Cảnh giác với màn kịch lừa đảo của kẻ mua hàng online

Thứ Ba, 20/12/2022 17:05  | Nguyễn Hiếu

|

(CATP) Với sự phát triển công nghệ như hiện nay, việc mua hàng online qua các website hay trang thương mại điện tử không còn xa lạ. Những đơn vị bán hàng theo hình thức này thường kết nối với các công ty dịch vụ vận chuyển để phục vụ việc kinh doanh. Tuy nhiên, lợi dụng lỗ hổng trong hoạt động quản lý của đơn vị giao hàng và sự chủ quan của các cửa hàng kinh doanh, kẻ gian đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Vụ việc của chị Lê Thị N. (SN 1986, ngụ Q12) là một bài học cảnh giác.

Vốn là chủ một shop mỹ phẩm nho nhỏ thuộc phường Trung Mỹ Tây (Q12), để cập nhật xu hướng của thị trường, chị N. mở thêm dịch vụ bán hàng trực tuyến thông qua một trang thương mại điện tử. Chiều muộn 10-12, thấy trên hệ thống báo có một đơn hàng, chị N. liền gọi điện liên hệ với khách để xác nhận. Đầu dây bên kia là giọng một phụ nữ cho biết đặt mua 4 hộp mỹ phẩm của Pháp. Sau khi trao đổi, hai bên thỏa thuận giá cả số hàng trên có tổng giá trị gần 10 triệu đồng.

Trước khi cúp máy, vị khách hối thúc chị N. phải giao hàng vào sáng hôm sau vì cần đem tặng cho đối tác làm ăn. Thông thường, khi khách đặt hàng giá trị thấp, chị N. yêu cầu chuyển tiền qua tài khoản, hoặc gọi xe ôm công nghệ giao và thu tiền hộ. Còn với đơn hàng giá trị lớn, N. sẽ đích thân đi giao. Nhưng trường hợp này địa chỉ ở tận Bình Dương, mà khách lại cần gấp nên chủ shop nói với người phụ nữ phải nhờ dịch vụ chuyển phát nhanh để giao số mỹ phẩm trên.

Vẫn chưa yên tâm, người phụ nữ tiếp tục yêu cầu phải có hàng trong sáng mai, nếu chị N. giao trễ họ không lấy nữa. Sợ vuột mất cơ hội kiếm lời, chị N. lập tức đồng ý mà không mảy may nghi ngờ. Khách vừa chốt hàng xong, nữ chủ shop vội vàng tự tay đóng gói kỹ lưỡng 4 hộp mỹ phẩm đắt tiền để kịp giao cho khách. Vừa gói hàng, chị N. vừa khấp khởi mừng thầm vì gặp được khách sộp. Bởi từ khi dịch Covid-19 đến nay, shop của chị luôn trong tình trạng ế ẩm.

Bán hàng online cần cảnh giác mọi thủ đoạn của bọn lừa đảo

Sáng sớm 11-12, do có việc đột xuất phải đi ra ngoài, chị N. giao đơn hàng lại cho nhân viên của mình quản lý và dặn dò cẩn thận. Khi chị vừa rời khỏi shop thì một thanh niên xuất hiện, tự xưng là nhân viên giao hàng của công ty chuyển phát nhanh. Do trước đó từng giao hàng kiểu này nên anh nhân viên không hề lưỡng lự. Vì thế, người này dễ dàng lấy đơn hàng mà không bị gặng hỏi. Sau khi đưa biên nhận, anh ta vội vàng lên xe máy rời đi.

Ít phút sau, có nam thanh niên mặc đồng phục của công ty chuyển phát nhanh chạy xe máy dừng trước cửa shop mỹ phẩm. Cùng lúc, chị N. cũng vừa về đến. Vừa ngạc nhiên vừa lo lắng, chị hỏi anh ta đến có việc gì, người này giới thiệu là nhân viên công ty chuyển phát nhanh, đến lấy đơn hàng nước hoa mà chị N. đã đặt để giao gấp trong sáng nay. Quay sang hỏi nhân viên, chị N. được báo lại rằng đơn hàng đã giao trước đó rồi.

Vội mở tờ biên nhận ra xem, anh thanh niên mới đến cho biết nó không còn giá trị sử dụng vì đối tượng tự nhận là nhân viên công ty vừa nghỉ việc cách đây vài hôm. Nghi có chuyện chẳng lành, chị T. lần lượt gọi cho người giao hàng và người phụ nữ đặt hàng nhưng không ai nghe máy, lát sau thì điện thoại đều báo "thuê bao không liên lạc được". Lúc này, mọi người mới vỡ lẽ, thì ra đây là màn kịch lừa đảo của bọn bất lương. Theo đó, gã nhân viên giao hàng và người phụ nữ kia chính là đồng bọn.

Bình luận (0)

Lên đầu trang