Mạc Can viết sách ở tuổi U80

Thứ Ba, 18/04/2023 16:00

|

(CAO) Ở tuổi 78, trong phòng trọ chật chội, thiếu thốn đủ thứ nhưng Mạc Can vẫn cần mẫn ngồi viết, “đua” với nhà văn Nguyễn Đông Thức.

Mới đây, Mạc Can đã được Sở VH-TT TPHCM, Hội Sân khấu TP và gia đình thực hiện giúp các thủ tục giấy tờ để ông vào Viện dưỡng lão Nghệ sĩ (TPHCM).

Theo Hội Sân khấu TP, Hội đã trình hồ sơ của nghệ sĩ Mạc Can về Trung tâm dưỡng lão Thị Nghè lên Sở VH-TT, chỉ đợi quyết định chính thức. Ở tuổi xấp xỉ 80, sức khoẻ của Mạc Can đã suy yếu. Ông cần có người hỗ trợ trong di chuyển cũng như sinh hoạt đời thường.

Tuy nhiên, mới đây Mạc Can đã khiến không ít khán giả bất ngờ khi ra mắt tác phẩm mới cùng nhà văn Nguyễn Đông Thức. Cơ duyên bắt đầu từ lời “thách đố” của nhà văn Nguyễn Đông Thức với nhà văn Mạc Can, để động viên ông tiếp tục sự nghiệp cầm bút.

Nhà văn Mạc Can - Nguyễn Đông Thức

Trong tập truyện “Ma gánh hát, Ma bịnh viện” của hai tác giả, nhân vật con ma trong “Ma gánh hát” khá lạ. Ông là một nghệ sĩ sân khấu có tài có tật, cô độc vì tự ám ảnh về hình dạng xấu xí như ma của mình. Ai cũng nghĩ ông là người cõi âm, còn mấy người “khuất mặt khuất mày” lại cứ tìm tới ông để bầu bạn. “Ma bị hiểu lầm, ngộ nhận, nó không xấu xí tiều tụy như người ta tưởng. Trong vài trường hợp nó rất vui tính, hình thể dễ nhìn.” Câu chuyện này là hoàn toàn có thật, từ đầu đến đuôi vì tác giả là người trong cuộc, có sao nói vậy.

Câu chuyện trong cuốn sách được Mạc Can viết suốt ngày đêm trong một tháng trời, cho dù thời gian gần đây sức khỏe ông đã khá yếu. Thế là, dù ở trong phòng trọ chật chội, thiếu thốn đủ thứ nhưng tác giả "Tấm ván phóng dao" vẫn cần mẫn ngồi viết, “đua” với nhà văn Nguyễn Đông Thức xem ai về đích sớm.

Đối diện với không ít khó khăn, song Mạc Can vẫn giữ tinh thần lạc quan với cuộc đời. Tuổi thơ của Mạc Can là những ngày lênh đênh trên sông nước Mỹ Tho và các tỉnh miền Tây để đi “hát xiệc” cùng cha mẹ. Ông cho biết: “Tui diễn từ khi chỉ mới biết bò”. Lớn lên, Mạc Can theo cha mưu sinh bằng những vai hề của gánh hát rồi chuyển dần sang ảo thuật. Hằng đêm, gia đình Mạc Can sống trong tiếng nhạc, khói lửa với những màn trình diễn kịch tính.

Bên cạnh niềm vui, điều khiến Mạc Can đau lòng nhất chính là hình ảnh vất vả của cô em gái. Mang phận gái mong manh nhưng cô lại là nhân vật chính cho trò phóng dao rùng rợn. Cứ thế, cô em gái nhỏ phải gồng mình đối diện với nỗi sợ để đổi lấy tiếng hò reo tán thưởng của người đời. Day dứt khôn nguôi, Mạc Can ôm nỗi đau ấy gần 40 năm, để tỏ bày trong tiểu thuyết đầu tay của mình: “Tấm ván phóng dao”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang