Khí vị xuân đất Bắc

Thứ Hai, 31/01/2022 23:08

|

(CAO) Thời nay khi khoảng cách giữa 2 đầu đất nước chỉ là 2 giờ bay với hàng chục chuyến bay xuôi ngược mỗi ngày từ Nam vào Bắc cộng với hệ thống vận tải hiện đại, đa dạng thì hầu như mọi loại hàng hóa, vật dụng đều có thể luân chuyển giữa 2 miền.

Chả thế mà đã có lần anh bạn người miền Nam của tôi khẳng định chắc nịch: “Tết miền Bắc có gì, trong Nam đều có hết”. Anh đã đúng, với những thứ hữu hình, vì chính tôi cũng đã từng được ăn một mâm cơm Tết giữa lòng Sài Gòn với đủ bánh chưng, dưa hành, giò chả… và cả hoa đào. Chỉ có điều, với những người miền Bắc như tôi thì cái không khí xuân ấy vẫn còn thiếu một điều gì đó, khiến ai ai cũng phải khắc khoải nhớ quê xa kể cả khi gia đình đã quây quần đầy đủ bên mình. Ấy là cái khí vị xuân đất Bắc.

Với những người ở miền Bắc lâu năm hầu như đều có chung một năng lực đặc biệt: Không cần nhìn vào lịch cũng dễ dàng biết khi nào sắp tới Tết. Đó là khi tiết trời đột ngột chuyển từ hanh khô sang nồm ẩm; có khi chỉ sau ngay một đêm. Lúc ấy, trời thì vẫn lạnh, đôi khi buốt từng kẽ tay lẫn khe cổ chẳng may phong phanh để hở; vậy mà lại thường xuyên ẩm ương bỗng chuyển nóng đến ngột ngạt.

Vậy nhưng khó chịu hơn cả là cái ẩm. Bước ra ngoài đường thì mưa lất phất mãi không ngơi; chưa đủ nặng để khoác lên mình cái áo mưa khó chịu nhưng đi lâu thì lại thấm và cái cảm giác nhớp nháp cứ liên tục theo đuổi. Ở trong nhà thì dưới sàn gạch, bên kẽ tường nước cứ rỉ ra, còn quần áo thì cứ phơi mãi chả khô khiến từ “nồm” trở thành một ám ảnh khó chịu với nhiều người.

Nhưng cuộc đời vốn dĩ công bằng, chả cho ai tất cả và cũng không lấy sạch của ai hết. Bên cạnh những khó chịu bực bội thì khí trời xuân miền Bắc cũng lại khiến những người nơi đây phải háo hức mong chờ.

Hương vị ngày xuân đất Bắc

Dễ nhận thấy nhất là các loài hoa chỉ chịu bung nở trong cái tiết trời ẩm ương này. Hoa đào thì quá nổi tiếng nhưng hoa sưa thì lại có phần xa lạ với những người không ở Hà Nội. Loài hoa nở trắng xóa từng chùm lớn trên các vạt cây mà nhiều người không biết lại tưởng là lá đổi màu. Hoa sưa thực ra chỉ là những cánh hoa bé li ti, vốn âm thầm tự lúc nào rồi chờ đúng khí trời là nở đồng loạt chỉ sau một đêm.

Những tán hoa sưa xòe rộng, trắng muốt lúc nào cũng gợi nhắc tôi nhớ đến cái cảm giác ngồi trong cái quán cà phê ấm áp nhìn ra ngoài cửa sổ mưa bay lất phất, những tán hoa trắng ngập ngang tầm mắt, rồi thi thoảng gió lại tạt qua kéo rụng những bông li ti xuống đầy vỉa hè phía dưới, một vạt trắng muốt. Đâu đấy bên tách trà hay ly cà phê nóng lại nghe thấy những giọng nói thân quen, những câu chuyện pha màu hoài niệm của bạn cũ; tất cả như một nốt trầm ngọt ngào đầy phong vị của mùa xuân đất Bắc.

Tiết trời lạnh ẩm cũng nhanh mang lại cảm giác đói bụng và dễ kéo tâm trí trở về bên mâm cơm gia đình nóng hổi. Trời này ăn cái gì nóng cũng ngon, duy chỉ có một thứ món thời trân, được tạo ra chỉ nhờ cái lạnh miền Bắc mà luôn in đậm vào tâm trí mỗi dịp xuân về, đó là Thịt đông hay còn một phiên bản cao cấp hơn của người Hà Nội là Mọc vân ám.

Tất nhiên, giữa thời đại phổ cập tủ lạnh này thì ngay ở miền Nam giữa mùa nắng nóng cũng có thể làm được thịt đông, nhưng hãy tưởng tượng cái cảm giác này: tay xắn một miếng thịt đông núng nính như thạch, bao quanh những nước thịt ngọt thơm, nấm hương, mộc nhĩ ăn kèm một thìa cơm nóng rồi cảm nhận cái thứ thạch đó tan trong miệng hòa lẫn cùng miếng cơm trong ánh đèn đỏ ấm áp trong khi bên ngoài trời đang rét buốt và mưa vẫn lây phây mãi chưa ngừng. Ấy là cái cảm giác xuân rất khó kiếm được ngay cả khi ăn miếng thịt đông nấu chuẩn vị Bắc trong căn phòng điều hòa mát rượi mà tôi đã được thưởng thức ở miền Nam.

Và nói đến thịt đông thì tôi lại nhớ đến mâm cỗ Tết đủ lệ và thức mà mẹ vẫn cầu kỳ chuẩn bị cho gia đình. Vừa tay làm, mẹ vừa bảo “lệ” là quy chuẩn cho một bữa cỗ truyền thống phải đảm bảo đủ 4 bát, 6 đĩa; đấy là nhà không có điều kiện như nhà mình còn các nhà khá giả thì phải là 6 bát, 8 đĩa hay thậm chí là 6 bát, 12 đĩa. Còn “thức” thì như các cụ vẫn nói gọn là: “Giò, nem, ninh, mọc”.

Thằng bé - tôi đến giờ vẫn lơ mơ nhớ nhớ quên quên những gì mẹ kể thời đó nhưng chắc chắn cái cảm giác Tết ấy thì in đậm mãi mãi. Một mâm cỗ Tết dù có những món gì, có bao nhiêu món, được bày biện ra sao mà không đi kèm cái mùi hương trầm ngập trong không khí và cái tiết khí lất phất lạnh thì khó ra được cái khí vị của mùa xuân đất Bắc - thứ mà tôi và nhiều người con miền Bắc khác hay bồi hồi nhớ đến ngẩn ngơ trong mỗi lần đón Tết phương Nam.

Bình luận (0)

Lên đầu trang