Qua đó cho thấy tội phạm ma túy diễn biến ngày càng phức tạp. Hầu hết các đường dây mua bán ma túy lớn bị triệt phá đều có yếu tố xuyên quốc gia.
Lắm mưu, nhiều kế
Thời gian gần đây, tội phạm ma túy liên quan đến yếu tố nước ngoài diễn biến phức tạp trên cả tuyến hàng không lẫn đường thủy. Chỉ tính riêng 6 tháng đầu năm 2015, cơ quan chức năng phát hiện 4 vụ vận chuyển ma túy qua các cửa khẩu (tăng 33% so với cùng kỳ) trong đó có hai vụ vận chuyển heroin trọng lượng 5,68kg và 15kg ma túy tổng hợp.
Phổ biến là thủ đoạn thuê người trà trộn ma túy vào những gói hàng chuyển phát nhanh qua đường hàng không gửi ra nước ngoài. Điển hình, tháng 3-2015, các chiến sĩ Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (PC47) bắt quả tang Nguyễn Văn Chinh ngụy trang 470 gram tiền chất ma túy trong 3 hộp mỹ phẩm gửi đi Úc. Bằng thủ đoạn tương tự, trước đó đối tượng này đã trà trộn 2,77kg tiền chất ma túy sang xứ sở Kangaroo.
Ba đối tượng Huyền - Xuân - Bằng
Ngoài thủ đoạn trên, bọn tội phạm còn lợi dụng chính sách thông thoáng trong hoạt động đầu tư, xuất nhập khẩu của Việt Nam để giấu ma túy vào những lô hàng xuất nhập khẩu. Hải quan Tân Sơn Nhất và lực lượng phòng chống ma túy đã phát hiện nhiều vụ vận chuyển cocain và tiền chất ma túy với số lượng lớn từ một số nước ở khu vực Nam Mỹ như Brazil, Argentina vào Việt Nam để trung chuyển qua các nước khác. Mới đây, lực lượng chức năng phát hiện 31,6kg cocain giấu trong những thanh gỗ được gửi từ Nam Mỹ về cảng Cát Lái.
Hoạt động tinh vi
Trong năm 2014 và những tháng đầu năm 2015, nguồn ma túy thẩm lậu vào TPHCM chủ yếu từ các tỉnh biên giới Việt - Lào, Việt - Trung sau đó vận chuyển bằng đường bộ vào TPHCM tiêu thụ. Cầm đầu các tổ chức tội phạm này phần lớn là những đối tượng gốc Bắc, từng có tiền án, tiền sự, hoạt động hết sức táo tợn.
Từng bóc lịch về hành vi tàng trữ trái phép chất ma túy, nhưng sau khi ra trại, Nguyễn Sỹ Huyền (tự Huyền Thỏ, SN 1968, ngụ TP.Hải Phòng) bị công an địa phương liệt vào danh sách đen nên Huyền khó “cựa quậy”. Để thay đổi vận mệnh, gã đưa vợ là Trần Thị Xuân (tự Minh, SN 1976) và con trai vào Sài Gòn để hoạt động phạm pháp.
Tháng 10-2014, Huyền về Quảng Ninh đánh “hàng” bằng cách bỏ 5kg ma túy “đá” vào các sườn xe đạp, chuẩn bị đưa đi tiêu thụ thì bị Công an tỉnh Quảng Ninh bắt giữ. Chồng xộ khám, Xuân án binh bất động. Sau một thời gian thấy tình hình êm ắng, Xuân kêu đàn em trước đây từng là trợ thủ đắc lực cho vợ chồng thị tên Trần Khách Bằng (SN 1984, ngụ P14Q8) về phụ giúp.
Để có được nguồn hàng giá rẻ, Xuân mò ra tận Quảng Ninh, Hải Phòng mua đem về đưa hết cho Bằng quản lý và giao dịch với khách. Phương thức và thủ đoạn mua bán ma túy của Xuân đã rõ, nhưng các trinh sát gặp nhiều khó khăn vì ả rất khôn ngoan, thường xuyên thay đổi chỗ ở. Xuân hiếm khi đứng ra giao dịch, mọi hoạt động đều ủy thác cho Bằng.
Trong khi đó, gã đàn ông này lại có tài chạy xe rất điêu luyện. Hắn sở hữu nhiều chiếc xe phân khối lớn, khi đi giao “hàng” đều chạy với tốc độ nhanh. Những nơi Xuân lưu trú đều nằm trong khu dân cư, nhiều hẻm nhỏ chằng chịt. Vì vậy khi các trinh sát tiến hành mai phục rất dễ bại lộ, chỉ cần thấy người lạ xuất hiện ở khu vực này là bọn chúng co vòi hoạt động để nghe ngóng tình hình.
Giữa tháng 12-2014, Xuân lại ra Bắc tậu “hàng”, lần này trinh sát quyết định bắt giữ. Tại nhà Xuân, công an thu giữ cặp lục bình bên trong đế có chứa hơn 2kg ma túy “đá” và 900 gram mẫu phức tạp. Chiều cùng ngày, Bằng bị bắt cùng tang vật là 500 gram ma túy “đá”, 3 môtô gồm SH, Exciter và một xe tự chế loại 500 phân khối cùng 70 triệu đồng.
Ranh ma và sử dụng nhiều thủ đoạn đối phó với công an còn có nhóm đối tượng kinh doanh ma túy người Hải Phòng, gồm: Nguyễn Viết Huỳnh (SN 1979, quê Hải Phòng), Trần Hùng Kiệt (tự Kiệt pê đê, SN 1984, ngụ Q1), Châu Minh Tuấn (tự Tuấn Hitle, SN 1971, ngụ Q.Gò Vấp), Lâm Quốc Đạt (tự Đạt Ma, SN 1985, ngụ Q.Tân Phú) điều hành.
Đồng chí Nguyễn Kim Tân - Đội trưởng Đội 3 - Phòng PC47 chia sẻ những vất vả khi tham gia chuyên án: “Tất cả những đối tượng này đều có tiền án, tiền sự nên khi hoạt động phạm pháp rất lưu manh, chuyên nghiệp, dùng nhiều thủ đoạn để đối phó công an. Cụ thể, Kiệt thường ra tận các tỉnh biên giới phía Bắc mua “hàng” rồi thuê người vận chuyển bằng máy bay vào TPHCM tiêu thụ.
Còn Tuấn trực tiếp cõng “hàng” vào Nam bằng xe khách. Cả hai đối tượng này đều có một điểm chung là thích chơi trò đánh trận giả như liên tục thay đổi lịch trình chuyến đi cũng như thời gian và địa điểm giao “hàng” nên nhiều ngày liền các trinh sát phải ăn dầm nằm dề ở sân bay, các bến xe để mai phục.
Sau nhiều lần “nghi binh” để qua mặt công an, đêm 25-4-2014, Tuấn vào đến TPHCM lưu trú tại một khách sạn ở Q.Gò Vấp. Hắn không ngờ trinh sát đã chờ sẵn và ập vào bắt giữ, tang vật thu giữ gồm 252,5108 gram ma túy tổng hợp, 0,4428 gram heroin. Trong khi đó, tên đồng phạm là Đạt “Ma” lại liên tục thay đổi chỗ ở, số điện thoại, thoắt ẩn thoắt hiện nên anh em trinh sát phải tốn nhiều công sức mới tóm được”.
Chuyên án thành công, hồ sơ vụ án khép lại, buộc Nguyễn Viết Huỳnh, Tuấn Hitle, Kiệt pê đê, Đạt “Ma” cùng 12 kẻ tội đồ ma túy phải trả giá, thu giữ gần 5,5kg ma túy “đá” và 3.729 viên thuốc lắc.
Đánh giá thực trạng ma túy hiện nay, tại một hội nghị sơ kết về ma túy, đồng chí thiếu tướng Phan Anh Minh - Phó giám đốc CATP - trăn trở: “Từ những chuyên án khám phá thời gian qua cho thấy tội phạm ma túy đang biến Việt Nam thành nước trung chuyển ma túy. Đây là một vấn nạn nhức nhối đòi hỏi thời gian tới lực lượng phòng chống ma túy và các đơn vị liên quan cần phối hợp chặt chẽ, đẩy mạnh đấu tranh kịp thời đẩy lùi không để ảnh hưởng đến cộng đồng”.
(Còn tiếp)