(CAO) Bộ tranh sơn mài kỹ thuật mới lần đầu ra mắt giới mỹ thuật trong triển lãm “Dòng chảy” của họa sĩ Ngô Thanh Hùng tại TPHCM.
Từng tham gia hơn 30 cuộc triển lãm nhóm tại Đà Nẵng, TP.HCM, khu vực miền Trung - Tây Nguyên... và một số cuộc triển lãm của các nước thuộc tiểu vùng sông Mê Kông (tổ chức tại Thái Lan), Ngô Thanh Hùng là gương mặt gây dấu ấn của hội họa Việt đương đại. Triển lãm mới của tác giả khai mạc ngày 18/11 tại TPHCM.
“Ngô Thanh Hùng gọi kỹ thuật hình thành các bức tranh của mình là “chất liệu mài tổng hợp”, được anh tìm tòi từ năm 2020 cho đến nay. Xét về vật liệu và chất liệu, việc tìm tòi của Ngô Thanh Hùng gợi nhiều suy nghĩ về hành trình tranh sơn mài nói chung của Việt Nam. Nghệ thuật là kết quả của quá trình tiệm tiến, mỗi đóng góp, dù nhỏ dù lớn, đều là nỗ lực tìm tòi không mệt mỏi”, giám tuyển Lý Đợi chia sẻ.
Phù sa (mài tổng hợp, 120x180 cm, 2022)
Ánh trăng (mài tổng hợp, 80x160 cm, 2022)
Nhìn lại lịch sử tranh sơn mài nói chung, mỗi kiểu sơn được họa sĩ áp dụng có khác nhau, tạo ra hiệu quả và hiệu ứng khác nhau cho tác phẩm. Trước đây, đã có các quan niệm cho rằng chỉ sơn ta Phú Thọ hoặc sơn mài truyền thống mới đủ sức làm nên tác phẩm mỹ thuật sơn mài đúng nghĩa, các loại khác thì không.
Quan niệm này ngày nay đã dần thay đổi, vì thực tế cho thấy vật liệu hoặc chất liệu chỉ là phương tiện, chẳng thể là cứu cánh, là đích đến của sáng tạo. Đã có nhiều họa sĩ thành công với các vật liệu và kỹ thuật phi truyền thống, làm cho sơn mài nói chung thêm trẻ trung, phong phú và dấp dẫn. Nhìn như vậy, có thể nói “chất liệu mài tổng hợp” của Ngô Thanh Hùng là một gợi ý thú vị.
Bốn mùa (mài tổng hợp, 2022)
PGS-TS Phan Thanh Bình nhận định: “Dòng chảy như là một sự cảm nhận, trải nghiệm về cuộc sống, nơi anh nhìn thấy trong đó cái đẹp từ sự vươn lên và khát khao sống, khát khao làm chủ tự nhiên và mưu cầu hạnh phúc của bao lớp người. Sự trải nghiệm, tìm kiếm nào cũng phải được tích tụ bằng những kết quả sáng tạo của mỗi người nghệ sĩ, nên Dòng chảy là một kết quả của nỗ lực sáng tạo, tìm kiếm”.