Công nghệ hàng hiệu nhái ngày càng tinh vi:

Kỳ cuối: Nhật Bản - "công xưởng sao chép" đến cường quốc thế giới

Thứ Sáu, 06/01/2023 16:16

|

(CATP) Dù Trung Quốc - đất nước tỷ dân có thể dễ dàng bắt chước những món hàng từ bình dân đến thương hiệu đẳng cấp của thế giới với độ tinh xảo khó ngờ, nhưng ít ai biết ngay từ thập niên 60 của thế kỷ XX, Nhật Bản đã "đi trước một bước", trở thành "công xưởng sao chép" từ sản phẩm hàng hóa đến các logo, nhân vật xuất hiện trong truyện tranh và phim hoạt hình... khiến thế giới đi từ ngỡ ngàng này đến bất ngờ khác...

Từ "copycat country"...

Trở thành quốc gia bại trận từ sau Thế chiến II, những chính tinh thần võ sĩ Samurai đã khiến các chuyên gia Nhật Bản quyết tâm vượt mọi khó khăn, không ngừng học hỏi từ các mô hình kinh tế thành công trên thế giới suốt những năm sau đó, nhất là Mỹ, để vươn lên; trong đó có việc các nhà sản xuất của xứ mặt trời mọc tiến hành sao chép đồng thời làm mới một số sản phẩm đã xuất hiện trên thế giới trước đó.

Bằng chứng của "copycat country" còn tồn tại qua những hình ảnh thể hiện các cặp đôi thương hiệu: một bên là bản gốc của các nước phương Tây, còn lại là bản sao đến từ Nhật Bản; phần lớn hàng hóa, hình ảnh, nhân vật truyện tranh, phim hoạt hình... xuất hiện vào khoảng thập niên 60 - 70 của thế kỷ XX.

Suốt chiều dài lịch sử phát triển của mình, trong suy nghĩ của người dân Nhật, hành vi "sao chép" tùy thuộc vào quan điểm ở mỗi quốc gia. Vì lẽ đó, "copycat" theo họ, chính là sự học hỏi với một thái độ cầu thị và mang tính sáng tạo. Văn hóa Nhật Bản quan niệm đây có thể được xem là "sự thích ứng mang tính học hỏi".

Mèo thần tài - biểu tượng may mắn của người Nhật đã được một số cơ sở gốm sứ mô phỏng với chất liệu kém

Lịch sử phát triển của các loại hình nghệ thuật Nhật Bản cho thấy nó thường được tạo ra từ sự học hỏi, nhất là khi một người mới tham khảo ý kiến từ các bậc thầy với tất cả sự tôn trọng cần có.

... Đến trở thành hình mẫu phát triển

Chịu ảnh hưởng sâu sắc từ Trung Quốc, nhưng đến thời kỳ Duy Tân Minh Trị, để tránh bị các nước phương Tây đô hộ, Nhật Bản đã khôn khéo học hỏi mô hình từ chính các quốc gia ngoài Châu Á này để tiến hành cải cách.

Ngay từ thời lập quốc, người Nhật đã ý thức việc học hỏi trong bất kỳ hoàn cảnh nào, sau đó nước này trải qua các làn sóng lớn tiếp thu văn minh bên ngoài một cách ồ ạt; trong đó lần thứ ba là tiếp thu văn minh của Mỹ sau Thế chiến II.

Với mục tiêu hiện đại hóa đất nước, Nhật Bản đã sao chép những gì tinh túy nhất của các nền kinh tế phát triển, tiếp tục nghiên cứu, ứng dụng phù hợp nhất cho đất nước mình.

Những viên chocolate của Meiji (Nhật) ra đời sau 20 năm nhưng giống hệt của Hãng M&M (Mỹ)

Không chỉ học hỏi đường lối cải cách kinh tế của phương Tây, NB còn sao chép máy móc của người Anh và gọi đó là "sự tiếp thu" công nghệ mới, thể hiện tinh thần học hỏi. Các sản phẩm bắt chước thời kỳ này của Nhật Bản vẫn còn thô và chưa tạo được ấn tượng. Chỉ đến trước, trong Thế chiến II và hồi phục thời hậu chiến, Nhật Bản mới tăng cường sao chép sản phẩm từ phương Tây, nhất là trong Thế chiến II, nước này đã tranh thủ đạo nhái vũ khí của nước ngoài và nghiên cứu để thích ứng với quân đội nước mình. Đến thập niên 70 của thế kỷ XX, phương thức "sao chép" từ sản phẩm gia dụng, thực phẩm, hình ảnh trong phim hoạt hình, truyện tranh, xe máy, ôtô, điện tử, điện lạnh, cả lĩnh vực thiết kế thời trang... đã góp phần đưa kinh tế nước này phục hồi nhanh chóng.

Tất cả đều trải qua bước tiếp thu kinh nghiệm từ các nước phương Tây để sao chép một cách sáng tạo, từ đó tìm ra công nghệ cho riêng mình. Bắt đầu từ các sản phẩm bình dân trước, sau đó đến các loại hàng hiệu với yêu cầu khắt khe để tạo lợi thế cạnh tranh. Cứ thế, đến thập niên 80 - 90 của thế kỷ XX, với tinh thần trọng chữ "tín", chính phủ đã thúc đẩy các doanh nghiệp nghiên cứu nâng cao chất lượng, qua đó giúp nền kinh tế Nhật trỗi dậy, khẳng định thương hiệu "Made in Japan" trên trường quốc tế.

Và đến nay, từ "copycat country", nhiều sản phẩm của Nhật đã được một số nước sao chép một cách tinh vi, trong khi nền kinh tế Nhật trở thành hình mẫu để các quốc gia noi theo.

Kỳ 3: Giữa
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang