Thảm họa xuất ngoại "việc nhẹ lương cao"
Sau khi được gia đình nộp hơn 4.200 đôla Mỹ để giải cứu từ Campuchia về nước, anh Nguyễn Văn L. (SN 1994, ngụ Q.Tân Phú) đến ngay Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TPHCM để tố cáo kẻ có hành vi "mua bán người". Đây là nạn nhân cụ thể trong hàng trăm, hàng ngàn người ở nước ta đã xuất ngoại với hy vọng tìm được "việc nhẹ lương cao" rồi sa bẫy bọn buôn người ở nơi đất khách.
Mới đây, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM có thông báo gửi Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an; Văn phòng cơ quan CSĐT - Bộ Công an; Văn phòng CSĐT Công an TPHCM; Công an P1Q10; Công an P.Hưng Chiến, TX.Bình Long, tỉnh Bình Phước trong việc phối hợp truy tìm Nguyễn Thanh Long (SN 1991, thường trú TX.Bình Long, tỉnh Bình Phước, ngụ đường Hồ Thị Kỷ, P1Q10). Người tố cáo Long có hành vi "mua bán người" là anh Nguyễn Văn L.
Theo trình báo của anh L. thì thông qua các mối quan hệ, anh quen Nguyễn Thanh Long vào năm 2022. Lúc này Long đang làm nhân viên quản lý của một siêu thị trên đường Bến Vân Đồn, quận 4. Sau đó, Long rủ anh L. qua Campuchia làm việc và được đồng ý. Tại nước bạn, không ngờ Long bán L. cho một người khác với giá 2.800 đôla Mỹ (chưa tính phí ăn uống là 700 đôla). Sau đó anh L. được người mua đưa đến vùng biển của Campuchia để làm việc quần quật từ sáng sớm đến nửa đêm mới được nghỉ. Không chịu nổi việc làm nặng nhọc và bị bóc lột sức lao động, ăn uống, sinh hoạt kham khổ, anh L. đã tìm nhiều cách liên hệ với gia đình ở TPHCM để gửi tiền chuộc thân. Gia đình anh L. đã đóng 4.200 đôla Mỹ để chuộc lại con của mình từ những kẻ buôn người.
Đại diện Công an TPHCM trao đổi một số nội dung công tác trong phối hợp giữa công an và ngân hàng trong phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc
Trở về TPHCM vào giữa tháng 7-2022, anh L. đến Phòng Cảnh sát hình sự (CSHS) tố cáo hành vi của Long. Qua điều tra, thu thập thông tin, tài liệu, Cơ quan CSĐT Công an TPHCM quyết định ra thông báo gửi các đơn vị nghiệp vụ trong việc phối hợp truy tìm Long, vì hiện đối tượng không có mặt tại nơi thường trú cũng như tạm trú. Theo anh L. cho biết, làm cùng chỗ với anh còn có 3 người bạn là Tú, Phát và Thu cũng bị người khác bán sang Campuchia, hiện vẫn chưa được giải thoát.
Năm 2022, kiểu lừa đảo xuất ngoại kiếm "việc nhẹ lương cao" rồi bị các băng nhóm mua bán người bán đến các cơ sở làm việc cực nhọc sát biên giới Campuchia - Thái Lan có diễn biến phức tạp. Trường hợp của anh L. là điển hình trong nhiều nạn nhân đã may mắn được gia đình có đủ tiền để giải cứu. Đây là thủ đoạn lừa đảo mới xuất hiện trong năm 2022, các đối tượng, băng nhóm gài bẫy, giăng lưới ở nhiều tỉnh, thành trong cả nước. Trong năm 2022, đặc biệt là khoảng từ tháng 9 đến tháng 12-2022, nước ta đã phối hợp với nước bạn Campuchia giải cứu hàng chục lần, với hàng trăm người bị cưỡng bức lao động về nước, sau khi bị các nhóm mua bán người lừa đảo xuất ngoại bằng nhiều đường khác nhau rồi vỡ mộng đau đớn nơi xứ lạ.
Theo cảnh báo của Bộ Công an, không phải hàng chục, hàng trăm mà có hàng ngàn người bị đưa sang Campuchia lao động theo dạng cưỡng bức dưới chiêu thức việc nhẹ lương cao. Với tinh thần trên, Bộ Công an đã chỉ đạo công an các tỉnh, thành, các cục nghiệp vụ đẩy mạnh tuyên truyền đến nhân dân về hình thức lừa đảo mới này để tránh bị sập bẫy, đồng thời triển khai quyết liệt việc bóc gỡ, triệt xóa, ngăn chặn các đường dây mua bán người. Từ kết quả điều tra, cơ quan công an nhiều tỉnh, thành đã khởi tố, truy tố nhiều đối tượng, băng nhóm lừa đảo, mua bán người. Tuy nhiên do hám lợi, do thiếu thông tin, nhẹ dạ, cả tin, nạn nhân mới của phương thức lừa đảo này vẫn còn.
Những cú điện thoại tiền tỷ
Bị mất hơn 780 triệu đồng sau khi nhận một cuộc gọi là trường hợp sập bẫy lừa qua điện thoại mới nhất của chị Lan Hoàng (SN 1968, ngụ TP.Thủ Đức). Vụ việc đang được Cơ quan CSĐT Công an TPHCM thụ lý điều tra.
Đơn trình bày của nạn nhân thể hiện: Ngày 14-12-2022, khi đang làm việc tại công ty thì chị Hoàng nhận được cuộc gọi tới từ một số máy lạ. Cuối năm công việc nhiều, lượng khách hàng mới và cũ đều phát sinh. Nhìn màn hình điện thoại thấy số gọi đến là trong nước nên chị Hoàng bắt máy. Giọng người gọi đến trịch thượng tra khảo: "Có phải chị đang dùng 2 số điện thoại không? Chúng tôi sẽ khóa máy trong vòng nửa giờ nữa do một trong 2 số chị đăng ký đã dùng vào việc lừa đảo tiền bạc, mua bán ma túy. Chị giữ máy để cán bộ Phòng CSHS Đà Nẵng gặp gỡ, xử lý nhé”.
