(CAO) Nằm trong chuỗi sự kiện các chương trình Festival hoa 2019, chiều và tối các ngày 21, 22-12, tại hai TP.Bảo Lộc và Đà Lạt đã diễn ra các chương trình khai mạc Tuần văn hoá trà và tơ lụa Lâm Đồng, chủ đề "Lung linh đêm hội B'Lao", trình diễn thời trang tơ lụa trên hồ Xuân Hương (TP. Đà Lạt) và hồ Đồng Nai (TP. Bảo Lộc) nhằm tôn vinh ngành trà và vẻ đẹp tơ lụa Việt Nam.
Hơn 80 người mẫu chuyên nghiệp, cùng nhóm múa đương đại Hà Nội và 60 nữ sinh Đà Lạt đã tham gia trình diễn trang phục tơ lụa trên mặt hồ lung linh với hiệu ứng khói sương nghệ thuật, khung cảnh lãng mạn, nên thơ trên mặt hồ, thu hút hàng ngàn người dân, du khách tham dự.
Trình diễn lụa Bảo Lộc
Đêm 21-12, Lễ Khai mạc Tuần văn hóa Trà và Tơ lụa Bảo Lộc – Lâm Đồng do UBND TP. Bảo Lộc phối hợp với Công ty Sen Vàng tổ chức, diễn ra tại Quảng trường 28-3, TP. Bảo Lộc, thu hút đông đảo người dân địa phương.
Lễ khai mạc Tuần Văn hóa Trà và Tơ Lụa Bảo Lộc – Lâm Đồng 2019, tại TP. Bảo Lộc
Ông Đoàn Kim Đình – Chủ tịch UBND TP. Bảo Lộc, Trưởng Ban tổ chức Tuần Văn hóa Trà và Tơ Lụa Bảo Lộc – Lâm Đồng 2019, phát biểu: Nằm trong tổng thể Chương trình Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 8-2019, Tuần Văn hóa Trà – Tơ lụa Bảo Lộc – Lâm Đồng là sự kiện kinh tế – văn hóa quan trọng của thành phố nhằm tôn vinh người trồng chè và chế biến trà; nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa; là cơ hội để giới thiệu, quảng bá thương hiệu trà B’Lao và tơ lụa Bảo Lộc, về vùng đất và con người xứ B’Lao.
Những năm gần đây, ngành trà B’Lao, tơ lụa Bảo Lộc ngày càng phát triển mạnh mẽ, qua các doanh nghiệp trong và ngoài nước đã có cơ hội cất cánh, vươn xa, xuất khẩu rộng rãi thị trường trong nước và nhiều nước trên thế giới, mang về niềm tự hào cho thương hiệu Việt, ổn định đời sống của người dân địa phương...
Các người mẫu trình diễn lụa tơ tằm Bảo Lộc trên hồ Xuân Hương
Ông Phạm S – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng thay mặt lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng, trong lời phát biểu chào mừng Tuần Văn hóa Trà – Tơ lụa Bảo Lộc – Lâm Đồng năm 2019, nhấn mạnh: TP. Bảo Lộc gắn với thương hiệu trà B’Lao và tơ lụa Bảo Lộc trên cao nguyên Di Linh – Lâm Đồng; trong nhiều năm qua, chính quyền và nhân dân Bảo Lộc đoàn kết, đồng lòng xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp, trở thành vùng kinh tế trọng điểm phía nam…
Đến nay, nghề trồng dâu nuôi tằm và ươm tơ dệt lụa, trồng chè và chế biến trà từng bước khẳng định thương hiệu trên thị trường trong nước và thế giới. Lễ hội nhằm nhằm đẩy mạnh công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, du lịch, phát triển kinh tế – xã hội của TP. Bảo Lộc nói riêng và tỉnh Lâm Đồng nói chung.
Đây cũng là cơ hội để những người trồng, sản xuất, kinh doanh trà, tơ lụa được giao lưu, trao đổi, phát triển ngành nghề, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh về vùng đất và con người xứ trà B’Lao và vùng tơ lụa Bảo Lộc, để sản phẩm hương trà sắc thắm và tơ lụa chất lượng, mượt mà ngày càng vươn xa, mở rộng thị trường, mang lại đời sống ấm no, phồn thịnh cho địa phương.
Nghề ươm tơ, dệt lụa ở Lâm Đồng
Dịp này, 11 doanh nghiệp trà và tơ lụa tiêu biểu đã được tôn vinh, biểu dương và cấp quyền sử dụng nhãn hiệu Trà B’Lao và Tơ Lụa Bảo Lộc. Hoa hậu Việt Nam 2016 – Đỗ Mỹ Linh và Á hậu 1 Hoa hậu thế giới Việt Nam 2019 – Nguyễn Hà Kiều Loan là đại sứ hình ảnh của Tuần văn hóa Trà và Tơ lụa Bảo Lộc – Lâm Đồng năm 2019 với hình ảnh ảnh thân thiện, mộc mạc nhưng không kém phần hiện đại.
Những nong tằm, kén thu hút du khách tham quan
Hai buổi trình diễn thời trang, tôn vinh vẻ đẹp tơ lụa Việt Nam tại Lễ hội là sản phẩm của 19 nhà thiết kế, trong đó, chủ đạo là nhà thiết kế Minh Hạnh, Hoa hậu Ngọc Hân và 14 nhà sản xuất tơ lụa trong cả nước.
Trên nền chất liệu lụa Bảo Lộc, lấy cảm hứng từ thổ cẩm của đồng bào dân tộc ít người sinh sống trên vùng đất Lâm Đồng, như Mạ, K'Ho, Chu Ru... các nhà thiết kế tạo nên những bộ váy áo lộng lẫy sắc màu, trình diễn đến người xem.
Sản phẩm ụa tơ tằm Bảo Lộc đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới
Được biết, năm 2019, diện tích chè của TP.Bảo Lộc khoảng 2.800ha, chiếm 25% diện tích trồng chè cả nước, với sản lượng 32.290 tấn, chủ yếu là các giống chè cao sản và chè chất lượng cao, với 195 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, chế biến và kinh doanh trà.
Hiện, TP. Bảo Lộc có 30 cơ sở ươm công nghiệp - đứng đầu cả nước, và sản lượng sản xuất tơ hằng năm khoảng 1.000 tấn các loại, chiếm 75% sản lượng tơ toàn tỉnh và đạt khoảng 3-4 triệu m2/năm, chiếm 100% sản lượng lụa toàn tỉnh; là vùng dệt lụa và cung ứng xuất khẩu tơ, lụa ra nước ngoài cao nhất cả nước.
Hình ảnh trình diễn tơ lụa trên hồ Xuân Hương:
Em bé thích thú, lạ lẫm bên nong kén tằm
Vườn trà ở Lâm Đồng
Lung linh đêm hội B'Lao