NSƯT Tiến Hợi - người giữ kỷ lục với các vai diễn về Bác Hồ
Đầu xuân Nhâm Dần, làng sân khấu - điện ảnh nước nhà xót xa trước thông tin NSƯT Tiến Hợi (Nhà hát Kịch Hà Nội) - người năm 2013 đã được Kỷ lục Guinness của Việt Nam xác nhận là nghệ sĩ thể hiện thành công vai Bác Hồ nhiều thể loại nhất, đã qua đời vào 4 giờ sáng ngày 10-2-2022 (mùng 10 Tết Nhâm Dần), hưởng thọ 63 tuổi. Theo chia sẻ của người thân nghệ sĩ Tiến Hợi, nam nghệ sĩ qua đời sau 6 ngày phát hiện ung thư phổi giai đoạn cuối.
NSƯT Tiến Hợi sinh năm 1959, quê cha ở Nghệ An, quê mẹ ở Hà Nội. Xuyên suốt sự nghiệp trên 34 năm đóng vai Bác Hồ, nghệ sĩ Tiến Hợi được đánh giá là diễn viên thể hiện vai Bác Hồ xuất sắc nhất trên cả hai lĩnh vực sân khấu và điện ảnh.
Với hơn 40 lần vào vai Bác Hồ trong các vở kịch và phim điện ảnh, tham gia phim truyền hình và hàng trăm lần vào vai Bác trong những sự kiện chương trình lễ hội, lễ kỷ niệm, ông đã khắc họa sâu đậm hình tượng Bác qua những cử chỉ, hành động, thần thái làm toát lên hình ảnh của Bác, được công chúng yêu mến, được giới chuyên môn đánh giá là người có ngoại hình, giọng nói giống với Bác Hồ.
NSƯT Tiến Hợi vào vai Bác Hồ trong một vở diễn
NSƯT Tiến Hợi lần đầu tiên thể hiện vai Bác là vào năm 1987 trong vở kịch Đêm trắng của Đoàn Nghệ thuật Trường Sơn Quân khu 2 (tác giả Lưu Quang Hà; đạo diễn, NSND Doãn Hoàng Giang). Sau lần vào vai Bác Hồ trong vở diễn này, NSƯT Tiến Hợi đã được các đạo diễn sân khấu, điện ảnh lựa chọn đóng vai Bác Hồ từ thời thanh niên tới lúc già, tiêu biểu là các phim Hẹn gặp lại Sài Gòn, Hà Nội mùa đông năm 1946...
Bên cạnh đó, NSƯT Tiến Hợi còn tham gia nhiều vở kịch, các tác phẩm truyền hình, điện ảnh như: Xin lĩnh án tử hình, Sám hối, Vòng đời, Những người con Hà Nội, Hoa ban trắng, Cảnh sát hình sự, Người phán xử, Bi kịch chưa đặt tên... Ông từng đoạt Huy chương Vàng Hội diễn Sân khấu toàn quốc năm 1992 vở Xin lĩnh án tử hình với vai Chủ tịch Hồ Chí Minh; Huy chương Bạc vở Vùng lạnh Liên hoan Sân khấu Toàn quốc năm 2018.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ của Tiếng hát giữa rừng Pác Bó
Nguyễn Tài Tuệ, người nhạc sĩ tài hoa với các ca khúc nổi tiếng như: Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xa khơi, Mùa xuân gọi bạn... đã từ trần vào hồi 9 giờ 7 phút ngày 11-2, hưởng thọ 87 tuổi. Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ sinh năm 1936, quê ở huyện Thanh Chương, Nghệ An, là một nhạc sĩ nổi tiếng với dòng nhạc truyền thống cách mạng ở Việt Nam. Những khúc ca của ông đã đi cùng năm tháng với nhiều thế hệ người yêu nhạc Việt Nam, đặc biệt là ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó, Xa khơi... Ông cũng dành cả cuộc đời, tâm huyết để lao động trên cánh đồng nghệ thuật, cống hiến cho nước nhà những tác phẩm đặc sắc, đậm chất dân gian.
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ
Nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ viết ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó khi mới hơn 23 tuổi và chưa một lần đặt chân tới Cao Bằng hay hang Pác Bó, dùng cả vốn hiểu biết khi sống ở rừng núi (năm 1958, ông được biệt phái lên Đoàn Ca Múa Lao - Hà - Yên, Lao Cai - Hà Giang - Yên Bái), được tiếp xúc nhiều với những làn điệu dân ca của các dân tộc ở Việt Bắc và một tình yêu lớn lao dành cho Bác Hồ để hoàn thành ca khúc nổi tiếng.
Ca khúc Tiếng hát giữa rừng Pác Bó đã được NSND Quốc Hương thu âm lần đầu tiên năm 1959 tại Đài Tiếng nói Việt Nam và được phát sóng vào đúng dịp sinh nhật Bác (19-5-1959). Sau này, có nhiều nghệ sĩ, nhóm nhạc, dàn hợp xướng thể hiện và trình bày thành công nhạc phẩm Tiếng hát giữa rừng Pác Bó.
Cả cuộc đời âm nhạc của nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đến nay chỉ công bố chưa đến 20 ca khúc nhưng các tác phẩm của ông đều tạo nên dấu ấn đặc biệt, đi cùng năm tháng. Với những đóng góp cho nền âm nhạc nước nhà, nhạc sĩ Nguyễn Tài Tuệ đã vinh dự nhận Giải thưởng Nhà nước về Văn học - Nghệ thuật đợt I (2001), Huân chương Lao động hạng Nhì, Huy chương Vì sự nghiệp Âm nhạc Việt Nam và một số giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Bộ Văn hóa - Thông tin.
Nhà thơ Y Phương - tác giả bài thơ Nói với con
Nhà thơ Y Phương, tác giả của bài thơ nổi tiếng Nói với con trong SGK Ngữ văn 9 đã qua đời ngày 9-2 vừa qua, hưởng thọ 74 tuổi. Nhà thơ Y Phương tên thật là Hứa Vĩnh Sước sinh năm 1948 trong một gia đình nông dân người dân tộc Tày ở xã Lăng Hiếu, huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng.
Ông nhập ngũ năm 1968, phục vụ quân đội đến năm 1981. Ra quân, nhà thơ Y Phương theo học Trường Điện ảnh Việt Nam khóa 2, sau đó về công tác tại Sở Văn hóa Thông tin tỉnh Cao Bằng. Từ năm 1993, ông là Chủ tịch Hội văn học Nghệ thuật Cao Bằng. Ông chuyển về Hà Nội định cư từ năm 2000.
Ông bắt đầu sự nghiệp thơ ca từ năm 1973, sau đó phát hành hơn 10 tập thơ, trường ca như: Nói với con, Tiếng hát tháng giêng, Lửa hồng một góc, Thơ Y Phương, Vũ khúc Tày, hai tản văn: Tháng giêng, tháng giêng một vòng dao quắm, Kungfu người Co Xàu...
Là tác giả của 10 tập thơ, trường ca, chưa kể các thể loại khác, bao trùm lên tất cả sáng tác cũng như phẩm cách con nhà thơ Y Phương là một niềm tự hào mãnh liệt và nỗ lực giữ gìn và quảng bá văn hóa dân tộc Tày trong các tác phẩm thơ, tản văn. Nhà thơ Y Phương từng đoạt nhiều giải thưởng, trong đó có giải thưởng của Hội Nhà văn Việt Nam năm 1987, giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật năm 2007.