Công an tiếp tục khám xét Cục Đăng kiểm Việt Nam

Thứ Sáu, 06/01/2023 20:17

|

(CATP) Mở rộng vụ môi giới hối lộ, đưa hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác ở các trung tâm đăng kiểm (TTĐK) phương tiện cơ giới đường bộ tại TPHCM và các tỉnh thành, Công an tiếp tục khám xét Cục Đăng kiểm Việt Nam tại địa chỉ 18 đường Phạm Hùng, phường Mỹ Đình, quận Nam Từ Liêm, TP.Hà Nội.

Thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng

Từ 15 giờ ngày 05-01, nhiều xe biển số xanh cùng hàng chục cán bộ công an đã có tại trụ sở Cục Đăng kiểm Việt Nam. Toàn bộ khu vực ra vào Cục Đăng kiểm Việt Nam đều được giám sát chặt chẽ. Nguồn tin của phóng viên xác nhận, việc khám xét để phục vụ cho việc điều tra mở rộng các sai phạm tại các TTĐK xe cơ giới ở TPHCM và nhiều tỉnh thành.

Trước đó, ngày 28-12-2022, Công an TPHCM chủ trì phối hợp với Công an TP.Hà Nội và các đơn vị nghiệp vụ Bộ Công an đã tiến hành khám xét Phòng Kiểm định xe cơ giới, Cục Đăng kiểm Việt Nam để điều tra vụ sai phạm tại một số TTĐK xe cơ giới ở TPHCM và nhiều tỉnh thành. Quá trình khám xét, một số nhân viên giữ tài liệu đang vắng mặt nên công an đã triệu tập đến để tiến hành kiểm tra. Các nhân viên được yêu cầu ngồi ổn định trong phòng để công an phân loại, tiến hành khám xét theo trình tự, thủ tục, quy định của pháp luật. Quá trình khám xét công an thu giữ nhiều tài liệu, hồ sơ, máy móc.

Liên quan đến vụ án, chiều 20-12-2022, Công an TPHCM tổ chức họp báo thông tin về kết quả điều tra ban đầu vụ án "Môi giới hối lộ", "Đưa hối lộ", "Nhận hối lộ", "Giả mạo trong công tác" tại các Trung tâm đăng kiểm phương tiện cơ giới đường bộ trên địa bàn TPHCM và các tỉnh như: Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre.

Theo đó, qua quá trình tuần tra, kiểm soát giao thông, Công an TPHCM phát hiện nhiều phương tiện giao thông đường bộ không đảm bảo an toàn kỹ thuật (xe tải, xe ben cơi nới thành, thùng; mâm không đúng kích thước; lốp mòn; biển số mờ, không đảm bảo tiêu chuẩn khí thải...) nhưng vẫn được cấp Giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới.

Kết hợp thông tin từ các nguồn đơn thư, phản ánh của người dân, kết quả phối hợp trao đổi thông tin của một số Cục nghiệp vụ Bộ Công an và các biện pháp nghiệp vụ, Công an TPHCM phát hiện các dấu hiệu sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ tại một số Trung tâm đăng kiểm.

Lực lượng công an tiến hành thực hiện lệnh khám xét

Qua xác lập các chuyên án để tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh, triệt phá các đường dây tội phạm cũng như xác định rõ vai trò, phương thức thủ đoạn hoạt động của các đối tượng, Công an TPHCM đã chỉ đạo triển khai kế hoạch phá án, tổ chức bắt giữ các đối tượng trong chuyên án, khám xét khẩn cấp tại 9 Trung tâm Đăng kiểm, gồm: 5 Trung tâm do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, cụ thể: TTĐK 62-03D (tỉnh Long An); 71-02D (tỉnh Bến Tre); 83-02D (tỉnh Sóc Trăng); 66-02D (tỉnh Đồng Tháp); 63-03D (tỉnh Tiền Giang); TTĐK 50-15D (TP.Thủ Đức, TPHCM) do Nguyễn Trọng Vĩnh làm giám đốc; TTĐK 50-07V (quận Bình Tân) do Ngô Ngọc Sơn làm giám đốc; TTĐK 50-10D (huyện Củ Chi) do Nguyễn Thanh Tâm làm giám đốc; TTĐK 50-17D (huyện Nhà Bè) do Hồ Hữu Tài làm giám đốc; thu giữ nhiều tài liệu, vật chứng liên quan đến hành vi phạm tội.

Lộ rõ các thủ đoạn trục lợi

Để có tiền chia cho các nhân viên hàng tuần và làm quỹ hoạt động của Trung tâm, giám đốc các TTĐK nêu trên đã chỉ đạo nhân viên Trung tâm (gồm phó giám đốc, đăng kiểm viên, thực tập viên, nhân viên văn phòng...) trong quá trình kiểm định chất lượng và đo tiêu chuẩn khí thải bảo vệ môi trường đã cố ý bỏ qua lỗi vi phạm (thông qua thủ đoạn: bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công, cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, sử dụng phần mềm can thiệp vào hệ thống đăng kiểm để thay đổi thông số kiểm định khí thải...) của hơn 70.000 phương tiện giao thông cơ giới đường bộ của các chủ phương tiện, đối tượng "cò mồi" đưa đến kiểm định, nhằm thu lợi bất chính với số tiền ước tính hơn 10 tỷ đồng.

Nhiều tài liệu liên quan được thu giữ

Đáng chú ý, tại các TTDK do Trần Lập Nghĩa làm giám đốc, Công an TPHCM phát hiện nhóm hành vi "giả mạo trong công tác" với thủ đoạn lập danh sách Đăng kiểm viên nhưng không làm việc tại trung tâm để hợp thức hóa quy định tại Khoản 1 Điều 7 Nghị định 139 ngày 08-10-2018 của Chính phủ quy định về kinh doanh dịch vụ kiểm định xe cơ giới. Chỉ đạo nhân viên cấp dưới giả mạo chữ ký của các Đăng kiểm viên để ký vào các hồ sơ kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ. Qua đó đã cấp khoảng 52.291 Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ cho các xe ôtô đến đăng kiểm trái với quy định.

Hành vi của các đối tượng trong các vụ án trên là đặc biệt nghiêm trọng, ảnh hưởng đến việc giám sát số lượng, chất lượng phương tiện về an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường, trực tiếp xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước; xâm phạm đến trật tự quản lý công cộng; gây thiệt hại cho tài sản của người dân, gây dư luận xấu; nguy cơ gây mất an toàn cho người điều khiển phương tiện và người dân tham gia giao thông trên cả nước, cần phải xử lý nghiêm minh để răn đe phòng ngừa chung.

Đáng nói, tại TTĐK 50-17D, Công an xác định Hồ Hữu Tài (SN 1971, ngụ huyện Nhà Bè) không đi học và không biết chữ, thế nhưng Tài vẫn làm Giám đốc TTĐK này và đưa con rể là Đinh Thành Trung (SN 1993, ngụ huyện Nhà Bè) vào làm nhân viên. Tài và Nguyễn Thanh Phong (SN 1981, ngụ Q1, Chủ tịch HĐQT TTĐK 50-17D) "có chủ trương" cho phép các đăng kiểm viên bỏ qua các lỗi vi phạm như: thắng, đèn... để nhận tiền hối lộ, kéo doanh thu về cho công ty. Khi xe vào đăng kiểm có lỗi, các đăng kiểm viên sẽ báo cho Trung. Sau đó, Trung trực tiếp gặp chủ xe "nói chuyện" hòng bỏ qua các lỗi vi phạm và nhận tiền.

Hiện Công an đang tiếp tục điều tra làm rõ sai phạm xảy ra tại các TTĐK và trách nhiệm trong công tác quản lý Nhà nước, công tác thanh tra, kiểm tra. Trường hợp nếu có sai phạm thì sẽ xử lý nghiêm theo quy định.

Bình luận (0)

Lên đầu trang