Cạm bẫy bủa vây tài xế xe ôm công nghệ

Thứ Sáu, 23/08/2024 13:48

|

(CATP) Nghề tài xế xe ôm công nghệ gồm các nền tảng ứng dụng (app) như Grab, Gojek, Be... mở ra cơ hội làm việc cho hàng trăm ngàn người lao động. Công việc này không chỉ là "bát cơm" chính của nhiều gia đình mà nhờ tính chất linh hoạt về thời gian, phương thức hoạt động nên rất phù hợp với những người cần kiếm thêm thu nhập lúc rảnh rỗi. Tuy nhiên, đi kèm với sự phát triển của dịch vụ này là hàng loạt cạm bẫy nguy hiểm, thủ đoạn tinh vi mà các tài xế phải đối mặt hàng ngày.

Chiêu lừa "ứng trước tiền giao hàng"

Một trong những chiêu trò phổ biến mà tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM thường xuyên gặp phải là lừa đảo qua dịch vụ giao hàng. Lợi dụng các ứng dụng giao hàng có dịch vụ thu hộ, nhiều đối tượng xấu đã mạo danh người bán hàng đang gửi sản phẩm cho khách, yêu cầu tài xế ứng tiền trước cho các đơn hàng giá trị cao. Những đơn hàng này thường nhắm vào sản phẩm đắt tiền như: nước hoa, ĐTDĐ, quần áo, giỏ xách, giày dép thời trang...

Anh Phi Long (tài xế GrabBike tại Q.Gò Vấp) cho biết đã ứng trước gần 750 ngàn đồng cho một chuyến hàng. Tài xế này kể: "Ban đầu mình cũng nghi ngờ vì địa chỉ lấy hàng là đầu một con hẻm trên đường Tân Sơn (P12, Q.Gò Vấp), người giao đeo khẩu trang đen kín mặt, chạy xe máy ra đưa gói hàng. Gói hàng được bao bọc kỹ lưỡng trong hộp giấy theo cách rất chuyên nghiệp. Mình hỏi địa chỉ cửa hàng thì anh ta lập lờ nói ở trong chợ đem ra, không có địa chỉ chính xác. Tuy nhiên, do bên người nhận liên tục gọi hối thúc giao hàng nên mình đành bấm bụng ứng tiền trước để đem hàng đi giao tại một địa điểm cách đó khoảng 5km. Tới nơi, mình gọi điện thì người nhận không bắt máy, gọi người bán cũng mất liên lạc luôn. Mình đành cầm gói hàng gồm 2 cái cái áo cũ, bạc màu đem về...".

Nhiều tài xế phải ứng tiền trước cho người gửi, đứng trước nguy cơ mất trắng nếu khách "bom hàng"

Theo anh Long, trong trường hợp trên, tài xế buộc phải báo cáo với tổng đài để được hỗ trợ, nhưng việc xử lý rất lâu và gặp nhiều khó khăn, đôi khi kết quả... "hên xui". "Đợi hỗ trợ thì "hên xui", mà nếu được thì cũng đã mất tiền từ lâu, chưa kể những người đặt hàng qua app cố tình lừa đảo, tạo tài khoản mới, mượn tài khoản của người khác thì cũng không có cách nào lấy lại được số tiền mình đã ứng trước. Chỉ tự trách mình vì không kiểm tra kỹ và khi nghi ngờ lại không hủy đơn ngay" - Anh Long nói.

Cùng cảnh ngộ, anh Nguyễn Vũ Linh (tài xế giao hàng khu vực Q11) nhận một đơn hàng yêu cầu giao 5 đầu vòi ống nước nhựa (giá 575 ngàn đồng). Khi tới địa chỉ để nhận hàng ở Q11, anh Linh thấy một thanh niên gầy gò, khoảng 18 - 19 tuổi đứng chờ. Thấy cậu ta đứng trước cửa hàng bán ống nước nên tài xế tin tưởng, ứng tiền ngay mà không chụp lại căn cước công dân (CCCD) của người gửi. Khi tới địa chỉ giao hàng ở Q10, anh Linh gọi cho khách nhận thì không liên lạc được, trong khi trước đó tài khoản của khách này đã gọi xác nhận đơn hàng. Bán tín bán nghi, anh Linh quay lại chỗ tiệm ống nước kia để hỏi thì ngớ người ra khi chủ tiệm cho biết cậu thanh niên chỉ là khách, tới mua 5 đầu vòi ống nước nhựa giá chỉ hơn 70 ngàn đồng.

