Bắt nhóm 'nữ quái' chuyên dùng sổ đỏ lừa đảo

Thứ Ba, 22/12/2015 10:52  | An Hoà

|

(CAO) Trong năm 2014, Báo CATP đã có nhiều bài điều tra, phanh phui về một đường dây “nữ quái” chuyên dùng sổ đỏ, trong đó có nhiều sổ đỏ giả để lừa đảo.

Sau đó, công an quận Thủ Đức đã bắt được ba đối tượng gồm: Phạm Thị Na (SN 1965, ngụ quận Thủ Đức), Nguyễn Thị Thanh Tâm (SN 1968) và Phạm Thị Kính (SN 1955, cùng ngụ huyện Củ Chi).

Ba bị cáo tại cơ quan điều tra

Sau giai đoạn điều tra bổ sung, ngày 15-12-2015, tòa án nhân dân Q. Thủ Đức đã đưa vụ án ra xét xử hình sự sơ thẩm.

Vì tính chất phức tạp của vụ án nên cơ quan cảnh sát điều tra công an quận Thủ Đức tách làm hai vụ án khác nhau. Truy tố các bị cáo tội đầu tiên là “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, còn tội “làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức” sẽ xét xử sau.

Bị cáo tại tòa

Giữ quyền công tố tại phiên tòa, kiểm sát viên Lê Phong (Viện kiểm sát nhân dân Q. Thủ Đức) nêu rõ cáo trạng, ngày 28-12-2013, Tâm và Na bàn nhau mang sổ đỏ mang tên Trần Thị Chiều đến nhà chị P.T.K.D (ngụ P. Hiệp Bình Chánh, Q. Thủ Đức) để vay số tiền là 40 triệu đồng.

Tâm và Na nhờ đối tượng còn lại là Trần Thị Kính “đóng vai” Trần Thị Chiều.

Vài ngày sau, ngày 18-1-2014, các “nữ quái” này tiếp tục đến nhà chị D vay thêm 50 triệu đồng.

Ngoài hai lần này, ba “nữ quái” còn có đến năm lần lừa đảo chị D để vay tiền cũng bằng thủ đoạn dùng sổ đỏ giả, CMND giả, sổ hộ khẩu giả để lấy của nạn nhân hơn 300 triệu đồng.

Sổ đỏ và CMND giả.  Ảnh CTV

Cơ quan công an làm rõ, các đối tượng nói trên dùng sổ đỏ từ nhiều nguồn khác nhau như: từ trộm cắp, gia chủ bị thất lạc… hay từ chính gia chủ mang cầm cố cho chúng. Sau đó chúng cạo sửa, cập nhật thêm thông tin sang nhượng, rồi dùng kỹ thuật in ấn để làm giả con dấu, chữ ký. Cuối cùng chúng dán ảnh vào CMND, làm hộ khẩu giả rồi mang đến cầm cố cho chị D lấy tiền.

Căn cứ vào mức độ phạm tội của các bị cáo, hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Thị Thanh Tâm 2 năm 6 tháng tù giam; Phạm Thị Na 6 tháng 23 ngày tù giam; Phạm Thị Kính một năm tù treo; buộc các bị cáo có trách nhiệm bồi thường thiệt hại dân sự cho chị D. Cho rằng, bản án sơ thẩm xử quá nhẹ nên chị D cho biết sẽ làm đơn kháng cáo lên tòa phúc thẩm sau khi nhận được bản án sơ thẩm (sau 10 ngày).

Phóng viên bị cản trở khi tác nghiệp

Trước khi phiên tòa diễn ra, PV chủ động gặp thư kí phiên tòa để trình thẻ nhà báo đồng thời đề nghị được chụp ảnh, tác nghiệp tại phiên tòa. Thẩm phán Vũ Tất Trình đã đồng ý điều này. Tuy nhiên, khi PV chụp ảnh quang cảnh phiên tòa để minh họa cho bài viết (không phải nhân diện bị cáo vì đảm bảo quyền nhân thân cho họ) thì ông Trình liên tục cản trở hoạt động tác nghiệp của nhà báo.

Được biết, hiện nay không có quy định nào cấm nhà báo chụp ảnh tại phiên tòa xét xử công khai. Việc làm của ông Trình vi phạm Luật Báo chí và Nghị định 51/2012/NĐ- CP (ngày 26-4-2002 của Chính phủ) cho phép nhà báo “được hoạt động nghiệp vụ lấy tin, chụp ảnh, quay phim, ghi âm tại các phiên tòa xét xử công khai”.

Bình luận (0)

Lên đầu trang