Đại diện lãnh đạo ngân hàng và đại diện Công an TPHCM trong một lễ ký kết phòng, chống tội phạm
"Cán bộ công an" kế tiếp nói chuyện với chị Hoàng cũng liên tục đe dọa rằng chị đã dùng số điện thoại để lừa đảo, mua bán ma túy khiến chị hoang mang cực độ rồi tấn công tiếp bằng cách hỏi chị đang dùng các tài khoản ngân hàng nào? Chị Hoàng thật thà khai báo có dùng 2 tài khoản tại VCB và MB Bank, hiện có số tiền bao nhiêu và đó là tiền lương tích lũy, là các khoản thu nhập khác. Anh "Cán bộ công an" cho biết cơ quan điều tra sẽ khóa 2 tài khoản ngân hàng này của chị để điều tra, vì thế chị nên chuyển toàn bộ số tiền có trong hai tài khoản đó sang tài khoản mới do "công an" cung cấp. Nếu sau khi điều tra, không có dấu hiệu bất minh, phi pháp sẽ hoàn lại cho chị như cũ.
Tin lời "cán bộ" nên từ 11 giờ đến 14 giờ 30 ngày 14-12, chị Hoàng đã chuyển hơn 780 triệu đồng vào tài khoản mới do "cơ quan điều tra" cung cấp. Sau đó, chị Hoàng bình tĩnh trở lại và nhận thấy có gì đó bất thường nên vội vàng liên hệ với ngân hàng khóa tài khoản nhưng đã muộn, vì toàn bộ số tiền chị chuyển đi đã được rút hoặc chuyển tiếp đến các ngân hàng khác rồi rút sạch.
Thủ đoạn gọi điện thoại xưng danh cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án... để đe dọa tái diễn mấy năm qua nhưng đáng tiếc vẫn có nhiều nạn nhân mới sập bẫy, mất số tiền lớn. Có thể nói, sau dịch bệnh Covid-19, phương thức lừa đảo qua điện thoại diễn biến cực kỳ phức tạp. Các đối tượng, nhóm đối tượng liên tục điện thoại cho người dân, lưới giăng lớp lớp thì kiểu gì cũng dính "cá”, đáng nói không chỉ người trình độ có giới hạn, mà ngay cả những cá nhân có tầm hiểu biết cao vẫn mắc bẫy lừa. Cụ thể, ngay nơi làm việc của chúng tôi với hơn chục con người, nhưng trong một ngày có đến 3, 4 người bị gọi điện quấy nhiễu, có chị bị đến 3 đối tượng gọi điện thoại xưng danh cán bộ các cơ quan pháp luật để hù dọa. Kịch bản lừa chúng xây dựng vô cùng phong phú, toàn ép người nghe máy vào tội mua bán người, mua bán ma túy, rửa tiền, gây tai nạn chết người... thử hỏi ai không hoảng sợ, nhất là những người cả tin, yếu bóng vía nên họ mắc lừa cũng không có gì lạ.
Về phương thức lừa đảo qua điện thoại, Công an TPHCM và các tỉnh, thành khác đều xây dựng nhiều phương án tuyên truyền qua các trang điện tử, qua kết nối Zalo, Facebook với nhân dân, qua tờ tin phường, quận hoặc trực tiếp họp tổ dân phố. Bên cạnh đó các cơ quan truyền thông, báo chí cũng liên tục đăng tải thông tin cảnh báo từng vụ việc cụ thể hoặc tổng hợp thống kê... Đáng tiếc là tội phạm hoạt động tinh vi, xây dựng kịch bản lừa đảo hoàn hảo và đâu đó vẫn còn những người thiếu thông tin, cả tin, quá lo sợ trước các lời hù dọa nên vẫn sập bẫy như thường!
Tin nhắn lừa đảo
Tội phạm công nghệ cao diễn biến phức tạp trong thời gian gần đây, để cảnh báo cho người dân nâng cao cảnh giác, Bộ Công an, Công an TPHCM và công an các tỉnh, thành đều có tuyên truyền bằng nhiều hình thức khác nhau từ trực quan sinh động đến gián tiếp, công khai. Trong đó Công an TPHCM còn phối hợp với một số ngân hàng phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ an ninh Tổ quốc (BVANTQ). Ký kết phối hợp có nhiều nội dung, trong đó không thể thiếu phần hướng dẫn, tập huấn cho bảo vệ, nhân viên ngân hàng những kiến thức cần thiết để nhận biết tội phạm, ngăn chặn sớm tình huống nghi ngờ người dân chuyển tiền sau khi bị hù dọa qua điện thoại, làm theo hướng dẫn từ các tin nhắn lừa đảo...
Trước tình trạng tin nhắn lừa đảo diễn biến khó lường, để nhắc nhở khách hàng, gần đây mạng Mobifone cũng gửi tin nhắn có nội dung "Cảnh báo trên thị trường xuất hiện tình trạng tin nhắn mạo danh ngân hàng nhằm mục đích lừa đảo, quý khách hàng cần nêu cao cảnh giác. Mobifone hỗ trợ kiểm tra miễn phí bản tin ngân hàng có được gửi từ hệ thống của Mobifone trong vòng 7 ngày...". Hy vọng với sự bắt tay giữa các cơ quan chức năng sẽ phần nào hạn chế được hoạt động phức tạp của tội phạm lừa đảo công nghệ.