Bất chấp yêu cầu dừng cuộc thi "chui"
Theo Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM, cơ quan chức năng đã có yêu cầu đơn vị tổ chức "cuộc thi Hoa hậu chuyển giới Việt Nam 2023" dừng ngay tại thời điểm kiểm tra nhưng đơn vị này không chấp hành. Đó là liên quan đến "cuộc thi Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam 2023" chưa được cấp phép tổ chức vào đêm ngày 08-4-2023 vừa qua. Khi nhận được thông tin, Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM phối hợp cơ quan chức năng Q12, TPHCM đã tiến hành kiểm tra và yêu cầu đơn vị tổ chức dừng chương trình tại thời điểm đang diễn ra cuộc thi này, nhưng đơn vị không chấp hành, vẫn tiếp tục thực hiện.
Qua tìm hiểu ban đầu, đêm 08-4-2023, "cuộc thi Chung kết Miss International Queen Vietnam (MIQVN) - Hoa hậu Chuyển giới Việt Nam 2023" là do Công ty TNHH Hương Giang Entertainment tổ chức, diễn ra tại Q12, TPHCM. Theo Ban tổ chức, dịch tiếng Việt là "Cuộc thi Đại sứ Hoàn mỹ”. Đoàn kiểm tra đã yêu cầu đơn vị dừng chương trình do tổ chức mà không có văn bản chấp thuận của Sở Văn hóa - Thể thao, nhưng đơn vị không chấp hành và tiếp tục chương trình cho đến khi kết thúc. Đoàn kiểm tra cũng đã lập biên bản yêu cầu đại diện Ban tổ chức ký xác nhận.
Sau đó, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao TPHCM đã làm việc với Giám đốc Công ty Hương Giang Entertainment, là ca sĩ chuyển giới Hương Giang, giám đốc cũng thừa nhận cuộc thi đã được tổ chức không đúng quy định pháp luật khi chưa được cơ quan chức năng chấp thuận. Theo đó, Thanh tra Sở Văn hóa - Thể thao đã lập biên bản vi phạm hành chính đối với Công ty TNHH Hương Giang Entertainment theo quy định tại khoản 5, Điều 12 Nghị định số 38/2021/NĐ-CP của Chính phủ ngày 29-3-2021, về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa và quảng cáo. Hiện, Sở cũng đang thực hiện xác minh, hoàn chỉnh hồ sơ trình cấp có thẩm quyền xử phạt nghiêm đối với đơn vị này.
Cuộc thi "chui" vẫn diễn ra khi cơ quan chức năng yêu cầu dừng
Dư luận phản ánh đối với "hành xử" được cho là rất xem thường pháp luật của đơn vị tổ chức "cuộc thi". Họ bất chấp Đoàn kiểm tra, vẫn cho đêm biểu diễn "thi thố" diễn ra và Ban tổ chức cuộc thi "lụi" này vẫn trao giải cho những người "đoạt giải". Bàn về quy định xử phạt trong trường hợp này, theo khoản 5, Điều 12 Nghị định số 38 của Chính phủ, hình thức xử phạt có thể xem là quá nhẹ. Đó là Điều 12 về vi phạm quy định về thi người đẹp, người mẫu, khoản 5 "phạt tiền từ 25 đến 30 triệu đồng đối với hành vi tổ chức thi người đẹp và người mẫu mà không có văn bản chấp thuận".
"Phí” ở các cuộc thi không phép
Đặt vấn đề tại sao các cuộc thi, nào là người đẹp này nọ, hoa hậu, hoa khôi kiểu kia... cho đến những cuộc thi có tên rất kêu, rất oách, nhưng lại là "lụi", "chui" mà vẫn gây đình đám, rồi diễn ra biết bao nhiêu là "vòng" nhưng vẫn không bị phát hiện? Đó phải nói ngay đến các cơ quan quản lý chưa chặt chẽ, vẫn còn tình trạng buông lỏng, cho đến mức xử phạt và hình thức xử lý vẫn chưa đủ sức răn đe, giáo dục chung.
Còn về phía gọi là "Ban tổ chức", thì đơn vị tổ chức biết ngay cả việc phải xin văn bản tổ chức, biết tất cả các quy định hiện hành của các cơ quan quản lý, nhưng "Ban tổ chức" vẫn bất chấp, bởi cũng phải nói rằng mức xử phạt chưa đủ sức răn đe chung? Ngay cả việc "biết mà vẫn làm" của các "Ban tổ chức" trái phép, đó phải kể đến "phí” của các cuộc thi trái phép mà các thí sinh phải đóng vào.
Cần nhắc rằng, cuộc thi sắc đẹp nào cũng luôn mong đợi công chúng đón nhận và chính công chúng, dư luận giữ vai trò rất quan trọng trong ngăn chặn, đẩy lùi những vi phạm khi tổ chức các cuộc thi sắc đẹp. Dư luận lên án mạnh mẽ và kiên quyết tẩy chay những cuộc thi vi phạm, mỗi cá nhân trước khi tham gia cần tìm hiểu kỹ các cuộc thi sắc đẹp để tránh "tiếp tay" cho các tổ chức, cá nhân cố tình vi phạm. Hướng đến cái đẹp là nhu cầu tự thân của con người. Cùng với sự phát triển của đời sống xã hội, tổ chức các cuộc thi và tôn vinh cái đẹp là nhu cầu chính đáng của các tổ chức, cá nhân. Cái đẹp nói chung, vẻ đẹp của người phụ nữ nói riêng lúc nào, ở đâu cũng rất cần được tôn vinh, trân trọng. Song, trước khi đi tìm kiếm, tôn vinh vẻ đẹp, thiết nghĩ những đơn vị tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cần tôn trọng quy định của pháp luật. Đó là cách để các cuộc thi thực sự có giá trị xã hội và mang lại ý nghĩa tích cực đối với cộng đồng.
