Cảnh giác:

Mất tiền tỷ vì sập bẫy lừa bằng công nghệ

Thứ Sáu, 27/10/2023 07:48

|

(CATP) Ngày nay, cùng với sự phát triển mạnh mẽ, vượt bậc của công nghệ, mang lại hiệu quả thiết thực cho công việc và đời sống mọi người, các đối tượng tội phạm cũng lợi dụng phương thức mới này để thực hiện thủ đoạn lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người nhẹ dạ, cả tin. Những trường hợp bị chiếm đoạt tiền triệu, tiền tỷ sau đây là bài học để mọi người cùng nâng cao cảnh giác đối với tội phạm công nghệ cao.

Tiền tỷ tan theo giấc mơ "làm giàu không khó”!

Xác nhận xong mốc nâng cấp "Vip" lên hơn 1,7 tỷ đồng thì bà Nguyễn Thị Kim A. (SN 1977, ngụ TPHCM) không thể kết nối được với trưởng nhóm. Cùng thời điểm đó, các thành viên khác trong nhóm cũng nháo nhác nhắn tin riêng cho bà A., hỏi vì sao không vào được nhóm chung trên mạng nữa. Đến lúc này, như bầy ong vỡ tổ, các thành viên trong nhóm đầu tư cay đắng nhận ra họ đã sập bẫy lừa. Nhiều người khóc lóc, kêu gào, hờn trách lẫn nhau. Không chỉ mất số tiền lớn bản thân phải làm việc quần quật, chắt chiu mới có được qua nhiều năm, mà cả số vay mượn người thân để đầu tư "làm giàu không khó” của bà A. cũng tiêu tan như bọt biển. Bà A. còn bị các thành viên khác trong nhóm trách móc, hù dọa tố cáo vì đã nghe theo lời bà mà họ cũng mất hàng chục triệu, thậm chí cả trăm triệu đồng.

Để thanh minh rằng bản thân cũng là nạn nhân và nuôi hy vọng cơ quan chức năng có thể điều tra, bắt giữ những kẻ cầm đầu đường dây lừa đảo trên, giúp mình vớt vát lại được ít tiền, bà A. đã làm đơn tố cáo và đến nộp tại trụ sở Phòng Cảnh sát hình sự - Công an TPHCM vào đầu tháng 9/2023. Tường trình về quá trình sập bẫy lừa "đầu tư qua mạng" mất tiền tỷ, bà A. cho biết: Bà A. làm kế toán ở một công ty lớn nên ít có thời gian đi chơi, gặp gỡ bạn bè. Chưa kể để trụ vững ở vị trí hiện nay, bà A. liên tục phải đăng ký học nâng cao về chuyên môn, công nghệ, ngoại ngữ, rồi còn chăm sóc gia đình. Chút thời gian rảnh rỗi ít ỏi còn lại, bà A. thường lướt điện thoại để đọc thông tin, chủ yếu là xem hình ảnh, tin tức mang tính giải trí của giới nghệ sĩ trên mạng xã hội Facebook hoặc TikTok cho nhẹ đầu.

Công an Ninh Bình cảnh báo ứng dụng Auto Ads huy động vốn đa cấp để lừa đảo chiếm đoạt tài sản

Khoảng đầu tháng 6/2023, bà A. nhận được cuộc gọi của một người tự xưng tên Kiên, thông báo bà là khách hàng thân thiết của hãng điện tử C. nên được chọn trao một phần quà có giá trị, nhân kỷ niệm 30 năm thành lập công ty này. Gia đình bà A. cũng thường sử dụng các thiết bị điện tử của hãng C. nên bà tin lời Kiên, kết nối qua ứng dụng Zalo để tiện trao đổi. Sau khi trao đổi về giải thưởng, Kiên rủ bà A. tham gia nhóm đầu tư tài chính với lời chào mời sẽ kiếm tiền nhàn nhã, không mất nhiều thời gian.

