(CAO) Mặc dù được báo chí thông tin cảnh giác về việc vay tiền qua các ứng dụng trên điện thoại, mạng xã hội, nhưng vẫn có người dân vướng vào vòng khổ cùng với tín dụng đen.
Ngày 29-7, Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, trong tháng 7, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao tiếp nhận, xử lý tin báo của chị T.H.Y (trú tại huyện Yên Sơn).
Trước đó, tháng 3-2021, chị Y có vay số tiền 3 triệu đồng qua App “Sieudong” với thủ tục đơn giản: gửi ảnh chứng minh thư nhân dân và cho phép App truy cập vào danh bạ điện thoại. Tuy nhiên, chị Y chỉ nhận được 1,2 triệu đồng do các đối tượng giải thích thu lãi, gốc, phí dịch vụ và yêu cầu chị phải trả đủ số tiền 3 triệu đồng trong vòng 7 ngày, nếu chậm nộp sẽ phải chịu phí phạt.
Đến hạn, chị Y chưa có tiền trả, các đối tượng tiếp tục giới thiệu chị vay tiền qua các App khác để trả nợ.
Hình thức cho vay tiền qua App để lại hệ lụy khôn lường khi lãi suất tăng cao.
Đến ngày 9-6, chị Y đã vay tiền của 39 App như: “Cây phát tài”, “vay tốt”, “ví vui vẻ”, “trạm tiền”, “ví chanh”,… với 164 giao dịch vay tiền. Tổng số tiền chị Y phải trả cho các App là gần 480 triệu đồng. Các đối tượng liên tục dùng số điện thoại lạ gọi điện khủng bố tinh thần, đe dọa tính mạng, nhắn tin quấy rối bạn bè, người thân, đồng nghiệp, gây sức ép để chị Y trả tiền.\
Do lo sợ, chị Y đã vay tiền của bạn bè, người thân tổng 124 triệu đồng để trả cho các App, nhưng vẫn còn nợ lại 355,2 triệu đồng. Số tiền lãi liên tục tăng khiến chị Y không đủ khả năng trả nợ.
Công an tỉnh Tuyên Quang cho biết, thực tế, các App cho vay tiền đa phần do những đối tượng hoạt động “tín dụng đen” sử dụng công nghệ cao ẩn dưới dạng cho vay trực tuyến với lãi suất cao. Đề nghị người dân có nhu cầu vay tiền hãy đến ngân hàng, tổ chức tín dụng tin cậy để được tư vấn cụ thể về mức vay, lãi suất, thời hạn trả.
Hiện vụ việc trên, cơ quan Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ, xử lý theo quy định pháp luật.