Vương Liễu Hằng và Người xã hội

Thứ Bảy, 12/02/2022 15:52

|

(CAO) Trong suốt 30 năm làm việc tại Báo Công an TPHCM, tôi thân quen rất nhiều phóng viên, cộng tác viên cả nam lẫn nữ, nhưng chưa ai tạo ấn tượng với tôi như Vương Liễu Hằng.

Từ một cộng tác viên viết tin bài, Vương Liễu Hằng nhanh chóng trở thành một phóng viên rất thuyết phục sau những loạt phóng sự về các vấn đề nóng hổi của xã hội. Thế là cô được Ban biên tập điều về Tổ (sau này là Ban) Chuyên đề được thành lập vào ngày 17-1-2002.

Tác giả Vương Liễu Hằng

Là phóng viên Báo Công an, nhưng Hằng đã từng gây sốc cho cả tòa soạn lẫn một số cơ quan cô đến làm việc với vẻ ngoài nóng bỏng, cách ăn mặc sexy không khác gì một 'dân chơi' thứ thiệt. Chính vẻ ngoài phóng khoáng pha chút bất cần ấy mà không ít lần, dù Hằng trình giấy tờ đàng hoàng, nhưng đã có nơi vẫn không tin cô là phóng viên và phải gọi điện thoại về tòa soạn xác minh.

Có lần, khi đã về Ban Chuyên đề rồi, anh em cơ quan ra ngoài ăn uống, tôi chạm phải nét gì đó như lặng lại của Hằng khi chợt bắt gặp ánh nhìn lạ lẫm của đôi ba đồng nghiệp, khi cô cầm trên tay điếu thuốc đầu lọc trắng, thon dài.

Từ đó, Hằng thay đổi phong cách ăn mặc. Những bộ đồ nóng bỏng được thay thế bằng chiếc áo trắng công sở nền nã. Cử chỉ, giao tiếp của cô cũng kín đáo nhu thuận hơn, có vẻ như giống với những người ở môi trường quanh mình.

Không mấy người hiểu, nhưng tôi hiểu rằng Hằng làm việc như sống. Nếu luôn giữ cho mình một phong cách công sở, Hằng không bao giờ có thể dấn thân vào các điểm tệ nạn, các băng nhóm đầy nguy hiểm. Khát khao của Hằng lúc ấy dường như chỉ tập trung vào một điều duy nhất: Phản ánh, nhận dạng thật chân thực những điều mà số đông độc giả đang muốn biết.

Thời điểm ở Ban Chuyên đề, Vương Liễu Hằng thay đổi vẻ ngoài, nét chịu chơi bụi bặm và có phần nổi loạn không còn nữa, nhưng vẫn như tôi dự đoán, cái phong cách dữ dội trong phóng sự của cô thì vẫn chưa bị lẫn lộn bao giờ.

Lần đầu được biên tập cho Vương Liễu Hằng, tôi đã thật sự kinh ngạc, thích thú với cách mà cô chọn và thể hiện đề tài. Các vấn đề nóng bỏng của xã hội như: tệ nạn, bạo lực, tha hóa, lừa đảo... được cô phát hiện, đưa vào bài viết theo một cách thức rất riêng. Nó sinh động, có tính Văn học và đặc biệt là đầy chất nữ tính đến mức không thể đọc lướt mà phải đọc chậm rãi, từ từ để có thể cảm nhận hết. Câu chữ cô dùng không chỉ mô tả hoàn cảnh, thủ đoạn mà còn bật lên chiều sâu tâm lý của những nhân vật "tà đạo" mà cô tiếp cận.

Nhưng cũng vì thích gây sốc với kiểu nhân vật và nguồn tin quá "độc" mà xung quanh Hằng lúc bấy giờ xuất hiện dư luận về việc cô đã bịa đặt, cường điệu, thêm nhiều tình huống, đối thoại, thậm chí "bịa" cả đề tài. Tôi cũng từng bị lung lạc về ý kiến của một số đồng nghiệp nhận xét về các tác phẩm báo chí của Vương Liễu Hằng.

Tuy vậy, khi trực tiếp tiếp xúc, làm việc, đi thực tế với Hằng, cũng như cùng xử lý một số phản hồi, khiếu nại về những bài phóng sự của Hằng, thì tôi thở phào khi Hằng trưng ra cả loạt bằng chứng cho thấy những chi tiết có vẻ rất hoang đường ấy lại đúng là người thật, việc thật. Chính điều đó đã giúp Hằng ung dung vượt qua những khiếu nại trong các loạt phóng sự gay gắt của cô.