Ông Khắc Toàn (51 tuổi, tài xế GrabBike khu vực Q3) đã bị "bom hàng" (đặt nhưng không nhận) từ một vị khách mua chai nước hoa giá 2 triệu đồng. Tuy ông Toàn đã chụp hình CCCD của người gửi, nhưng việc nhận lại tiền bồi thường từ Công ty Grab rất khó khăn vì trải qua nhiều bước. "Đó là chưa kể chủ shop quần áo, nước hoa, điện thoại... thường xuyên gửi hàng cho khách, nhưng người đem hàng ra lại là nhân viên, số gọi vào là số hotline cửa hàng. Lúc này, dù có chụp CCCD của nhân viên cũng chịu thua do khác thông tin với người gửi, cho nên tài xế chắc chắn mất tiền nếu bên gửi không nhận lại hàng. Chưa kể mất chi phí chạy đi, chạy về mấy lượt" - Ông Toàn kể lại kinh nghiệm.

Người đặt giao hàng bảo tài xế ứng tiền trước, nhưng không cung cấp địa chỉ chính xác

Cạm bẫy tín dụng đen

Bên cạnh những chiêu trò lừa đảo qua giao hàng, cạm bẫy tín dụng đen cũng là vấn đề lớn mà nhiều tài xế xe ôm công nghệ tại TPHCM phải đối mặt. Để bắt đầu công việc, nhiều tài xế phải vay tiền mua xe, điện thoại thông minh hoặc các thiết bị khác. Tuy nhiên, với thu nhập không ổn định và áp lực từ các khoản ký quỹ, quần áo..., khiến nhiều tài xế rơi vào vòng xoáy nợ nần.

Theo anh H. chạy xe ôm công nghệ tại Q.Gò Vấp, sau khi đăng ký thành công và trở thành tài xế xe ôm công nghệ, anh chạy mỗi ngày nhưng tổng thu nhập chỉ khoảng 9 triệu đồng. Anh nói: "Trước đó, tôi đã vay 25 triệu đồng từ một tổ chức tín dụng để mua xe máy, đóng ký quỹ... Ban đầu, công việc thuận lợi nên tôi có thể trả góp hàng tháng. Tuy nhiên, sau vài tháng, thu nhập đột nhiên giảm sút nghiêm trọng do sự cạnh tranh cao và số lượng đơn hàng không ổn định".

Đến lúc này, anh H. buộc phải vay nóng từ các đối tượng chuyên cho tài xế xe ôm công nghệ vay. Bên cho vay nói chỉ cần có app tài xế và CCCD là vay được từ 3 - 15 triệu đồng. Vì túng tiền, anh H. vay hạn mức tối đa là 15 triệu đồng để trả nợ. Do không có khả năng trả và không tính toán kỹ khi hợp đồng vay ghi nhiều điều khoản rắc rối, khoản vay mới có lãi suất cao hơn khi vay thông qua công ty tín dụng. Không trả nợ đúng hạn, anh H. và gia đình bắt đầu đối diện với những cuộc gọi đòi nợ từ nhóm cho vay nóng trên.

Tương tự, nhiều tài xế khác cho biết đã từng vay nóng của các đối tượng cho vay mà chỉ cần chứng minh bằng app tài xế xe công nghệ. "Cách đây mấy tháng, trong nhóm các bác tài chạy xe ôm công nghệ trên mạng Facebook tràn ngập thông tin về các dịch vụ ứng tiền, vay tiền... Nhiều người không rành đã dính vào vay nóng mà hoàn toàn không biết" - Tài xế Khắc Toàn cho biết.

