(CAO) Lòng tốt được đặt vào đúng vị trí thì giá trị sẽ tăng lên gấp bội. Ngược lại, chỉ vì cảm thương cho một số phận nào đó rồi trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo thì cần cảnh giác để tránh tình trạng… tiền mất, uất ức mang.
Lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin, nhất là đánh vào lòng thương hại của người dân, các đối tượng lừa đảo liên tục thực hiện những thủ đoạn tinh vi hòng lấy tài sản. Câu chuyện của gia đình bà L.T.A (72 tuổi, ngụ quận Gò Vấp, TPHCM) là một điển hình khi bị 2 đối tượng đến bệnh viện đóng giả thành những người có hoàn cảnh đáng thương để xin tiền.
Khi bệnh nhân chờ khám, kẻ gian có thể trà trộn để dàn cảnh xin tiền. Ảnh minh họa
Sáng 12/10/2023, trong lúc bà A. đang dọn dẹp trước sân thì không may bị trượt chân, ngã ra đất và không thể đứng dậy được. Phát hiện vụ việc, con dâu của bà liền gọi taxi đưa mẹ chồng đến Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình TPHCM để kiểm tra.
Đang ngồi chờ trước cửa phòng khám thì một nam thanh niên dìu người đàn ông tay ôm bụng tỏ vẻ đau đớn cùng ngồi xuống ghế bên cạnh hai mẹ con bà A. Khoảng một lát sau, nam thanh niên bắt chuyện, hỏi thăm tình trạng của bà A. Thấy anh ta cởi mở và thân thiện, bà A. cũng nói chuyện qua lại. Nam thanh niên chỉ vào người đàn ông trung niên dáng người gầy yếu, đang rên rỉ vì vết thương nặng cho biết, hai người cùng quê Đồng Tháp. Trong lúc làm đồng, không may ông ấy bị té ngã và bị vật nhọn đâm vào vùng bụng. Vì nhà nghèo, lại sống một mình, thấy hoàn cảnh đáng thương nên anh ta bỏ công ăn việc làm đưa hàng xóm lên TPHCM cấp cứu. Do vết thương cứ liên tục nhiễm trùng nên giờ bệnh nhân không còn tiền để tiếp tục điều trị. Họ chờ khám rồi xin bác sĩ cho về quê tự mua thuốc nam chữa tiếp.
Nói rồi, anh ta thò tay cởi áo của người đàn ông trung niên cho mẹ con bà A. xem vết thương. Hoảng sợ, người con dâu vội xua tay ngăn lại. Còn bà A. loáng thoáng nhìn thấy một mớ bông băng với thuốc đỏ trước khi nam thanh niên cài cúc áo cho bệnh nhân.
Nghe qua hoàn cảnh thấy người này quá tội nghiệp, bà A. liền lấy 1 triệu đồng ra cho để mua thuốc và sữa để bồi bổ. Còn người con dâu cũng nhanh nhẹn móc bóp đưa thêm 1 triệu đồng nữa. Vừa cầm tiền, hai người đàn ông cám ơn rồi đứng dậy bỏ đi. Sinh nghi, người con dâu liền đi theo nhưng họ đã nhanh chân biến mất giữa dòng người đang lấy số chờ khám bệnh. Đến khi quay về, chị này té ngửa khi nghe mẹ chồng kể lại chuyện những người bệnh và nuôi bệnh ở đây cũng từng bị 2 đối tượng trên lừa tiền với thủ đoạn tương tự.
Trên đường về nhà, bà A. dặn con dâu đừng nói cho con trai mình biết. Thế nhưng, trong bữa cơm tối, cô con dâu lại đem chuyện bị lừa sáng nay ra kể. Tưởng chồng cằn nhằn, nào ngờ anh cũng kể chuyện mình từng bị “dính bẫy” kẻ gian nhưng với thủ đoạn biến tướng.
Cách đó không lâu, anh có dịp đi trên đường Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh thì chứng kiến cảnh một người đàn ông nhăn nhó vì làm đổ mâm chuối và khoai chiên cạnh vỉa hè. Khi anh dừng xe, người đàn ông đã than khóc kể về hoàn cảnh nghèo khó của mình vì phải chạy ăn từng bữa và nuôi 4 miệng ăn. Hôm nay xui xẻo nên mất cả vốn lẫn lời, không biết lấy đâu ra tiền để mua gạo và thức ăn.
Cảm thương, con trai bà A. liền móc trong túi ra 300 ngàn đồng đưa cho anh ta. Khoảng một tháng sau có dịp đi trên con đường này, anh lại thấy người đàn ông hôm trước cũng với “màn kịch” đổ mâm chuối chiên để xin tiền người khác...
Hình ảnh người bán vé số giả vờ bị cướp chia sẻ trên MXH để rủ lòng thương cảm của mọi người
Ngoài việc giả làm đổ bánh, trong vai bệnh nhân nghèo để xin tiền thì thời gian gần đây lại có thêm “kịch bản” bị cướp vé số rồi khóc than khiến nhiều người không mảy may nghi ngờ mà móc tiền ra cho. Mặc dù báo chí và mạng xã hội từng cảnh báo rất nhiều về kiểu lừa đảo kiểu này, nhưng vẫn có người “mở lòng” chỉ vì… thấy họ tội nghiệp.
Vào tháng 9/2023, mạng xã hội đã chia sẻ hình ảnh người đàn ông lớn tuổi đang đi bộ bán vé số dạo trên đường Phạm Thị Giây, ấp Tam Đông, xã Thới Tam Thôn, huyện Hóc Môn thì có đôi nam nữ đi xe máy dừng lại hỏi mua. Trong lúc chọn lựa, cả hai nhanh tay lấy 227 tờ vé số của cụ ông nhưng không trả tiền. Nạn nhân giằng lại thì bị bọn chúng hành hung. Đối tượng nam dùng chân đạp vào mặt người bán vé số già rồi kéo lê trên đường khiến nạn nhân bị thương tích khá nặng ở cánh tay.
Theo người đàn ông bán vé số dạo, hoàn cảnh gia đình mình rất bi đát khi vợ con đã mất từ lâu. Cách đây hơn 2 năm, ông bị tai biến nên tay chân bị liệt. Cuộc sống khó khăn, không người thân nên ông lặn lội từ An Giang lên TPHCM mưu sinh bằng nghề bán vé số dạo và thuê phòng trọ chỉ vài mét vuông với giá 350.000/tháng. Nghe vậy, bà con nơi đây và các tiểu thương buôn bán tại chợ Hóc Môn đã cho ông ta tiền.
Tiếp nhận thông tin, Công an xã Thới Tam Thôn đã tiếp xúc, lấy lời khai người dân. Qua xác minh, cơ quan chức năng huyện Hóc Môn xác định không có sự việc người đàn ông bị cướp giật hơn 200 tờ vé số ở huyện Hóc Môn. Người này tự dựng lên câu chuyện bị cướp để mọi người cho tiền.
Nhiều người dân thường hay chạnh lòng thương cảm, dễ bỏ chút ít tiền ra để làm từ thiện, giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn mà không cần biết họ có thật sự gặp hoạn nạn như vậy không, nhất là những người lam lũ, bệnh tật lê lết trên đường phố. Tuy nhiên, lòng tốt được đặt vào đúng vị trí thì giá trị sẽ tăng lên gấp bội. Ngược lại, chỉ vì cảm thương cho một số phận nào đó rồi trở thành nạn nhân của các đối tượng lừa đảo thì cần cảnh giác để tránh tình trạng… tiền mất, uất ức tự mang.