Giãn cách do dịch Covid-19: Coi chừng trẻ sa vào game

Thứ Ba, 13/07/2021 11:25

|

(CATP) Hiện nhiều học sinh (HS), sinh viên (SV) đang trong thời gian nghỉ hè, nhưng dịch Covid-19 khiến hoạt động hè bị gián đoạn và một số địa phương phải thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16, trong đó có TPHCM, khiến nhiều phụ huynh (PH) lo ngại trước việc con em mình có thể sa vào các trò chơi game online đang tràn ngập trên mạng internet hiện nay dẫn đến nhiều tác hại khôn lường.

Bài học đau lòng từ tác hại của game online

Tác hại của game online khiến nhiều người ngỡ ngàng. Đơn cử trường hợp của P.V.T (28 tuổi, quê An Giang) vừa bị Tòa án nhân dân (TAND) TP.Cần Thơ xét xử sơ thẩm về tội "giết người".

Theo cáo trạng, T. là SV 1 trường đại học lớn ở Cần Thơ. Suốt thời gian dài, T. chơi game trực tuyến tên T.V, sau đó nghiện không dứt ra được. Đến tháng 4-2013, do muốn thể hiện mình cũng là "game thủ vô địch", T. chấp nhập điều kiện giết người để được gia nhập "hội game thủ”.

Tối 12-6-2013, T. chuẩn bị dao, đến cầu Đầu Sấu (P.Hưng Lợi, Q.Ninh Kiều, TP.Cần Thơ) thuê xe ôm do anh N.T.T (47 tuổi, quê Hậu Giang) điều khiển, yêu cầu chở đến Quốc lộ 61C hướng về TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang và lợi dụng lúc tài xế sơ hở, lấy dao đâm vào lưng, mặt và cổ nạn nhân.

Sau khi gây án, T. bỏ trốn nhưng bị bắt. Anh N.T.T. bị thương tích 25%. Quá trình điều tra, giám định xác định T. bị tâm thần nên áp dụng biện pháp chữa trị bắt buộc. Khi T. đã ổn định, đầu năm 2021, TAND TP.Cần Thơ đưa vụ án ra xét xử. Nhận định do nghiện game và hoang tưởng về ý định giết người, bị cáo (BC) T. đã gây án nhằm tước đoạt mạng sống người khác nên Hội đồng xét xử tuyên phạt BC 7 năm 9 tháng 9 ngày tù.

Tháng 4-2021, TAND tỉnh Thanh Hóa cũng mở phiên xử sơ thẩm BC Vũ Tiến Long (SN 1998) với các tội danh "giết người", "cướp tài sản". Theo cáo trạng, trước thời điểm phạm tội, Long nói dối bố mẹ đi làm thuê ở TP.Thanh Hóa, nhưng lại chơi game ở thị trấn Hà Trung.

"Nướng" hết tiền vào game, Long về căn nhà cũ của gia đình đang bỏ hoang ở thôn Đà Sơn, xã Hà Bắc, cách nhà ông Tống Duy Nghiễn - bà Cù Thị Kiện khoảng 10m, trèo tường vào trong ngủ. 4 giờ sáng 7-10-2020, Long đột nhập nhà ông Nghiễn thì bị ông này và bà Kiện phát hiện, giữ lại. Long rút dao bấm thủ sẵn đâm nhiều nhát khiến ông Nghiễn - bà Kiện tử vong, rồi quay vào nhà lấy được 2 điện thoại di động (ĐTDĐ).

Sau đó Long quay về nhà cũ giấu dao, nhờ bạn đưa đi khâu vết thương ở tay, tiếp tục ra quán chơi game và bị bắt. Với hành vi phạm tội của mình, BC này đã bị TAND tỉnh Thanh Hóa tuyên án tử hình.

Nghiện game online gây nhiều tác hại khôn lường (ảnh minh họa)

Cần chú ý hơn đến con trẻ

Trên thực tế, việc nghiện game online đã đã kéo theo hệ lụy nặng nề cho nhiều gia đình và xã hội. Nhiều HS, SV vì nghiện game mà bỏ bê việc học, giảm năng suất lao động, sức khỏe suy yếu. Nhiều người nghiện game còn có biểu hiện như cảm thấy ủ rũ, mất hẳn các sở thích trước đây, dễ mệt mỏi trong công việc hàng ngày như vệ sinh thân thể...

Đối với một số trường hợp, trẻ nghiện game không thể phát triển bình thường về mặt nhân cách và xã hội, coi thường các chuẩn mực đạo đức xã hội và qui định pháp luật; một số trẻ xuất hiện ảo giác và có ý tưởng cùng hành vi tự sát. Do các trò chơi điện tử thường tập trung vào chiến đấu hoặc bạo lực nên cũng sẽ hình thành ở người chơi tính gây hấn, hiếu chiến. Nhiều người nghiện game phải tìm mọi cách kể cả trộm cắp, giết người để có tiền như các trường hợp đau lòng kể trên.

Theo chia sẻ của chị Nguyễn Thị Bích (ngụ Q.Tân Phú), hiện nay với việc giãn cách xã hội, trẻ thường bị giới hạn không gian hoạt động trong nhà nên việc sa đà vào game rất lớn. Nhiều PH thường không chú ý đã vô tình thay thế nhu cầu hoạt động của trẻ bằng cách cho các em chơi game trên ĐTDĐ, Ipad. Điều này rất nguy hiểm, vì trẻ có khả năng tiếp cận cao với các trò chơi điện tử và những văn hóa độc hại đang lan tràn trên mạng Internet.

Do đó, trong thời gian giãn cách xã hội, các bậc PH cần chú ý hơn đến trẻ, nên hướng dẫn các bé phụ giúp công việc nhà và hướng đến các hành vi có lợi như đọc sách có thưởng, tham gia một số chương trình học online...

Theo một số chuyên gia, để phòng chống trẻ sa vào nghiện game, mỗi thành viên trong gia đình, nhất là bố mẹ, phải có cách giáo dục, dạy con khoa học, kiểm soát hợp lý và hiệu quả khi con sử dụng ĐTDĐ, tham gia trò chơi trực tuyến như đặt giới hạn thời gian khi cho con chơi game, cho con đọc những bài báo, xem những clip nói về tác hại của nghiện game; tuyệt đối không sử dụng những hình thức "khen thưởng" bằng việc cho chơi game và cần thường xuyên quan sát để sớm nhận diện những dấu hiệu nghiện game của con cái để có cách xử lý thích hợp...

Bình luận (0)

Lên đầu trang