Các nhóm cho vay nóng "bẫy" tài xế xe ôm công nghệ

Theo ông Toàn, riêng tài xế GrabBike, hiện công ty có hỗ trợ cho tài xế vay thông qua ngân hàng, nhưng các khoản vay này khó được xét duyệt hơn, lãi suất cũng cao nên nhiều người vẫn vay bên ngoài bằng app cho nhanh. Thậm chí có không ít tài xế còn vay bằng tài khoản iCloud nếu sử dụng điện thoại iPhone, vay cầm cố giấy tờ xe, CCCD..., sau đó phải chạy xe tối mặt tối mũi để kiếm tiền trả nợ. Do thu nhập không ổn định, các tài xế xe ôm công nghệ rõ ràng là "miếng mồi ngon" để các đối tượng cho vay lãi nặng nhắm tới.

Tai nạn, cướp tài sản rình rập

Ngày 11/8, lãnh đạo Công an TP.Dĩ An (Bình Dương) cho biết, vừa tạm giữ hình sự tài xế xe tải Nguyễn Văn Rôn (28 tuổi, ngụ Thừa Thiên - Huế) để điều tra về hành vi vi phạm các quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ. Tài xế Rôn đã điều khiển xe tải gây ra vụ tai nạn thương tâm khiến 2 mẹ con ngồi trên xe ôm công nghệ tử vong trước đó một ngày.

Khoảng 14 giờ ngày 10/8/2024, ông B. (49 tuổi, ngụ TPHCM, tài xế GrabBike) lái xe máy chở chị S. (37 tuổi, ngụ Bình Dương) và con trai 6 tuổi của chị S. lưu thông trên đường Mỹ Phước - Tân Vạn hướng đến QL1K (TP.Dĩ An). Tới giao lộ với đường Châu Thới (P.Bình An, TP.Dĩ An), xe của ông B. xảy ra va chạm với xe tải do Nguyễn Văn Rôn điều khiển chạy cùng chiều bên trái. Vụ tai nạn giao thông làm 3 người trên xe máy ngã xuống đường, hai mẹ con chị S. bị xe tải cán tử vong, còn ông S. may mắn chỉ bị thương nhẹ.

Hiện trường vụ tài xế xe ôm công nghệ bị đâm trọng thương, cướp xe ở huyện Nhà Bè

Trước đó, ngày 08/3, Công an H.Nhà Bè đã bắt giữ Nguyễn Việt Hưng (29 tuổi, ngụ TP.Cần Thơ) về hành vi cướp tài sản. Hưng là đối tượng đã đâm tài xế xe ôm Đ. (37 tuổi, ngụ Bình Dương) để cướp xe máy vào rạng sáng 07/3/2024. Theo lời khai của Hưng, do cần tiền tiêu xài nên đối tượng nảy sinh ý định đi tìm nạn nhân để cướp tài sản. Thấy tài xế xe ôm công nghệ Đ. đang đậu xe ở vỉa hè giao lộ Tên Lửa - Đường số 1 (Q.Bình Tân), Hưng đến bắt xe chở về khu vực cầu Phú Xuân (H.Nhà Bè). Tới đường Huỳnh Tấn Phát, Hưng yêu cầu anh Đ. rẽ vào hẻm trong Khu dân cư Hồng Lĩnh và chạy chậm lại để tìm nhà. Lợi dụng đêm tối, Hưng rút dao giấu trong người ra đâm vào hông, vai tài xế gây thương tích rồi cướp xe rời khỏi hiện trường. Đối tượng đã bị bắt giữ chỉ trong 4 giờ sau khi gây án.

Nhận nhầm đơn hàng nghi chứa ma túy

Đầu năm 2024, tài xế xe ôm công nghệ T. lái xe máy chở một số hàng đến trụ sở Công an P14, Q.Bình Thạnh để trình báo, do nghi ngờ trong đó có chứa ma túy. Theo anh T., trước đó anh nhận yêu cầu chuyển hàng siêu tốc thông qua ứng dụng giao hàng, người gửi tên Khôi ở một căn nhà trên đường Lê Quang Định. Đến nơi nhận hàng, anh T. nhận 1 gói bằng nhựa, 1 mũ bảo hiểm và 1 quần sọt. Thấy kỳ lạ, anh T. chở số hàng đến trụ sở Công an P14, Q.Bình Thạnh nhờ kiểm tra thì các đồng chí công an phát hiện trong túi quần sọt có một gói ma túy đá.

Bình luận (0)

Lên đầu trang