Công nghệ hàng hiệu nhái ngày càng tinh vi:

Kỳ 2: Thủ phủ của những đôi giày fake

Thứ Tư, 04/01/2023 18:50

|

(CATP) Trừ máy bay riêng và du thuyền, từ năm 2012 Trung Quốc (TQ) đã trở thành nước tiêu thụ "hàng hiệu" lớn của thế giới. Ngoài túi xách, ở bất kỳ nơi nào trên phố, du khách cũng có thể thấy người đi đường, nhất là giới trẻ, mang những đôi giày nhái các thương hiệu đình đám: Adidas, Nike, New Balance... Điều đáng nói là, ngoài Nike hay Adidas đều có một phần sản phẩm sản xuất tại TQ, việc có "cầu" ắt sẽ dẫn đến "cung" khiến nước này dần trở thành nơi sản xuất, tiêu thụ hàng giả, hàng nhái đứng đầu thế giới.

Đến Phủ Điền mua giày Triple S

Trong khi mức sống của người dân TQ ngày càng cải thiện đáng kể, sức mạnh được xem là "vạn năng" của ngành công nghiệp nước này đã giúp tạo nên các sản phẩm nhái thương hiệu cao cấp với mức giá rẻ khó ngờ, không những trở thành "thị trường" nội địa tiềm năng trong nước, mà còn lấn sân sang xuất khẩu. Vào những ngày đầu tháng 3-2018, những tín đồ trung thành của thương hiệu Balenciaga vô cùng hoang mang khi phát hiện dòng chữ "Made in China" trên đế giày Triple S đang được yêu thích của mình, thay vì "Made in Italy" như trước đây.

Lời giải đáp của một đại diện thương hiệu này càng khiến giới cuồng giày lo lắng khi biết địa điểm sản xuất Triple S đã được chuyển từ châu Âu sang TP.Phủ Điền, tỉnh Phúc Kiến, TQ để tiết kiệm chi phí sản xuất, trong khi nơi này vốn là "thủ phủ” của những sản phẩm giày fake với bề dày hàng chục năm, từng khiến nhiều thương hiệu nổi tiếng e ngại và dù Phủ Điền không phải nơi đầu tiên sản xuất giày nhái, nhưng trên thực tế, sản phẩm giày fake ở thành phố này luôn khiến khách hàng bối rối. Câu nói mà khách mua giày thường nghe khi đến đây là: "Trong số 10 đôi giày nhái trên thị trường nội địa đã có 9 đôi xuất phát từ Phủ Điền, và cứ mỗi 3 đôi giày Nike trên thế giới sẽ có 1 đôi được làm nhái từ đây". Công nghệ làm giày fake tại TQ ngày càng phát triển một cách tinh vi. Độ khác nhau giữa giày thật và hàng nhái rất khó phân biệt, kể cả đối với các tín đồ mê giày hiệu.

Năm 2014, Phủ Điền đã có hơn 2.000 nhà máy giày hoạt động. Nhờ giá thành rẻ, nên thu hút được nhiều đại lý trên cả nước đến lấy hàng. Điều đáng nói là giá cả của những đôi giày được điều chỉnh tùy điều kiện kinh tế ở khu vực đó: cùng kiểu dáng, chất liệu như nhau, nhưng nếu cửa hàng nằm gần khu dân cư nhộn nhịp, nơi có nhiều gia đình khá giả thì giá cả sẽ đắt hơn.

Trong một phân xưởng sản xuất giày ở Phủ Điền

Thị trường chợ đen ở Phủ Điền được cho là một trong những nơi sản xuất giày fake lớn nhất TQ, do nơi đây có nhiều thương hiệu lớn đặt nhà máy sản xuất, giúp tạo cơ hội cho các "chuyên gia hàng nhái" có thể dễ dàng tìm kiếm những nguyên liệu tương tự. Một quận nhỏ ở Phủ Điền chỉ ùn tắc giao thông khi màn đêm buông xuống, thời điểm chủ doanh nghiệp và khách tụ tập, trao đổi hàng hóa với nhau, nhất là giày fake. Bất chấp mọi nỗ lực trấn áp của chính quyền địa phương, thị trường giày giả vẫn chưa bao giờ biến mất tại đây. Sản phẩm được phân phối đến mọi nơi ở TQ, các nhà máy có thể sản xuất 3.000 - 4.000 đôi giày fake mỗi ngày.

Trên thực tế, để có thể tạo ra một đôi giày fake thương hiệu cao cấp cần sở hữu một đôi giày thật để từ đó "mổ xẻ” phiên bản gốc nhằm thực hiện sao cho giống nhất. Mức giá chênh lệch giữa một đôi giày chính hãng và fake khá lớn cũng thu hút không ít tín đồ mê giày ngoại, khi đôi Converse x Off-White giá nguyên bản khoảng 1.500 USD thì hàng fake chỉ có... 80 USD!

Người giàu cũng thích ... hàng nhái!

Không chỉ người có thu nhập thấp, một số người giàu TQ cũng thích sử dụng hàng nhái, nhưng họ sẽ lựa chọn một cách tinh vi hơn, bởi dù được sản xuất từ những chất liệu cao nhưng đương nhiên đó chẳng phải hàng thật.

Điều đáng nói là, ngành công nghiệp hàng xa xỉ ở nước này đã góp phần thay đổi tâm lý người tiêu dùng thông qua phân loại đối tượng có hứng thú với hàng fake: đa số là những người trẻ mơ sở hữu những sản phẩm hàng hiệu sang trọng để được công nhận, nên thường chọn hàng fake để có thể thay đổi theo xu hướng, trào lưu. Còn với những người thuộc tầng lớp trung lưu lại thích chọn hàng fake tinh vi vì họ rất ý thức về phong cách, sợ những sản phẩm thô thiển sẽ gây ảnh hưởng tiêu cực đến hình ảnh bản thân. Ngoài ra có thể kể đến những người có thu nhập cao nhưng vì muốn chứng tỏ bản thân nên vẫn chi không ít tiền cho hàng nhái. Chính vì thế, theo các chuyên gia marketing, tình trạng mua sắm hàng hiệu nhái tràn lan có thể được kiểm soát nếu các thương hiệu xa xỉ mở rộng đối tượng khách hàng, đưa ra những sản phẩm đạt chất lượng với giá thành thấp sẽ thu hút không ít người tiêu dùng. Song song với đó cần tập trung tuyên truyền về trách nhiệm xã hội và yếu tố đạo đức để giúp ngăn chặn hàng nhái tràn lan.

(Còn tiếp...)

Kỳ 1: Chíp chống... hàng giả xuất hiện trên túi nhái!
 

Bình luận (0)

Lên đầu trang