Ấn tượng ngôi nhà dài bên hồ Xuân Hương

Thứ Hai, 30/12/2019 07:45

|

(CATP) Có một không gian ngôi nhà dài với những vật dụng, công cụ lao động... của đồng bào các dân tộc Mạ, K'Ho, Chu Ru (người dân gốc bản địa vùng đất Lâm Đồng - Nam Tây Nguyên) được dựng bên bờ hồ Xuân Hương, lẫn trong khung cảnh các sản phẩm từ chất liệu lụa tơ tằm Bảo Lộc (TP. Bảo Lộc - Lâm Đồng) bên chiếc máy ươm tơ, dệt lụa, nhộng tằm, nong kén... những ngày qua thu hút nhiều người tham quan, chụp ảnh.

Đây là một trong những không gian mới, lạ góp phần mang lại ấn tượng cho cộng đồng, du khách đến với Đà Lạt, trưng bày từ ngày 20-12 đến Tết Dương lịch 2020.

Không gian ngôi nhà dài và kho lúa, các vật dụng sinh hoạt, công cụ lao động của đồng bào các dân tộc Mạ, K'Ho, Chu Ru

Nhiều ngày qua, du khách đến ghé thăm nơi đây khá đông. Không chỉ những người già mà trẻ nhỏ, thanh - thiếu niên, đặc biệt là du khách nước ngoài. Một không gian lạ lẫm, để lại ấn tượng với nhiều người.

Thiếu nữ K'Ho xinh đẹp đến chơi tại triển lãm

Đây là ý tưởng của nhà thiết kế thời trang Minh Hạnh và nhà báo - nhà dân tộc học Đinh Thị Nga, người nặng lòng với văn hoá đồng bào dân tộc thiểu số bản địa Lâm Đồng và vùng đất Nam Cát Tiên.

Chị Nga được nhiều người biết đến là nhà sưu tầm các vật dụng sinh hoạt của đồng bào các dân tộc thiểu số ở Lâm Đồng, người có công lớn trong việc phát hiện di chỉ khảo cổ Thánh địa Cát Tiên (di tích Quốc gia Cát Tiên, thuộc huyện Cát Tiên - Lâm Đồng).

Bà Ka Lang - dân tộc mạ, cựu chiến binh căng tai đeo ngà voi từ thuở bé

Trong căn nhà của chị Đinh Thị Nga ở đường Ngô Quyền - TP. Đà Lạt, chị sưu tầm, dựng cả một ngôi nhà của người đồng bào với hàng trăm vật dụng - các loại trong sinh hoạt hàng ngày của bà con các dân tộc K'Ho, Mạ, Chu Ru và thuộc làu từng món, của dân tộc nào, dùng vào việc gì...

Những hình ảnh, đồ chơi chuông gió hình chim muông của đồng bào các dân tộc Mạ, K'Ho, Chu Ru bên ngôi nhà dài triển lãm

Được sự hỗ trợ của Ban Tổ chức Festival hoa 2019, nhà báo Đinh Thị Nga và nhà thiết kế Minh Hạnh đã đưa một ngôi nhà dài của người Mạ cùng một kho lúa và 7 ngôi nhà khác đều bằng chất liệu tre, nứa, mái lợp lá mây của đồng bào Mạ, Chu Ru, K'Ho dựng lên bên hồ Xuân Hương.

Theo nhà dân tộc học Đinh Thị Nga: Đây là ngôi nhà dài duy nhất ở Lâm Đồng - vùng Nam Tây Nguyên còn sót lại cho đến ngày nay. Ngôi nhà do gia đình già làng Điểu K’Banh và gia đình em rể Điểu K’Rư làm cách đây 50 năm ở Buôn Go, huyện Cát Tiên. Cột, kèo nhà làm bằng gỗ mun, tre già. Tre, nứa còn dùng để thưng vách, làm sàn nhà, mái lợp mây nên rất bền, chắc, tuổi thọ có thể đến 200 năm. Chị Nga mua ngôi nhà này từ gần 20 năm trước, sau đó gửi lại trong vườn nhà dân.

Nhà báo, nhà dân tộc học Đinh Thị Nga bên bà con trong ngôi nhà dài trưng bày

Từ trước ngày khai mạc Festival hoa 2019, đông đảo bà con người đồng bào dân tộc thiểu số di chuyển, dựng lại ngôi nhà dài bên hồ Xuân Hương làm không gian triển lãm ảnh, công cụ lao động, trình diễn các tiết mục cồng chiêng phục vụ du khách, quảng bá nét văn hoá và một số hoạt động, sinh hoạt trong đời sống của đồng bào dân tộc Mạ, K’Ho và Chu Ru.

Những gánh tơ, kén bên chú ngựa gỗ nơi trưng bày

Nhà dài là một trong những nét đặc trưng riêng của một số đồng bào Tây Nguyên - nơi cộng cư của 3-4 thế hệ cùng huyết thống, có chế độ mẫu hệ, như: Mạ, K'Ho (ở Lâm Đồng), Ê-đê (Đắk Lắk), Bana (Gia Lai - Kon Tum), M'Nông (Đắk Nông)...

Khi các thành viên trong gia đình đi “bắt chồng”, đôi vợ chồng trẻ "ra riêng" bằng cách tự vào rừng chặt cây, lấy lá mây hoặc cỏ tranh dựng nhà, nối vào ngôi nhà của ông bà, bố mẹ... Cứ thế, nhà sẽ dài thêm ra. Trong mỗi căn nhà nối thêm của các cặp vợ chồng có riêng một bếp lửa và 1 nhà kho đựng lúa ở ngoài nhà dài.

Có những căn nhà dài có đến hơn 10 cặp vợ chồng sinh sống, nhưng chỉ ở gian nhà chính ban đầu mới đặt một bàn thờ thần mặt trời, ông Trời (có nơi gọi Giàng), thờ thần mặt trăng, một cây nêu uống rượu. Có sự kiện gì, cả đại gia đình sẽ quây quần bên gian nhà chính.

Ngoài ngôi nhà dài, sinh hoạt của đồng bào K'Ho, Chu Ru giống như dân tộc Mạ. Kho lúa truyền thống của đồng bào Mạ thường được dựng cạnh nhà dài, cũng làm như nhà sàn để tránh bị các con vật nuôi, thú rừng trèo vào phá phách...

Nhà sưu tầm Đinh Thị Nga (giữa) hướng dẫn du khách chơi đàn đá của đồng bào Tây Nguyên

Ngoài văn hoá nhà dài đặc trưng của người Mạ cùng các vật dụng sinh hoạt hàng ngày của bà con đồng bào Mạ, K'Ho, Chu Ru, như: gùi, khiêu, chày cối giã gạo, sớp đựng cơm; chiêng, ché; xà gạt, rìu, tên, ná, dao tự chế...

Bên ngôi nhà dài, các hoạt động đời sống truyền thống của người dân tộc Mạ sẽ được tái hiện, như: dệt vải, nhuộm vải bằng lá cây rừng, nấu rượu, trồng khoai, bắp... cùng những âm thanh cồng chiêng rộn ràng...

Chủ nhân của triển lãm còn mời đến không gian triển lãm 20 người, là nghệ nhân, các già làng và các cựu chiến binh, đồng bào Mạ, K’Ho, Chu Ru, đến từ Buôn Go (thị trấn Cát Tiên), xã Đồng Nai Thượng và xã Tiên Hoàng (thuộc huyện Cát Tiên).

Những ngày qua, bà con đến ở, sinh hoạt trong căn nhà dài trong trang phục truyền thống để du khách hiểu thêm về con người, văn hoá của bà con đồng bào dân tộc thiểu số. Nhiều cụ già còn giữ văn hoá cà răng căng tai, thích mặc đồ thổ cẩm, đeo các vòng, khuyên đủ màu sắc.

Một bức ảnh đẹp mẹ bồng con trong cuộc triển lãm

Nhiếp ảnh gia Nguyễn Hoài Linh đã chụp những bức ảnh chân dung nghệ thuật các "khách mời" này, tái hiện cuộc sống của họ, trưng bày ngay bên không gian ngôi nhà dài. Đây là hoạt động thiết thực góp phần quảng bá, bảo tồn và trao truyền di sản.

Ngoài ra, tại đây, du khách còn được tham quan, trải nghiệm hình ảnh những con tằm, nong kén cùng với nghề ươm tơ dệt lụa của người dân vùng đất Bảo Lộc - Lâm Đồng. Mấy năm trở lại đây, ngành nghề trồng dâu, nuôi tằm, ươm tơ, sản xuất lụa trên vùng đất Bảo Lộc, Bảo Lâm, Lâm Hà, Di Linh "sống lại", giúp đời sống của đông đảo bà con nơi đây ngày càng trở lên khấm khá.

Guồng quay tơ...
Nong tằm...
... Nong kén trong không gian triển lãm

Bình luận (0)

Lên đầu trang