Vào nhóm có hơn chục thành viên, bà A. thấy ai cũng hào hứng, liên tục chia sẻ số lợi nhuận thu được nên bà A. không khỏi hiếu kỳ rồi bị thu hút. Ban đầu, bà A. đầu tư thử vài triệu đồng, nhận ngay tiền lời gần bằng tiền vốn, được chuyển thẳng vào tài khoản cá nhân nên rất hào hứng. Chuyện này lập lại nhiều lần, bà A. không ngừng nâng mức đầu tư từ vài chục triệu lên vài trăm triệu đồng rồi đến tiền tỷ, bởi vốn càng lớn thì hứa hẹn lợi nhuận càng cao. Theo thời gian, tiền lời sau đó nhà đầu tư không cần chuyển về tài khoản cá nhân của bà A. nữa mà để trong hệ thống xoay vòng luôn. Bà A. vay mượn thêm tiền của bạn bè, người thân để đầu tư. Trong nhóm có vài người mới tham gia còn bỡ ngỡ, chưa tin lắm vào phương thức góp vốn đầu tư thì bà A. sẵn sàng "chat" chia sẻ kinh nghiệm của bản thân nên họ tin tưởng, đầu tư theo.

Mỗi lần trưởng nhóm hô hào nâng cấp hạn mức "Vip", bà A. lại tận dụng hết số tiền mình có để đầu tư, chưa kể để "thu lời lớn" bà không ngại vay mượn thêm của bạn bè, người thân. Trong nhóm, nhiều người cũng nâng hạn mức "Vip" liên tục giống bà A., bởi trưởng nhóm hứa hẹn "thành viên nào nâng hạn mức "Vip" hoàn thành sẽ được xác nhận và tất toán luôn, không cần chờ đợi các thành viên khác". Đến đầu tháng 9/2023, sau khi bà A. nâng hạn mức "Vip" lên hơn 1,7 tỷ đồng và đề nghị được giải ngân cả gốc lẫn lãi thì một buổi sáng sau khi ngủ dậy, bà không còn tìm thấy nhóm của mình trên ứng dụng Zalo nữa. Cùng lúc, một số thành viên khác cũng nháo nhác nhắn tin riêng cho bà A. hỏi han tình hình, rồi cả nhóm cùng ngậm ngùi khi phát hiện bị lừa đảo một cách tinh vi bằng công nghệ cao.

Người học cao cũng lao đao theo "mộng ảo"

Học xong chuyên ngành ngoại ngữ tại Trường Đại học H., thay vì về nhà ở TP.Vũng Tàu để kiếm việc làm thì C.N.H.L (SN 2001) quyết định tự lập, bám lại TPHCM tìm việc làm để không mang tiếng mãi dựa vào cha mẹ. Tự tin vào bản thân, nhưng nữ sinh viên vừa tốt nghiệp không ngờ để tìm được việc như ý, với mức lương tương đối lại không hề đơn giản. Suy nghĩ đắn đo, chấp nhận lấy ngắn nuôi dài nên cô L. đầu quân làm nhân viên văn phòng cho một công ty, với mức lương thử việc là 5 triệu đồng. Chi phí thuê nhà, điện, nước, ăn uống cao khiến cô L. không thể để dành được, vài tháng còn bị túng thiếu, phải nhờ đến sự tiếp sức của cha mẹ. Cô gái trẻ luôn đau đáu làm thế nào để kiếm được việc làm thêm, đủ trang trải cho bản thân và tích lũy thêm chút ít cho tương lai.

Trong một lần buồn chán nằm dài trong phòng trọ lướt mạng, nhận được lời mời kết bạn qua mạng xã hội Facebook của một người lạ, cô L. đồng ý. Sau khi trò chuyện, cô L. được người bạn mới cho biết đang là sinh viên và có đầu tư thêm trên mạng để kiếm tiền trang trải học phí, không ngờ việc làm "tay trái" này kiếm được thu nhập kha khá. Nghe vậy, cô L. bị cuốn hút theo. Qua cô bạn mới quen, cô L. trở thành thành viên của một nhóm trên ứng dụng Telegram và bắt đầu tham gia làm việc nhóm có hưởng hoa hồng, bước tiếp theo là đầu tư góp vốn vào công ty X, lợi nhuận chia theo tuần hoặc gói đầu tư.

