Chiêu lừa nhận quà "tri ân" khách hàng

Thứ Sáu, 13/10/2023 10:31

|

(CATP) Mặc dù cơ quan chức năng liên tục cảnh báo, nhưng các đối tượng vẫn không ngừng nghĩ ra các chiêu trò mới để lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Thời gian gần đây, tại TPHCM rộ lên các hình thức mạo danh công ty điện máy, siêu thị, nhãn hàng... mời người dân đánh giá sản phẩm để nhận sản phẩm, trả công quảng cáo và quà "tri ân" để lừa đảo.

Đơn cử là trường hợp của chị L.T.Hằng (trú quận Gò Vấp, TPHCM). Một ngày giữa tháng 9/2023, chị Hằng nhận được tin nhắn đề nghị kết bạn của một người tự nhận là nhân viên hệ thống siêu thị Eco Mart, cho biết chị là khách hàng thân thiết của Samsung và Sony nên may mắn được tặng một bộ đồ gia dụng miễn phí nhân dịp kỷ niệm 30 năm thành lập công ty. Qua trao đổi, nhân viên này nói sẽ gửi hình của 32 món đồ gia dụng miễn phí qua Zalo. Sau khi lựa chọn chị Hằng sẽ phải nhắn lại tên món hàng để họ ghi nhận. Nếu người giao hàng đòi bất kỳ loại phí nào thì chị có quyền không nhận. Nghe vậy, chị Hằng liền đồng ý kết bạn.

Sau khi chọn xong một món đồ gia dụng, chị được yêu cầu cung cấp họ tên, số điện thoại, tuổi và địa chỉ nhà để được nhận quà. Tưởng là xong nhưng bên đó tiếp tục gửi chị một mẫu đăng ký điện tử đã được điền thông tin cá nhân của chị, trong đó có tựa đề "phiếu đặt hàng". Ngoài ra, họ còn yêu cầu chị tham gia một nhóm theo đường link được gửi đến. "Sau khi tôi được cho vào nhóm, có một người nhắn tin liên lạc qua Telegram, nói rằng để được nhận phần quà trên, tôi cần hoàn thành nhiều nhiệm vụ. Trong đó, xem các quảng cáo ngắn về sản phẩm của các hãng sẽ được nhận tiền thưởng 10.000 - 50.000 đồng", chị Hằng cho biết thêm.

Mạo danh nhân viên siêu thị nhắn tin tặng quà tri ân khách hàng

Theo chị Hằng, để được nhận tiền, họ bắt buộc chị phải cung cấp thông tin số tài khoản ngân hàng, tên người thụ hưởng. Khi thực hiện xong chị được nhận đầy đủ số tiền tương ứng nhanh chóng. Chưa dừng lại, họ tiếp tục đưa ra các gói đầu tư từ 500.000 đến vài chục triệu đồng và đề nghị chị nộp tiền vào tài khoản của họ khi chọn các gói tương ứng. Lúc này, chị chợt nhận ra chiêu trò này là lừa đảo, nếu nộp tiền sẽ có nguy cơ mất trắng nên chị không làm theo yêu cầu. Chưa dừng lại, sau đó vài ngày, chị Hằng tiếp tục nhận 3 cuộc gọi tặng quà miễn phí khác từ nhiều đối tượng mạo danh các hệ thống siêu thị hay sàn thương mại điện tử.

Thực tế, có rất nhiều người cũng bị lừa đảo với các chiêu thức trên. Có người bị lừa mất vài chục triệu đồng, thậm chí hàng trăm triệu đồng chỉ vì tham quà tặng hoặc hoa hồng. Cuối tháng 9/2023, chị N.T.L (SN 1986, trú phường Quảng Phú, TP.Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) được các đối tượng gọi điện thoại giới thiệu là nhân viên Điện Máy Xanh, đồng thời cho biết công ty đang có chương trình tri ân khách hàng bằng tặng phẩm. Sau khi xác nhận thông tin cá nhân, địa chỉ nhận quà, các đối tượng kết bạn qua Zalo và thông báo rằng phần quà mà chị được nhận là 1 bộ nồi inox trị giá gần 2 triệu đồng, 2 ngày sau sẽ có nhân viên giao tận nhà.

Sau khi nhận được quà, các đối tượng tiếp tục nhắn tin thông báo chị L. may mắn trúng thêm phần quà tri ân thứ 2 là máy lọc nước trị giá hơn 5 triệu đồng. Để nhận được phần quà thứ 2 này, các đối tượng dẫn dụ nạn nhân hợp tác trở thành cộng tác viên chốt đơn hàng online cho đối tác của công ty, với mức hoa hồng rất hấp dẫn. Tin tưởng, chị L. liền đồng ý và được các đối tượng yêu cầu tải ứng dụng, đưa vào nhóm Telegram.

Trong nhóm này, có rất nhiều tài khoản tham gia bình luận, gửi hình ảnh thể hiện việc kiếm tiền rất dễ dàng để làm "mồi nhử", tiếp tục củng cố niềm tin cho nạn nhân. Tiếp đó, các đối tượng giao nhiệm vụ chốt đơn hàng đầu tiên với giá trị thấp. Chỉ vài phút sau khi chốt đơn và chuyển khoản vào số tài khoản do các đối tượng cung cấp, chị L. liền nhận lại tiền gốc và hoa hồng đúng như cam kết.

Giả mạo nhân viên Điện Máy Xanh để lôi kéo khách hàng chuyển tiền

Đến nhiệm vụ thứ 3 trở đi, các đối tượng viện rất nhiều lý do khác nhau, yêu cầu chị phải thực hiện liên tiếp những nhiệm vụ tiếp theo với những đơn hàng có giá trị rất lớn thì mới có thể nhận lại tiền gốc và hoa hồng. Không chút nghi ngờ, chị L. đã gom góp, chuyển tiền cho các đối tượng để thực hiện các nhiệm vụ với tổng số tiền hơn 200 triệu đồng. Sau khi hết khả năng huy động vốn, chị L. phát hiện mình bị lừa thì các đối tượng đã khóa tài khoản Zalo, cắt đứt liên lạc và chiếm đoạt toàn bộ số tiền.

Theo cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo trên không gian mạng đã xây dựng nhiều kịch bản (không ngừng có những kịch bản mới) đánh vào tâm lý, nhu cầu, lòng tham của bị hại. Tuy các thủ đoạn về bản chất không mới, đối tượng chỉ thay đổi "câu chuyện lừa đảo", nhưng nhiều người vẫn bị dẫn dụ và thực hiện theo yêu cầu của các đối tượng lừa đảo. Chính vì thế, người dân cần nâng cao cảnh giác để tránh "sập bẫy" kẻ gian.

Bình luận (0)

Lên đầu trang