Nhưng dù yêu mến hay không ưa, dù thích thú hay ác cảm thì cũng phải công nhận rằng khi xuất hiện phóng sự trên một tờ báo có lượng độc giả lớn vào loại nhất nước như Báo Công an TPHCM thời đó, hiệu ứng xã hội lan tỏa từ các bài viết của Hằng rất tốt, góp phần tuyên truyền phòng và chống các biến tướng tội phạm, các nhân tố tiềm năng gây bất ổn xã hội, tha hóa đạo đức.

Đó là lý do vì sao cái tên Vương Liễu Hằng trở thành một hiện tượng nóng bỏng trong làng viết phóng sự về điều tra nói chung và của Báo Công an TPHCM nói riêng.

Thật đáng tiếc! Khi năng khiếu và đam mê nghề báo của Vương Liễu Hằng đang ở giai đoạn bứt phá mạnh mẽ nhất thì cô phải rời bỏ Báo Công an TP vì lý do khó hiểu! Sau đó, Hằng ít về cơ quan, ít giữ liên lạc, ít trao đổi với đồng nghiệp bạn bè nên cũng không mấy ai trong tòa soạn được tiếp xúc, nói chuyện nhiều với Hằng.

Từ năm 2016 - 2018, Hằng quay lại cộng tác với Ban phóng viên Chuyên đề - nơi cô từng là phóng viên 15 năm trước. Vẫn là những loạt phóng sự rất chất lượng, mang đậm "thương hiệu" Vương Liễu Hằng. Dĩ nhiên lúc này, tòa soạn có chế độ đãi ngộ rất tốt cho những cộng tác viên có "số má” như thế. Nhưng có lẽ Hằng quay lại chỉ vì quá nhớ nghề, khi thỏa một chút rồi lại thôi.

Cây bút mà chúng tôi ngóng đợi ấy vẫn giữ nguyên phong cách "nghệ sĩ”, khi niềm hứng thú của Hằng lúc này là chuyển qua viết kịch bản phim. Cô bỏ ra hàng năm trời để học, trải nghiệm và bắt tay viết kịch bản cho dự án Hồ sơ lửa mà Báo Công an TPHCM và đối tác cùng thực hiện. Tuy nhiên, dự án gặp những trục trặc ngoài dự đoán nên các kịch bản của Hằng và của nhiều biên kịch khác phải "trùm mền".

Không thất chí, không bảo thủ, Hằng lại lắng đi để rồi vào một ngày đầu tháng 9-2020, tôi lại nhận được cú điện thoại của Hằng: "Alô! Em gửi anh bản thảo cuốn sách mới nhất của em". Tôi đã đọc một lèo hết 110 trang A4 với rất nhiều cảm xúc. Nhưng trên hết, tôi vui mừng vì suốt 20 năm qua, Vương Liễu Hằng vẫn yêu nghề viết sau bao thăng trầm thay đổi.

Hằng vẫn như xưa, vẫn giữ văn phong rất riêng với những câu chuyện gây sốc, thậm chí có vẻ rất "hoang đường", nhưng lại đầy đủ tính xác thực và hấp dẫn.

Hằng mời tôi viết tựa và viết cảm nghĩ cho cuốn sách mang cái tên rất ấn tượng - Người xã hội - của Hằng, trong khi tôi biết với tên tuổi và mối quan hệ, Hằng có thể nhờ được không ít "cây đa cây đề” khác. Vì tôi là đồng hương Lâm Đồng? Vì tôi là sếp cũ? Tôi cũng không hiểu, nhưng thú thực là tôi chưa bao giờ viết tựa cho bất cứ cuốn sách nào của ai (cũng có thể là do chưa ai tin tưởng giao viết), nên tôi đã có ít nhiều lúng túng chả biết viết gì.

Thôi thì nghĩ sao viết vậy, nhớ gì viết đó, viết bằng tình cảm bạn bè và vài kỉ niệm nho nhỏ với nhau. Chúc Vương Liễu Hằng luôn giữ được lửa của nghề viết. Chúc độc giả có thêm vốn sống và cảm xúc khi đọc hết Người xã hội - cuốn sách ngồn ngộn chất liệu này!

Bình luận (0)

Lên đầu trang