29 năm tầm nã 'đại ca Lưu'

Thứ Hai, 22/06/2015 10:53  | An Hòa

|

(CATP) Vào thập niên 80 của thế kỉ trước, một băng cướp đã gây ra hàng loạt vụ trộm cắp, cướp giật từ miền Trung tới miền Tây, thậm chí còn dạt sang Campuchia gây án. Sự “xuất quỷ nhập thần” trên địa bàn rộng lớn khiến chúng được mệnh danh là băng cướp liên Đông Dương.

Một trong những tên cầm đầu là Bùi Đức Lưu, sau 29 năm lẩn trốn đã bị bắt giữ vào đầu tháng 6-2015.

Nỗi khiếp đảm của các bệnh viện

Đầu năm 1980, công an các tỉnh phía Bắc mở đợt truy quét những đối tượng hình sự. Nhiều nhóm lưu manh đã bị bắt, một số tên không thể hoạt động được phải di chuyển vào các tỉnh phía Nam, nhằm trốn tránh sự truy quét của công an và thay đổi địa bàn hoạt động.

Trong số này có Lý Tắc Phóng, Bùi Đức Lưu (cùng quê Hải Phòng) và Nguyễn Trọng Thành (tức Trung lùn, quê Hà Nội). Chúng cấu kết thành một nhóm, chuyên dùng kìm cộng lực cắt khóa kho tàng của các cơ quan để lấy trộm tài sản xã hội chủ nghĩa (XHCN) và của công dân.

Nơi Lưu bị bắt năm 1986

Sau đó, Phóng và Thành lập băng cướp với một số tên khác như: Nguyễn Xuân Oanh, Huỳnh Văn Tiến, Nguyễn Văn Quế, Nguyễn Trọng Luật (em trai của Thành)... kéo đi gây án. Chúng móc nối với một số đối tượng đóng giả là quân nhân, để tiện bề đi lại và một số tên chuyên tiêu thụ tài sản trộm cắp mà có.

Trước khi gây án, chúng tìm nơi trú chân, thuê khách sạn, nhà nghỉ ở các thị xã, thành phố, điều nghiên các công sở có công tác bảo vệ yếu kém, những nơi không có điện. Phương tiện gây án là kìm cộng lực, giấy tờ giả là bộ đội đi phép, đi công tác, giấy chứng bệnh, mũ hàm hiệu quân đội, một số tên còn có súng, pin, balô bộ đội, xe đạp...

Chuẩn bị xong, chúng đến địa điểm gây án vào ban ngày để quan sát, đợi đến nửa đêm thì ra tay. Tài sản được chúng đưa đi tiêu thụ và chia nhau ăn xài.

Tại Nghĩa Bình, đêm 24-2-1982, Phóng, Quế, Thành đột nhập kho thuốc Bệnh viện (BV) Tây Sơn để trộm thuốc tây. Sau đó, chúng đem xuống chợ Quy Nhơn bán được 14.000 đồng (tiền cũ).

Đêm 27-6-1982, Thành, Oanh cắt khóa kho thuốc BV Tuy Phước, trộm thuốc tây đem bán gây thiệt hại 13.078 đồng. Đêm 23-9-1982, Quế, Duy và Châu cắt khóa khu thuốc tại BV huyện Hoài Nhơn, gây thiệt hại 10.000 đồng.

Đêm 14-6-1983, một mình Oanh cắt khóa cửa hàng dược Mộ Đức lấy các loại thuốc tây, trị giá 32.000 đồng. Đêm 16-6-1983, Oanh cắt khóa cửa hàng dược Vân Canh lấy các loại thuốc trị giá 3.995 đồng...

Rạng sáng 7-3-1984, ông Võ Văn Dũng - Bí thư Huyện ủy Hoài Ân phát hiện, phòng văn thư của cơ quan Huyện ủy bị kẻ trộm đột nhập lấy đi máy đánh chữ. Nghe tri hô, công an (CA) huyện đã tóm được Nguyễn Xuân Oanh (quê Hà Nội), Huỳnh Văn Tiến (quê Quảng Ngãi), Đinh Trường Thọ (quê Hà Nam Ninh).

Tại biên bản xét hỏi bị can của đồng chí Nguyễn Quốc Khánh - cán bộ Phòng Hình sự (CA Nghĩa Bình), chúng khai hàng loạt vụ trộm khác ở nhiều tỉnh, thành khác nhau. Hàng loạt đối tượng trong băng này lọt vào tầm ngắm của CA Bình Định.

Ngày 2-4-1984, Phan Văn Thắng (quê Thái Bình) và Nguyễn Việt Hùng (quê Hà Sơn Bình) bị bắt vì tội làm giả giấy tờ quân đội. Ngày 7-4-1984, Lại Văn Hùng (ngụ TX.Quy Nhơn) bị bắt tại nhà riêng về tội chứa chấp, tiêu thụ tài sản trộm cắp.

Ngày 10-4-1984, Nguyễn Văn Quế “nối gót” đồng bọn vào nhà đá sau khi bị bắt tại nhà riêng.

Thời gian này, trinh sát hình sự (CA Quảng Nam - Đà Nẵng) bắt được Nguyễn Trọng Thành (Trung lùn), đối tượng có lệnh truy nã của CA Nghĩa Bình và đồng bọn Huỳnh Văn Tiến. Chúng được dẫn giải về Trại giam CA Nghĩa Bình.

Theo lời khai của Huỳnh Văn Tiến thì tháng 9-1980, Trung thường đến đơn vị của Tiến (ngụ huyện Tuy Phước, Nghĩa Bình cũ) thăm và mượn hai bộ đồ quân đội để cùng đi cướp tài sản, là xe máy của một anh xe ôm rồi bỏ trốn. Qua khai thác, Trung khai thêm đồng bọn là Bùi Đức Lưu. Chân tướng của một trong những “chủ soái” của băng trộm táo tợn này dần lộ diện.

"Ăn hàng" xuyên quốc gia

Nguyễn Trọng Thành cùng đồng bọn thừa nhận, ngoài Nghĩa Bình, tại Bình Trị Thiên, từ năm 1982 đến năm 1984, chúng thực hiện nhiều vụ trộm cướp thuốc tây tại các BV cấp huyện. Tại Quảng Nam - Đà Nẵng, từ năm 1981 đến năm 1984, chúng cũng thực hiện các phi vụ tương tự.

Trong thời gian này, chúng còn mở rộng địa bàn khi gây ra hàng loạt vụ trộm tại Gia Lai - Kon Tum, Thuận Hải, Phú Khánh, Lâm Đồng, Đồng Nai, Tiền Giang, Cửu Long, Vũng Tàu, TP.Hồ Chí Minh... Thậm chí, tại An Giang, chúng còn tổ chức cướp xe máy của công dân.

Hình ảnh Bùi Đức Lưu trong lệnh truy nã sau khi trốn trại của CA Nghĩa Bình

Để đánh lạc hướng cơ quan điều tra, chúng sang tận Campuchia giả danh bộ đội để đi móc túi, đổi tiền xong thì mang về TP.Hồ Chí Minh tiêu xài. Chúng đã thực hiện khoảng 99 vụ trộm, cướp trên đất nước chùa tháp. Tháng 4-1983, một số tên trong băng trộm này khi móc túi tại Phnôm Pênh thì bị bắt và khi dẫn giải về TP.Hồ Chí Minh đã trốn thoát.

Tại cơ quan điều tra, CA Nghĩa Bình, Nguyễn Trọng Thành, Nguyễn Xuân Oanh cùng đồng bọn thừa nhận gây ra trên 100 vụ cướp, gây thiệt hại 1.633.000 đồng (tiền cũ). Chúng đã gây khó khăn cho công tác điều tra vì tất cả đều dùng giấy tờ giả mạo (thậm chí giả danh trung úy của quân đội), một số tên có súng ngắn.

Ngoài trộm cắp, chúng còn móc túi và số lần thì... không thể nhớ hết được. Chúng sử dụng 350 loại giấy tờ giả mạo, 32 con dấu giả các loại (trong đó có 17 loại con dấu của sĩ quan quân đội).

Theo các điều tra viên, đây là những tên có nhiều tiền án, tiền sự, bị phạt tù nhiều lần nhưng vẫn tái phạm. Chúng sẵn sàng bắn hoặc chống trả khi bị phát hiện. Trong rất nhiều vụ trộm, Bùi Đức Lưu là kẻ chủ mưu đã tẩu thoát trong khi đám đàn em bị bắt ngay tại trận vì hắn hay nhận nhiệm vụ... cảnh giới.