Một vị đại gia tại TPHCM cho biết, ông từng chứng kiến khá nhiều cuộc thi "lụi", mà đặc biệt là những cuộc thi về "sắc đẹp", liên quan đến phụ nữ. Khi nhắc đến hai từ "sắc đẹp", đã không biết bao nhiêu là phụ nữ bất chấp tất cả, liều mình tham gia, nhưng "quy định ngầm" của Ban tổ chức vẫn là mức phí mà thí sinh phải đóng vào. Điều tiên quyết, thậm chí "nhận giải" cao, phụ thuộc vào mức phí do chính thí sinh đó đóng vào cho Ban tổ chức.
Ngay cả khi bị cơ quan chức năng phát hiện là những cuộc thi không văn bản chấp thuận, thì Ban tổ chức "lụi" vẫn cho cuộc thi diễn ra, mà phí thì các thí sinh đã đóng vào rồi, nên việc trả tiền lại là điều không thể. Hơn nữa, chính các thí sinh chấp nhận đóng phí để thi thố, trong khi các cuộc thi không được phép, thì phía đơn vị, công ty tổ chức chỉ bị phạt "không thấm vào đâu" so với số tiền thu được. "Chưa hết, một thực trạng đáng cảnh báo, đó là người tham gia mất tiền, với những chức danh hão, không có giá trị thực tế, nên rất cần mọi người tỉnh táo trước khi tham gia một chương trình nào đó”, vị đại gia này cảnh giác.
Giá trị cuộc thi và chế tài cần nghiêm khắc
Cái đẹp, hoàn mỹ đều là mong muốn con người hướng tới, cần được tôn vinh, nhưng tình trạng vi phạm trong tổ chức các cuộc thi sắc đẹp cho thấy những đơn vị tổ chức lại quá xem nhẹ quy định của luật pháp. Phải nói rằng, kiểu vi phạm này làm ảnh hưởng xấu và gây dư luận không hay trong xã hội. Cũng cần đặt ra vấn đề là yêu cầu về quản lý phải chặt chẽ hơn trong cấp phép và hậu kiểm các chương trình, cuộc thi sắc đẹp. Trước đây, kiến nghị của cử tri TPHCM về việc cần tổng kết công tác tổ chức các cuộc thi sắc đẹp trong thời gian vừa qua đã mang lại lợi ích gì cho xã hội, để hạn chế những mặt tiêu cực và phát huy mặt tích cực, đặc biệt là định hướng lối sống cho giới trẻ. Phải chăng, đã đến lúc để hạn chế tình trạng vi phạm như nêu trên, cơ quan chức năng cần lập lại trật tự trong tổ chức các cuộc thi sắc đẹp, cơ quan chức năng cần có chế tài nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp cố tình vi phạm.
Quy định về mức xử phạt hiện nay đối với các hành vi sai phạm có thể xem là chưa đủ sức răn đe, phòng ngừa chung. Theo quy định tại Nghị định 38/2021 thì mức phạt cho các hành vi vi phạm về việc thực hiện các cuộc thi sắp đẹp trái phép là quá nhẹ. Điều này đã và đang tạo nên tiền lệ xấu, một số đơn vị không ngại tổ chức không phép, chấp nhận sai phạm để thu lợi và nộp phạt sau. Cụ thể, các khoản 5, 6, 7, Điều 12, Nghị định 38/2021/NĐ-CP nêu rõ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm, hành vi vi phạm quy định về thi người đẹp, người mẫu sẽ bị xử phạt từ 25.000.000 đến 50.000.000 đồng, buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được khi tổ chức cuộc thi mà chưa được chấp thuận. Đây là mức phạt đối với cá nhân, mức phạt của tổ chức gấp 2 lần mức phạt cá nhân theo quy định tại Điều 5 Nghị định 38/2021/NĐ-CP.
Đã đến lúc cần nghiên cứu, điều chỉnh chế tài theo hướng nâng mức xử phạt đối với những hành vi vi phạm trong tổ chức các cuộc thi sắc đẹp. Cơ quan chức năng, trực tiếp là UBND cấp tỉnh, ngành văn hóa, thể thao và du lịch của các địa phương cần thường xuyên kiểm tra, theo dõi việc tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu diễn ra nhiều vòng ở nhiều địa phương và ở những địa phương có nhiều cuộc thi. Chỉ đạo, hướng dẫn nghiệp vụ cho các đơn vị, địa phương trong quá trình tổ chức hoạt động chuyên môn, thiết lập cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý về hoạt động nghệ thuật biểu diễn. Tăng cường công tác thẩm định hồ sơ, trong đó rà soát kỹ "Đề án" bảo đảm tính thống nhất, phù hợp thuần phong, mỹ tục của dân tộc, văn hóa truyền thống, phù hợp với lứa tuổi, giới tính và điều kiện thực tiễn của địa phương, trước khi tham mưu chấp thuận hoặc không chấp thuận tổ chức các cuộc thi người đẹp, người mẫu. Kiên quyết dừng các cuộc thi người đẹp, người mẫu có vi phạm và chỉ đạo việc thu hồi danh hiệu, giải thưởng, hủy kết quả của các cuộc thi này.