Lừa đảo trực tuyến ngày càng tinh vi, nhắm vào nhiều đối tượng

Thứ Sáu, 17/05/2024 13:22

|

(CATP) Khi các giao dịch mua bán qua mạng xã hội ngày càng phổ biến, những chiêu trò lừa đảo người dùng xuất hiện ngày càng nhiều với thủ đoạn rất tinh vi... Dù đã tăng cường cảnh giác, nhiều nạn nhân vẫn "sập bẫy" các đối tượng lừa đảo.

Cụ thể là trường hợp của chị Lê Thanh H. (SN 1989, ngụ huyện Hóc Môn, TPHCM). Do chỉ đủ tiền mua chiếc laptop cũ dùng trong việc dạy học, chị H. tham khảo thông tin sản phẩm này ở các hội, nhóm bán laptop đã qua sử dụng trên mạng xã hội Facebook. Sau khi tìm được chiếc laptop phù hợp, ngày 10/5, chị H. liên hệ với tài khoản "laptop gia re" bằng messenger, hẹn gặp để xem máy. Theo thông tin được cung cấp qua tin nhắn Facebook, chị H. cùng bạn tìm đến địa chỉ nơi người bán cung cấp. Nhờ người bạn kiểm tra chiếc laptop thấy vẫn còn mới, chị H. thấy ưng ý. Tuy nhiên, với mức giá người bán đưa ra là 12 triệu đồng, chị H. có chút đắn đo nên muốn có thêm thời gian suy nghĩ.

Về nhà tham khảo ý kiến nhiều đồng nghiệp, chị H. liền chốt giá trên và thống nhất thanh toán bằng hình thức chuyển khoản. Sau khi chuyển số tiền trên vào tài khoản được cung cấp qua tin nhắn messenger, chị H. chờ mãi vẫn không thấy người bán hồi âm và sau đó cắt mọi liên lạc. Từ vụ việc trên cho thấy, đây là chiêu lừa đảo chiếm đoạt tài sản hết sức tinh vi. Kẻ lừa đảo đã đóng vai người mua để liên hệ với người bán hàng. Sau đó, chúng tạo một tài khoản Facebook mang tên của người bán, rồi sao chép hình ảnh sản phẩm đăng thông tin lên các trang mạng xã hội, giả mạo là người bán hàng để tìm kiếm "con mồi".

Kẻ lừa đảo là đối tượng trung gian kết nối người bán và người mua hàng. Dù không lộ diện, chúng vẫn chủ động cung cấp số tài khoản ngân hàng của mình cho người mua. Đến khi người mua gặp người bán hàng thực hiện giao dịch, chỉ cần họ không hỏi kỹ lại thông tin tài khoản của người bán hàng thì sẽ chuyển tiền vào tài khoản của kẻ gian. Đây là bài học cảnh giác trong việc thực hiện các giao dịch mua bán hàng qua mạng xã hội. Đặc biệt, đối với những tài sản có giá trị cao thì tốt nhất nên gặp mặt trực tiếp để chốt giao dịch và phải hỏi thật kỹ lại thông tin tên tài khoản trước khi chuyển tiền để tránh "tiền mất hận mang".

Ngoài ra, có trường hợp mặc dù có "biên lai chuyển khoản", nhưng cũng rơi vào chiếc bẫy của kẻ gian. Theo đó, sau khi đăng rao bán chiếc laptop mới trên một chợ thương mại điện tử, anh T.T.T (ngụ TPHCM) được một người dùng ở tỉnh Bình Dương liên lạc qua Zalo để mua hàng. Người này cho biết sau giờ làm sẽ ra ngân hàng chuyển khoản và nhờ anh T. ship laptop đến cho người thân ở TPHCM để mang về Bình Dương ngay trong đêm.

Cẩn trọng với các giao dịch mua bán bằng hình thức chuyển khoản

Khoảng 18 giờ ngày 05/5, người mua gửi ảnh chụp màn hình ứng dụng ngân hàng với các thông tin chính xác là đã chuyển 15 triệu đồng đến tài khoản của anh T. Lát sau, người mua cho biết do chuyển khác ngân hàng nên có thể tiền đi chậm. Với lại người thân sắp đi về nên đã đặt shipper đến chỗ anh T. lấy hàng. Tưởng thật, anh T. đã trao chiếc laptop cho kẻ gian mà không hề nhận được khoản tiền nào. Thực tế cho thấy, chiêu trò làm giả biên lai chuyển khoản ngân hàng đang được nhiều đối tượng lừa đảo sử dụng.

Chỉ với vài thao tác chỉnh sửa Photoshop, nạn nhân sẽ nhận ngay biên lai, hóa đơn hay các giấy tờ giao dịch với các thông tin (họ tên, tài khoản ngân hàng, địa chỉ...) chính xác như vừa cung cấp. Người nhận sẽ bị ngộ nhận đó là ảnh chụp thật của việc chuyển khoản hoặc in hóa đơn, biên lai... nên tin tưởng và làm theo. Ngoài ra, chúng cũng làm giả cả website/fanpage của công ty du lịch uy tín, ảnh chụp biên lai, hóa đơn thanh toán và đề nghị nạn nhân chuyển khoản thanh toán chi phí tour du lịch. Sau khi nhận được chuyển khoản, các đối tượng sẽ chặn liên lạc và xóa mọi dấu vết.

Ngoài ra, kẻ gian còn mạo danh các đại lý bán vé máy bay hoặc công ty du lịch để gửi mã đặt chỗ và yêu cầu khách hàng thanh toán. Sau khi nhận thanh toán, chúng ngắt liên lạc. Do mã đặt chỗ chưa được xuất ra vé máy bay nên sẽ tự hủy sau một thời gian và khách hàng chỉ biết bị lừa khi đến sân bay.

Bình luận (0)

Lên đầu trang