Cảnh giác với thủ đoạn mới: Những thùng hàng "từ trên trời rơi xuống"

Thứ Tư, 09/12/2020 12:48

|

(CATP) Mới đây, xuất hiện tình trạng dù khách đặt hàng qua các trang mạng hay chưa từng đặt hàng thì nhân viên giao hàng vẫn gọi điện cho chính chủ hoặc người thân, yêu cầu nhận hàng. Do chủ quan không kiểm tra hàng (hoặc người giao không cho kiểm tra), khách đưa số tiền đúng như thông tin trên gói hàng rồi phải... "ngậm quả đắng"!

MUA HÀNG, NHƯNG NHẬN... RÁC!

Sáng 7-12-2020, khi gặp chúng tôi, chị A. (ngụ P.An Phú, Q2) cười buồn: "Không ngờ tôi bị lừa đến lần thứ 2 rồi! Cũng vì quá chủ quan". Chị A. kể, cách đây không lâu, chị vào trang web Shopee đặt mua một số sản phẩm làm đẹp (mặt nạ, mỹ phẩm...), giá chỉ vài trăm ngàn đồng. Mấy hôm trước, chị nhận cuộc gọi từ người giao hàng, hối thúc: "Chị xuống lấy hàng nhanh đi, em còn đi giao chỗ khác". Chị A vội vàng đến nhận. Trên thùng hàng ghi rõ thông tin về đơn vị giao, người nhận, mặt hàng và số tiền nên chị A nghĩ đó là hàng mình đặt mua. Sau khi nhận tiền, gã thanh niên giao hàng vội bỏ đi.

Vào nhà, chị A. mở thùng hàng ra kiểm tra, phát hiện bên trong chỉ toàn giấy và vải vụn. Biết bị lừa, chị A. nhờ ban quản lý chung cư cho xem lại camera thì mới hay gã nhân viên trên có sự tính toán từ trước. Trước khi đến, hắn che chắn biển số xe cẩn thận, lựa chọn những góc xa, né camera an ninh để tránh bị phát hiện.

Đôi dép "chợ trời" được kẻ gian giao hàng và thu gần 500 ngàn đồng

Nghĩ rằng do shop bán hàng online trên làm ăn mất uy tín, lần tiếp theo chị A. đặt mua hàng ở một kênh bán hàng có tiếng trên mạng, nhưng không ngờ tiếp tục sập bẫy lừa. Khi chị liên lạc với chỗ bán hàng, họ bảo hàng chị đặt đã được bên vận chuyển nhận giao. Như vậy, vấn đề đặt ra là bên giao hàng, cụ thể là nhân viên giao hàng đã đánh tráo hàng, thay vào đó là giấy và vải vụn. Vì số tiền không lớn nên cả 2 lần chị A. đều bỏ qua.

MẠO DANH BÊN BÁN ĐỂ GIAO HÀNG GIẢ

Cùng tình cảnh, chị C.T.H.H rất bức xúc khi bị lừa một vố. Do đặt hàng qua trang web Shopee nên trước đi làm, chị dặn chồng nhận và thanh toán giúp nếu có người giao hàng. Đến khi trở về, chị H. hí hửng mở gói hàng (trên in dòng chữ "không cho kiểm tra") ra thì tá hỏa thấy bên trong có đôi dép nhựa giá chỉ vài chục ngàn đồng, trong khi chồng chị phải trả gần 500 ngàn đồng cho đơn hàng. Đáng nói, đây không phải là mặt hàng chị H. đặt mua.

Ngay lập tức, chị H. kiểm tra "app" thì mới biết bên bán chưa giao đơn hàng của chị. Từ vụ việc trên, chị H. cho rằng có thể thông tin mua hàng của mình đã bị kẻ gian "đánh cắp". Khi đăng tải câu chuyện trên trang Facebook cá nhân, chị H. kèm theo lời khuyên: khi nhận hàng mua qua mạng xong, mọi người nên xé tên và địa chỉ trước khi bỏ vào sọt rác, nhằm tránh trường hợp bị kẻ gian lấy thông tin để lừa đảo. Mặt khác, để đảm bảo an toàn, tránh bị lừa, khách hàng nên thanh toán trước trị giá đơn hàng bằng ví Momo hoặc thẻ ATM.

Có người bị mất tiền triệu vì nhân viên giao hàng lừa đảo. Đang chuẩn bị ăn cơm trưa, bà M. nghe tiếng chuông cổng. Trước mặt bà là đôi nam nữ ăn mặc lịch sự, lễ phép chào hỏi. Một trong hai đối tượng nói: "Dạ, chúng cháu là nhân viên giao hàng ạ!". Hỏi ra mới biết cả hai đến giao mỹ phẩm trị giá gần 4 triệu đồng cho con gái bà. Nhìn hàng được gói gém cẩn thận, thông tin in trong phiếu giao hàng đúng tên con mình, nhưng bà M. hơi chần chừ. Lúc này, cặp đôi giao hàng lại bảo công ty rất uy tín, hàng đang được khuyến mại nên giá "mềm". Sợ con gái không có mỹ phẩm xài, bà M. lấy tiền đưa rồi nhận hàng. Đến chiều, con gái bà trở về thì mới biết cô không hề đặt mua mỹ phẩm. Đến khi mở gói hàng ra, mẹ con bà M. càng thêm bức xúc vì bên trong là lọ mỹ phẩm đã quá hạn sử dụng.

ĐỀ PHÒNG SẬP BẪY

Từ những vụ việc trên, chúng ta có thể rút ra thủ đoạn của các đối tượng giả nhân viên giao hàng để lừa đảo. Chúng giả danh "shipper" của các đơn vị vận chuyển. Không loại trừ các đối tượng lợi dụng lỗ hổng từ những ứng dụng bán hàng qua mạng, chiếm đoạt thông tin đặt hàng của người mua. Cũng có trường hợp bị lấy cắp thông tin vì sự sơ hở của khách hàng. Nhiều người khá chủ quan trong việc bảo mật thông tin cá nhân bằng việc để lại số điện thoại, địa chỉ công khai trên các trang mạng xã hội. Điều này tạo cơ hội cho kẻ gian lợi dụng để lừa giao hàng. Hoặc thói quen vứt bao bì gói hàng có đầy đủ tên tuổi, địa chỉ, số điện thoại bên ngoài vào sọt rác cũng có thể dẫn đến bị kẻ gian nắm được và lên kế hoạch giao hàng "ma".

Kẻ giao hàng (vùng khoanh) cho chị H. đứng ở góc khuất, che chắn biển số xe nhằm tránh bị phát hiện

Để tránh trở thành nạn nhân của các "shipper" gian manh, nhất là thời điểm cuối năm, nhu cầu mua sắm tăng cao, người dân cần nâng cao cảnh giác. Khi nhận hàng, cần kiểm tra kỹ thông tin người gởi và hàng hóa bên trong. Nếu không phải chính chủ nhận hàng thì nên xác minh lại việc mua hàng của người thân mình trước khi giao tiền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang