền Sài Gòn xây dựng trước năm 1975 và bị hư hỏng, sập đổ. Hơn 40 năm qua, nhân dân các huyện: Nông Sơn, Quế Sơn, Duy Xuyên và Đại Lộc phải đi lại bằng đò ngang rất khó khăn và mất an toàn.
Trước sự chỉ đạo của Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc về việc đẩy nhanh tiến độ, chủ đầu tư là Ban QLDA đầu tư xây dựng (DA) Quảng Nam cùng các đơn vị thi công nỗ lực, vượt qua mọi khó khăn để thi công, vượt tiến độ so với chu trình đề ra.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam phát biểu trong buổi lễ
Trao quà cho các đơn vị
Theo ông Nguyễn Như Công- giám đốc BQL DA Quảng Nam, hiện công trình đã hoàn thành 2/3 tiến độ. Dự kiến sẽ hoàn thành vượt tiến độ trên 10 tháng…
Ông Trần Hữu Thuật, Giám đốc Công ty Thanh Tùng, một trong ba liên doanh thi công cầu Giao Thủy và đường dẫn hai đầu cầu cho biết, nếu phía địa phương sớm bàn giao mặt bằng, thời tiết ổn định bằng 80% so với năm ngoái, ưu tiên chuyển thêm vốn cho đơn vị thi công thì sẽ cam kết hoàn thành trong năm 2016, vượt tiến độ gần một năm so với dự kiến.
Ông Lê Trí Thanh, Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam cho biết, cây cầu Giao Thủy là cây cầu trọng điểm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội vùng Tây Quảng Nam. Là cánh cửa nối liền các địa phương trong vùng với Hội An và TP. Đà Nẵng nên việc nỗ lực thi công gấp rút, đảm bảo chất lượng công trình, để người dân nơi đây sớm được đi trên cây cầu mơ ước bấy lâu.
“Khi cầu Giao Thủy đưa vào sử dụng sẽ tạo điều kiện cho nhân dân đi lại, phát triển sản xuất, thúc đẩy kinh tế - xã hội vùng phía tây của tỉnh phát triển; đồng thời tạo thuận lợi trong công tác cứu nạn, cứu hộ trong mùa mưa bão”, ông Trần Văn Mai, Chủ tịch huyện Đại Lộc nhấn mạnh.