Giở chiêu "cho thuê nhà giá rẻ” để chiếm đoạt tiền

Thứ Tư, 17/04/2024 15:06

|

(CATP) Từ khi con gái đậu đại học tại một trường ở quận Gò Vấp (TPHCM), chị Lâm Thị H. (47 tuổi, ngụ huyện Hóc Môn) vừa mừng vừa lo. Mừng vì mọi nỗ lực của con đã được đền đáp khi vào học tại một trường từng mơ ước. Nhưng nỗi lo lớn hơn, đó chính là hàng ngày con chị phải chạy xe máy hàng chục cây số để đến trường. Hôm nào con đi học, chị cũng luôn lo lắng cho đến khi nghe tiếng xe quen thuộc dừng trước cửa.

Thấy con gầy gò vì học hành nhiều và phải di chuyển xa, chị H. bàn với ông xã thuê nhà cho con học gần trường để bảo đảm an toàn giao thông. Đầu tháng 4/2024, chị và con gái liền tham khảo thông tin trên mạng xã hội. Tìm kiếm nhiều lần, chị H. đã chọn được một căn nhà cấp 4 khá ưng ý. Xem qua hình ảnh người cho thuê đăng tải, căn nhà này còn rất mới, gần trường học của con gái và đặc biệt giá chỉ 4 triệu đồng/tháng.

So sánh ở nhiều nơi, nhận thấy giá căn nhà này rẻ hơn khá nhiều so với mặt bằng chung, sáng 03/4, chị H. liền gọi vào số điện thoại trên bài đăng thì được hẹn đến xem nhà ngay trong chiều cùng ngày. Vì sợ nếu chậm trễ thì căn nhà sẽ có người thuê mất, mẹ con chị H. tức tốc đón xe đến đúng địa chỉ nơi cần tìm. Lúc này, có một phụ nữ từ trong nhà bước ra và tự giới thiệu mình là chủ nhân căn nhà.

Được người phụ nữ cho xem qua căn nhà, chị H. và con gái rất vừa bụng. Hai mẹ con liền kéo nhau ra một góc bàn tính. Theo con gái chị H., sau khi thuê xong, con chị có thể tìm thêm 2 - 3 bạn ở ghép thì chi phí hạ xuống rất nhiều. Do đó, cả hai mẹ con nhất trí sẽ thuê căn nhà này. Trong lúc nói chuyện, chị H. liền nêu thắc mắc: "Nhà đẹp như thế sao chị lại cho thuê giá rẻ vậy?". Người phụ nữ liền mỉm cười: "Vì có việc gấp ở nước ngoài và cũng chuẩn bị định cư nên muốn cho thuê gấp".

Bị thuyết phục bởi lý do này, chị H. không do dự mà ký ngay vào hợp đồng thuê nhà được người phụ nữ chuẩn bị sẵn, đồng thời chấp nhận đặt cọc trước 3 tháng là 12 triệu đồng theo thỏa thuận. Đúng một tuần sau như đã hẹn, mẹ con chị H. quay trở lại nhận nhà thì cả hai tá hỏa khi biết được người phụ nữ hôm trước không phải là chủ căn nhà. Thật ra, chị ta chỉ là người thuê căn nhà này trong vòng một tháng với giá 5 triệu đồng. Vì muốn chiếm đoạt tiền của người khác, đối tượng đã chụp lại hình ảnh căn nhà rồi đăng thông tin lên các hội, nhóm cho thuê nhà ở trên mạng xã hội với giá rẻ hơn so với mặt bằng chung, khiến chị H. rơi vào "bẫy".

Người thuê nhà trọ cần cảnh giác chiêu lừa đảo của kẻ gian

Người chủ thực sự của căn nhà cho biết, do người phụ nữ thuê ngắn hạn nên cũng không đòi hỏi giấy tờ tùy thân. Vả lại, chị ta đến ở nhưng không đem đồ đạc gì ngoài mấy bộ đồ với lý do thuê ở tạm để tiện làm các thủ tục đi... xuất cảnh. Đến khi chị H. và con gái tới nhận nhà, họ mới phát hiện chị ta biến mất tự lúc nào. Vừa mất tiền vừa mất thời gian, những tưởng sẽ may mắn thuê được căn nhà mới với giá rẻ, chị H. không ngờ mình bị kẻ gian lừa chiếm đoạt tài sản một cách trắng trợn.

Hiện nay, nhu cầu thuê nhà ở của sinh viên cũng như người lao động rất nhiều, nhất là ở khu công nghiệp hay thành phố. Bên cạnh những người cho thuê nhà hợp pháp, vẫn có những đối tượng xấu lợi dụng lòng tin của người khác để chiếm đoạt tài sản. Thủ đoạn của kẻ lừa đảo là đăng thông tin cho thuê nhà ở với giá rẻ bất thường trên mạng xã hội để dẫn dụ những "con mồi" nhẹ dạ cả tin.

Thiết nghĩ, khi tìm kiếm nhà cho thuê trên các hội nhóm, mọi người hãy cẩn thận với những thông tin ở những trang mạng thiếu uy tín. Nên chọn lọc những thông tin nhà cho thuê đầy đủ, có địa chỉ rõ ràng, giá cả và số điện thoại chính chủ. Bên cạnh đó, khi đi xem nhà nên tham khảo thêm ý kiến của người đi cùng hoặc người dân xung quanh khu vực đó để đề phòng gặp kẻ xấu.

Ngoài ra, mọi người phải cẩn thận hơn với "bẫy" chiếm dụng tiền cọc. Theo đó, khi đi thuê nhà, người thuê không những phải chi trả khoản tiền thuê hàng tháng mà còn phải đặt cọc một khoản tiền trong lúc ký hợp đồng thuê nhà. Tiền cọc được coi là khoản phí đảm bảo với chủ cho thuê trong quá trình thuê nhà. Việc chiếm dụng tiền cọc là thủ lừa đảo không còn hiếm gặp, nhưng vẫn còn nhiều người bất cẩn, không tìm hiểu kỹ phải ngậm ngùi vì mất đi khoản tiền cọc của mình.

Theo đánh giá của cơ quan chức năng, tình hình tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản ngày càng diễn biến phức tạp, xảy ra tại nhiều địa phương, gây thiệt hại tài sản lớn cho ố người dân và ảnh hưởng tiêu cực đến tình hình ANTT. Hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản xuất hiện trên nhiều lĩnh vực khác nhau với thủ đoạn gày càng tinh vi. Do đó, người dân không được chủ quan, mất cảnh giác kẻo "tiền mất, hận mang".

Bình luận (0)

Lên đầu trang