Kế hoạch trốn chạy

Đầu năm 1986, thấy tình hình yên ắng, Lưu trở về Quy Nhơn. Khi hắn và một số tên còn lại chuẩn bị gây án thì bị bắt quả tang. Hắn nhanh chân chạy về phía công viên biển Quy Nhơn, gần eo Nín Thở trước đây vốn rất vắng vẻ để hòng tẩu thoát một lần nữa. Hàng loạt trinh sát CA Nghĩa Bình lật từng bụi cỏ, bao vây toàn bộ khu vực để lùng sục ra Lưu. Cuối cùng hắn được đưa về giam giữ tại trại giam công an tỉnh (đường Cần Vương, TP.Quy Nhơn hiện nay).

Tại phòng xét hỏi, lúc đầu Lưu quanh co chối tội. Thế nhưng khi các điều tra viên trưng ra các bằng chứng bất ngờ ở phút “89”, nhằm lật bài ngửa thì hắn mới cúi đầu nhận tội. Hắn thừa nhận đã sử dụng quân trang của quân đội bằng cách cấu kết lấy trộm ở một doanh trại, kèm theo đó là sử dụng giấy tờ giả mạo để dễ dàng đi lại.

Khi thấy nhiều cơ quan Nhà nước vắng vẻ, hắn lệnh cho đồng bọn đột nhập, nhất là vào giờ khuya khi bảo vệ đang ngủ. Sở dĩ hắn cầm đầu đường dây trộm thuốc tây vì dễ bán và dễ có tiền. Sau đó, khi “vã” quá, hắn còn trộm cắp, cướp giật tài sản của công dân. Giống như đồng bọn, hắn cũng không thể nhớ hết đã đi qua bao nhiêu huyện lỵ và tỉnh thành.

Các đối tượng trong băng cướp liên Đông Dương

Trong lúc CA Nghĩa Bình đang hoàn tất hồ sơ (riêng Lý Tắc Phóng đã vượt biên) thì vào đêm 3 rạng sáng 4-4-1986, Bùi Đức Lưu cùng hai đồng bọn Nguyễn Long Châu (SN 1946, quê Quảng Ngãi, bị bắt năm 1981) và Cao Văn Long (SN 1940, quê Vĩnh Phú, bị bắt năm 1984) cùng can tội “trộm cắp tài sản” giả vờ đau bụng, nên được quản giáo đưa xuống bệnh xá của Trại giam CA Nghĩa Bình chữa trị.

Lợi dụng lúc cúp điện, chúng đã tẩu thoát khỏi Trại giam Công an tỉnh Nghĩa Bình (không phải Trại giam Kim Sơn như một số thông tin). Sau đó, chúng bắt xe đò từ đèo Cù Mông để vào TP.Hồ Chí Minh lẩn trốn. Ngày 4-4-1986, CA Nghĩa Bình phát lệnh truy nã số 45 đối với Bùi Đức Lưu cùng hình ảnh của đối tượng.

Sau khi hoàn tất hồ sơ vào tháng 4-1986, thượng tá Minh Thu - Phó giám đốc CA tỉnh Nghĩa Bình, thủ trưởng cơ quan CSĐT đã chuyển hồ sơ sang Viện kiểm sát phê chuẩn. Theo đó, băng cướp liên Đông Dương đã gây án tại khắp 15 tỉnh, thành trong nước và sang tận Campuchia với 150 vụ trộm, cắp. Riêng tại Nghĩa Bình, chúng gây ra 24 vụ.

Từ ngày 28 - 30-4-1986, băng cướp 25 tên do Nguyễn Trọng Thành, Bùi Đức Lưu cầm đầu được đưa ra xét xử tại trụ sở TAND (nay là trụ sở Sở Nội vụ). Thẩm phán Nguyễn Thanh Tùng giữ quyền chủ tọa phiên tòa. Trong 25 đối tượng thì có ba tên bị xử vắng mặt (trong đó có Bùi Đức Lưu và hai đồng bọn).

Theo bản án đã tuyên, Nguyễn Trọng Thành bị kết án tử hình, các đối tượng còn lại đều có mức án trên 10 năm, riêng Bùi Đức Lưu bị kết án 18 năm về tội trộm cắp tài sản XHCN, tài sản công dân và giả mạo giấy tờ của cơ quan Nhà nước.

Sáng 22-11-1987, Thành được thi hành án tại pháp trường Bùi Thị Xuân (TP.Quy Nhơn). Một số đối tượng được đưa lên Trại giam Gia Trung (Bộ CA) ở Tây nguyên để chấp hành án.

(Còn tiếp)

Bình luận (0)

Lên đầu trang