(CATP) Theo các chuyên gia, sản phẩm bị làm nhái ở TQ ngày càng nhiều, từ đó khiến doanh số của các thương hiệu chính thống sụt giảm, đồng thời cơ quan chức năng cũng tốn không ít chi phí để thực thi quyền sở hữu trí tuệ. Và nghịch lý đã xảy ra khi là thị trường tiêu thụ xa xỉ phẩm hàng đầu thế giới, nhưng ở TQ cũng tiềm ẩn mối đe dọa lớn nhất mà họ phải đối mặt: hàng fake đã bị nhái lại ngay trên "sân nhà”!
Thứ gì cũng nhái!
Đầu năm 2020, những người phụ trách thương hiệu làm đẹp Huaxizi phát hiện hàng loạt sản phẩm của mình bị làm giả và đến tháng 3, họ bắt đầu tuyển dụng lực lượng chống hàng giả trên toàn quốc để giúp xử lý triệt để vấn đề. Từ tháng 7, hàng chục ngàn sản phẩm giả, bao gồm của Huaxizi và các thương hiệu nổi tiếng như Dior, Estee Lauder, SK-II và MAC, trị giá khoảng 1,5 triệu USD, đã bị thu giữ, hơn 20 nghi phạm bị bắt.
Trong khi đó, ở khu "chợ điện thoại" tại TP.Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông và "chợ máy tính" Thiên Hồ cũng bày bán đủ các loại iPhone và những máy tính bảng thương hiệu "quả táo" các đời, kể cả mới nhất. Nếu chỉ nhìn hình dáng bên ngoài, khách hàng, trừ chuyên gia công nghệ, không thể biết đó là hàng nhái, bởi lẽ từ màn hình đến khe cắm, cả lớp hợp kim bọc quanh thân máy cũng y như thật; trong khi cảm ứng chạm, vuốt rất mượt, wifi nhanh như chớp; chỉ khác mỗi dòng chữ phía sau thân máy, không phải iPhone mà là SiPhone...
Theo đó, hàng giả từ giày dép, túi xách, mỹ phẩm, đồng hồ, laptop, máy tính bảng, điện thoại di động cho đến linh kiện xe máy, ôtô, kể cả thuốc chữa bệnh cũng muôn hình vạn trạng với giá rẻ đến mức không thể giảm hơn được nữa.
Riêng nguồn cung linh kiện giá rẻ có thể tìm thấy ở Thâm Quyến; trong khi các mặt hàng công nghệ, cả những dòng tab cảm ứng nhái của các thương hiệu nổi tiếng Apple, Samsung, Nokia... thường được phân phối ở "thiên đường" chuyên về đồ điện tử Hoa Cường Bắc cũng nằm trong khu vực.
Bên cạnh các mặt hàng thời trang, một số thương hiệu đồ uống nổi tiếng như Starbucks, Machi Machi - thương hiệu trà sữa từng xuất hiện trong MV của nam diễn viên - ca sĩ Đài Loan (TQ) Châu Kiệt Luân cũng bị nhái bất chấp pháp luật. Thậm chí, TQ còn có cả tuyến phố toàn những cửa hàng fake nằm ở tỉnh Giang Tô với hàng loạt phiên bản nhái của nhiều thương hiệu quen thuộc như H&M, Zara... Trên thực tế, những cửa hàng này không hoạt động mà được trang trí chỉ để tạo "không khí” nhằm thu hút khách hàng bất động sản tiềm năng.
Hình ảnh con báo của Hãng thời trang Puma biến thành chú mèo trên sản phẩm, trong khi tên thương hiệu lại là Foum
Cuộc chiến hàng nhái chưa có hồi kết
Dù thế giới không phủ nhận khả năng sao chép nguyên xi sản phẩm các thương hiệu lớn của TQ, nhưng do vấn đề bản quyền, một số mẫu mã phải làm cho khác đi để tránh phiền phức, khi từ thương hiệu nổi tiếng cho tới sản phẩm bình dân, đâu đâu cũng thấy bóng dáng hàng fake.
Trong khi đó, nghịch lý đã xuất hiện khi nền tảng thương mại điện tử Pinduoduo của TQ với doanh thu tỷ đô bùng phát một phần vì bán sản phẩm hàng fake của các thương hiệu nổi tiếng, tiếp tục bị nhái với tên nền tảng thương hiệu gần giống là Pinshaoshao, cùng logo và loại sản phẩm, chung cả cung cách phục vụ, khiến một số khách hàng thường mua theo dạng nhóm chung khó nhận dạng thương hiệu. Xuất hiện và tạo được danh tiếng khi kinh doanh các sản phẩm nhái lại "ông hoàng" hàng fake, trong đó có mặt hàng dưỡng tóc Schwarbstrong (nhái thương hiệu Schwartzkopf của Đức), từ lúc chưa được Văn phòng nhãn hiệu Nhà nước TQ phê duyệt, Pinshaoshao vẫn kinh doanh phát đạt. Nguyên nhân có liên quan đến các quy định pháp lý về sở hữu trí tuệ của TQ chưa rõ ràng.
Tình trạng mập mờ về thương hiệu khiến người tiêu dùng "rối não" có thể kể đến Hãng trang phục thể thao Under Armour có "anh em song sinh" tại thị trường tỷ dân TQ là "Uncle Martian" với logo giống hệt, mà chính hãng đành ngậm ngùi nhìn "kẻ đạo nhái" kiếm tiền dựa vào thương hiệu của mình. Pinduoduo khuyến khích khách hàng mua theo nhóm để giảm giá thành, trong khi Pinshaoshao hướng đến mục đích không cần phải mua theo nhóm vẫn được giá rẻ mà lại yên tâm về chất lượng.
Năm 2020, người tiêu dùng TQ nhận cú lừa gây choáng từ thương hiệu Charles & Keith (C&K) phiên bản... fake với cái tên "Cherlss & Keich", mà nếu không phải tín đồ hàng hiệu, không ít người sẽ lầm tưởng "Cherlss & Keich" chính là chi nhánh thực sự của C&K tại TQ, từ logo, font chữ và cả giao diện trên trang web cũng y hệt phiên bản thật.
"Cherlss & Keich" được mở ở Quảng Đông, Tứ Xuyên, Thượng Hải, thuộc sở hữu của một công ty TQ là Quảng Châu Yuantai Leather; trong khi Charles & Keith ở TQ là thương hiệu con của Calvin Kein đến từ Mỹ, đã có gần 100 cửa hàng trên thị trường đông dân nhất thế giới này.
Và như thế, cuộc chiến hàng fake bị nhái vẫn chưa có hồi kết!
(Còn tiếp...)
(CATP) Trừ máy bay riêng và du thuyền, từ năm 2012 Trung Quốc (TQ) đã trở thành nước tiêu thụ "hàng hiệu" lớn của thế giới. Ngoài túi xách, ở bất kỳ nơi nào trên phố, du khách cũng có thể thấy người đi đường, nhất là giới trẻ, mang những đôi giày nhái các thương hiệu đình đám: Adidas, Nike, New Balance... Điều đáng nói là, ngoài Nike hay Adidas đều có một phần sản phẩm sản xuất tại TQ, việc có "cầu" ắt sẽ dẫn đến "cung" khiến nước này dần trở thành nơi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái đứng đầu thế giới.