Sau 2 tháng đầu tư cùng 6 gói góp riêng, cô L. được chuyển về tài khoản cá nhân hơn 20 triệu đồng. Thấy kiếm tiền không khó, cô L. liên tục bỏ thêm vốn đầu tư. Khi số tiền vay mượn đã lên đến 400 triệu đồng, cô L. đề xuất chốt tất toán thì cũng là lúc không liên lạc được với người bạn mới cũng như trưởng nhóm. Theo tính toán, sau 4 tháng kinh doanh, cô L. lời được 60 triệu đồng. Nhưng trên thực tế, cô đã đầu tư 400 triệu đồng và bị mất sạch, có nghĩa là không lời xu nào mà còn gánh thêm khoản nợ kếch xù. Khi bị bạn bè, người thân, đồng nghiệp cùng công ty liên tục hối thúc trả nợ, thấy hết cách nên cô L. buộc phải nói thật với cha mẹ để họ lấy tiền gom góp nghỉ hưu ra giúp con trả nợ.

Có thể nói, hiện nay có rất nhiều nạn nhân dính bẫy lừa bằng công nghệ cao với nhiều phương thức, thủ đoạn khác nhau, như: rủ đầu tư tài chính, chơi chứng khoán, thả "like" nhận thưởng... Điều đáng nói, nạn nhân không chỉ có những người học ít, thiếu thông tin, thiếu hiểu biết, mà nhiều người có học thức cao, cập nhập thông tin hàng ngày vẫn sập bẫy lừa qua mạng. Điển hình như bà A., cô L. hay nhiều người khác mà chúng tôi biết được. Họ đều đã tốt nghiệp đại học, còn học thêm nhiều văn bằng khác, chưa kể làm việc trong môi trường hiện đại, nơi có nhiều đồng nghiệp cùng tầng tri thức. Vậy tại sao họ vẫn dính bẫy lừa?

Thực ra, có nhiều nguyên nhân khiến nạn nhân sập bẫy lừa qua mạng, trong đó không thể thiếu việc ít cập nhật về thông tin cảnh báo liên quan đến đề phòng tội phạm do cơ quan công an, báo chí... cung cấp. Tội phạm lừa đảo qua mạng lại hết sức tinh vi, có rất nhiều mánh khóe đánh vào lòng tham của con người. Lúc đầu, các đối tượng sẽ thả một ít "mồi" (thực ra đến cuối cũng là tiền của nạn nhân mà thôi) để câu nhử, khi các nạn nhân ham hố, mất cảnh giác, bị cuốn vào trò chơi thâm độc lúc nào không hay và từng bước nộp số tiền lớn rồi lại lớn hơn cho kẻ gian. Khi các đối tượng "cắt kèo", xóa kết bạn, chặn tài khoản, khóa trang web... thì các nạn nhân mới nhận ra mình bị lừa, nhưng đã muộn.

Trước thực trạng nhiều người vẫn bị lừa qua mạng xã hội và điện thoại, một cán bộ điều tra hình sự thốt lên: "Những phương thức, thủ đoạn cũ này đã được cơ quan công an cảnh báo nhiều lần, không hiểu sao vẫn còn nhiều nạn nhân sập bẫy. Đề nghị bà con chịu khó đọc, cập nhật các cảnh báo về tội phạm của chúng tôi...".

Trong buổi họp về tình hình kinh tế - xã hội của TPHCM vào đầu tháng 9/2023, đại diện Công an TPHCM đã cho biết: Thời gian qua, hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng vẫn diễn biến phức tạp, thủ đoạn hoạt động ngày càng tinh vi. Theo phân tích, về bản chất thủ đoạn không mới, đối tượng chỉ thay đổi câu chuyện, nhưng người nhiều vẫn bị dẫn dụ và thực hiện theo các yêu cầu của đối tượng. Các "kịch bản lừa đảo" chủ yếu đánh vào tâm lý, nhu cầu, lòng tham của nạn nhân. Các đối tượng thường dẫn dụ nạn nhân đăng ký, tham gia các hội, nhóm tư vấn trên mạng xã hội và các ứng dụng "chat", đăng nhập vào phần mềm... nhằm đánh cắp thông tin. Các đối tượng còn sử dụng hành vi đe dọa, yêu cầu nạn nhân cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng, chuyển tiền, góp vốn đầu tư để các đối tượng chiếm đoạt.

Bình luận (0)

Lên đầu trang