Các thủ đoạn của tội phạm mua bán người ngày càng tinh vi, khó lường

Thứ Năm, 02/11/2023 09:39

|

(CAO) Không chỉ sử dụng thông tin giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc thu nhập cao… mà các đối tượng phạm tội còn giả danh cả lực lượng chức năng để “mua bán người” trên không gian mạng.

Theo báo cáo về tình hình, kết quả công tác phòng, chống mua bán người Quý III năm 2023 của Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm của Chính phủ (Ban Chỉ đạo 138/CP), tình hình tội phạm mua bán người nội địa và ra nước ngoài tiếp tục diễn biến phức tạp.

Một số thủ đoạn phổ biến như các đối tượng sử dụng không gian mạng, lập các trang quảng cáo tìm việc làm, ứng dụng hẹn hò tìm bạn, hội nhóm độc thân, sử dụng tên tuổi, địa chỉ giả để kết bạn, làm quen, tán tỉnh yêu đương, hứa hẹn tìm việc thu nhập cao, sau đó lừa bán nạn nhân làm nhân viên phục vụ tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự như quán karaoke, cắt tóc, massage…

Đáng lưu ý, đã phát hiện vụ việc các đối tượng giả danh lực lượng chức năng để lừa bán nạn nhân giữa các cơ sở kinh doanh khác nhau.

Cùng chung tay phòng chống tội phạm mua bán người

Trong Quý 3 năm 2023, lực lượng Công an các đơn vị, địa phương đã mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm mua bán người. Qua đó, lực lượng Công an toàn quốc đã tiếp nhận, giải quyết 92 tố giác, tin báo về tội phạm và kiến nghị khởi tố liên quan đến tội phạm mua bán người.

Phát hiện, điều tra 85 vụ/230 đối tượng phạm tội mua bán người theo các tội danh được quy định tại Điều 150, Điều 151, Bộ luật Hình sự; đồng thời xác định 224 nạn nhân bị mua bán.

Tòa án nhân dân các cấp đã thụ lý theo thủ tục sơ thẩm 48 vụ/139 bị cáo (so với cùng kỳ năm trước tăng 18 vụ và 68 bị cáo); đã giải quyết, xét xử 30 vụ với 77 bị cáo. Trong đó, có 7 bị cáo bị tuyên phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm; 28 bị cáo bị tuyên phạt tù từ 7 năm đến 15 năm... Việc xét xử nghiêm khắc đối với loại tội phạm mua bán người đã góp phần tạo sức răn đe chung cho toàn xã hội.

Ban Chỉ đạo 138/CP nhận định, tội phạm mua bán người với thủ đoạn dụ dỗ trực tuyến để “mời chào”, mua bán nạn nhân trên không gian mạng dự báo sẽ xảy ra nhiều hơn. Nạn mua bán người để ép buộc tham gia các đường dây lừa đảo trực tuyến sẽ chuyển từ xu hướng tội phạm khu vực sang mối đe dọa toàn cầu…

Do đó, cần đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền đến các nhóm đối tượng dễ bị tổn thương, có nguy cơ cao là nạn nhân của tội phạm mua bán người để nân cao nhận thức.

Đồng thời, tăng cường công tác nắm tình hình địa bàn và các biện pháp nghiệp vụ để kịp thời phát hiện, ngăn chặn hành vi mua bán người trên không gian mạng.

Bình luận (0)

Lên đầu trang