Lại nở rộ chiêu trò lừa đảo tuyển dụng qua MXH ra nước ngoài làm việc

Thứ Bảy, 07/10/2023 10:12

|

(CAO) Theo đó, cơ quan chức năng đã khuyến cáo về thực trạng các doanh nghiệp không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng lại đăng thông tin đơn hàng tuyển dụng trên các website, mạng xã hội để lừa đảo người lao động.

Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) vừa thông báo khuyến cáo về tình trạng thời gian gần đây đã có nhiều vụ việc phát sinh diễn ra trong hoạt động đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài xảy ra trên môi trường mạng, sử dụng công nghệ và sự việc này đang có dấu hiệu ra tăng.

Để tránh bị các đối tượng nói trên lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo người lao động có nhu cầu xuất khẩu lao động cần nâng cao cảnh giác, tuyệt đối không tin vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về việc làm trên các website, facebook, zalo… và tuyệt đối không giao dịch, liên hệ với các doanh nghiệp, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động động đi làm việc ở nước ngoài.

Chia sẻ thông tin về phương thức lừa đảo, Cục Quản lý lao động ngoài nước cho biết các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài nhưng đã sử dụng các website như www.nhatban24h.vn; www.xuatkhaulaodong-24h.com … để tìm kiếm người lao động có nhu cầu.

Các website được xây dựng chuyên nghiệp, đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Hàn Quốc, Singapore, Rumani, Ba Lan, Australia, NewZealand, Philippines, Cộng hòa liên bang Đức, Hy Lạp… để lừa đảo người lao động.

Các doanh nghiệp không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài này còn sử dụng trang thông tin cá nhân (Facebook, Zalo) có đăng tải nhiều thông tin hoạt động trong lĩnh vực này như hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay, quá trình người lao động làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp với visa của nước tiếp nhận đã được cấp, nhằm tạo uy tín với người lao động.

Đặc biệt, thông tin về đơn hàng tuyển chọn lao động đi làm việc ở nước ngoài, địa điểm người lao động đến làm việc, thông tin về Giấy phép hoặc website sử dụng để đăng tải thông tin lừa đảo thường gần giống với website chính thức mà doanh nghiệp đăng ký với Cục Quản lý lao động ngoài nước.

Ví dụ halsucohanoi.vn là website mà doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đăng ký chính thức với Cục Quản lý lao động ngoài nước nhưng có những website đăng thông tin giả mạo có địa chỉ gần giống như: halsuco.com.vn, halsuco.vn.

Sau khi người lao động đăng ký số điện thoại sẽ được tư vấn viên giới thiệu qua các doanh nghiệp nhưng phần lớn là doanh nghiệp không được cấp Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Khi người lao động chuyển tiền, các tài khoản này cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, căn cước công dân và bản hợp đồng có đóng dấu của công ty để người lao động tin tưởng và tiếp tục đóng các khoản phí khác.

Người lao động do ở xa hoặc qua giới thiệu nên tin tưởng không đến trực tiếp công ty để làm việc, xác minh thông tin và trực tiếp ký hợp đồng, chỉ liên hệ, trao đổi và làm việc thông qua mạng xã hội và số điện thoại. Khi đến thời hạn mà không được xuất cảnh, người lao động liên hệ thì các tài khoản và số điện thoại này đều sẽ khóa hoặc chặn liên lạc.

Khi có vụ việc liên quan, doanh nghiệp không có chức năng hoạt động dịch vụ sẽ phủ nhận sự liên quan đến các website lừa đảo hoặc các địa điểm mà người lao động đến nộp tiền và làm việc thường không phải các địa điểm kinh doanh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp; các văn bản chụp được gửi qua mạng đều có thể chỉnh sửa và không có giá trị pháp lý.

Cục Quản lý lao động ngoài khuyến cáo người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài, cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có Giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng để tìm hiểu thông tin có liên quan. Người lao động có thể tra cứu thông tin về doanh nghiệp có Giấy phép tại Trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn.

Trong trường hợp cần tư vấn, cung cấp thêm thông tin hoặc phán ảnh thông tin về các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, người lao động cần liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 0243.8.249.517 máy lẻ 512 và 513, địa chỉ 41B Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Bình luận (0)

Lên đầu trang