(CAO) Danh mục thuốc bảo vệ thực vật được cấp phép sử dụng tại Việt Nam hiện nay khoảng 4.000 tên thương phẩm của nhà sản xuất, 400 hoạt chất đơn, hàng nghìn hoạt chất hỗn hợp và gần 21.000 sản phẩm phân bón. Trung bình 5 năm từ 2015 – 2020, nước ta chi từ 500-700 triệu USD để nhập thuốc bảo vệ thực vật mỗi năm.
Với hàng nghìn sản phẩm bảo vệ thực vật như hiện nay, người nông dân có nhiều lựa chọn tối ưu để phòng trừ dịch hại, tăng năng suất cho cây trồng. Song, cũng vì có quá nhiều nông dược trên thị trường nên nhà nông bối rối, khó phân biệt được sản phẩm và nghiêm trọng hơn là mua phải hàng kém chất lượng, hàng giả, hàng nhái.
Sử dụng nông dược không đạt chuẩn quy định dẫn đến những hệ quả khó lường. Hàng nhái, hàng giả và bất hợp pháp thường chứa ít hoặc không chứa thành phần hoạt chất theo quy định, hoặc chứa các thành phần hoạt chất không được phép sử dụng, hoặc không xác định, không được kiểm nghiệm về hàm lượng, độ độc, có thể gây ra rủi ro bất lợi đối với nông dân, người tiêu dùng và môi trường.
Ngoài ra, do thành phần không rõ ràng nên không thể dự đoán được các tác động về hiệu lực sinh học, cũng như hiệu quả sử dụng, thậm chí có thể gây thiệt hại hoàn toàn cho cây trồng. Các sản phẩm hàng nhái, hàng giả và bất hợp pháp cũng có thể dẫn đến tình trạng dư lượng vượt mức cho phép, thậm chí còn làm tăng tình trạng kháng thuốc ở cây trồng.
Công nghệ in 3D và QR để nhận diện hàng chính hãng của
BayerCác cơ quan quản lý thời gian qua thường xuyên tăng cường công tác kiểm soát, phòng chống hành vi vi phạm trong hoạt động xuất nhập khẩu, sản xuất, vận chuyển, kinh doanh, sử dụng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật. Tháng 4/2021, Cục Bảo vệ thực vật đã triển khai “Chương trình hợp tác giữa Cục Bảo vệ thực vật và Hội doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật Việt Nam (VIPA) giai đoạn 2021-2025”.
Về phía nhà sản xuất, nhiều doanh nghiệp cung ứng thuốc bảo vệ thực vật cũng vào cuộc, triển khai nhiều biện pháp để giúp người nông dân.
Nói về điều này, ông Chu Việt Hà, Giám đốc nhánh Khoa học Cây trồng, Bayer Việt Nam chia sẻ: “Bayer nỗ lực hợp tác cùng bà con nông dân, các đại lý và các cơ quan chức năng kiên quyết chống hàng nhái, hàng giả, hàng kém chất lượng. Công ty cũng quan tâm và có trách nhiệm đối với từng giai đoạn trong chu kỳ phát triển sản phẩm. Cụ thể là từ khâu nghiên cứu, chọn tạo cho đến sản xuất đưa ra thương mại và cuối cùng là đến tay bà con nông dân được kiểm soát chặt chẽ và đưa ra khuyến cáo sử dụng rõ ràng, phù hợp.
Đối với hệ thống đại lý, khách hàng, hệ thống nhà phân phối, Bayer chú trọng chia sẻ kiến thức và hướng dẫn, tập huấn kiến thức liên quan đến bảo quản, vận chuyển và các phương thức quản lý sau đó. Trên mỗi nhãn bao bì sản phẩm đều tuân thủ ghi chú đầy đủ về khuyến cáo sử dụng cũng như trang thiết bị bảo hộ lao động, đặc biệt là găng tay, khẩu trang. Ngoài ra còn có các ghi chú về sử dụng an toàn, dấu hiệu nhận diện cơ chế tác động của thuốc và các chỉ số liên quan phân loại độ độc theo GHS của thuốc trên nhãn bao bì. Qua những dấu hiệu đó, người dùng có thể dễ dàng nắm bắt và sử dụng đúng cách, an toàn và hiệu quả”.
Để giúp nông dân và nhà phân phối phân biệt được các sản phẩm và hạt giống, thuốc bảo vệ thực vật Bayer chính hãng, Bayer đã phát triển CapSeal, Track n Trace, có tính tương tác cao cho các sản phẩm của hãng. Không chỉ nhận diện sản phẩm của công ty qua quan sát trực quan mà còn sử dụng điện thoại thông minh quét mã QR trên bao bì sản phẩm, người dùng sẽ được tiếp cận đầy đủ thông tin về sản phẩm chính hãng Bayer.
Việc truyền thông kiến thức khoa học và cuộc chiến chống hàng giả, hàng nhái đã hiệu quả hơn nhờ ứng dụng công nghệ. Nông dân với chiếc điện thoại thông minh của mình giờ đây đã có thể kiểm tra được nguồn gốc, xuất xứ của các sản phẩm bảo vệ thực vật cũng như chủ động tiếp cận, cập nhật kiến thức mới. Nguyên tắc 4 đúng: “Đúng thuốc, đúng liều lượng, đúng thời điểm, đúng phương pháp” nếu được áp dụng tích cực trong sản xuất nông nghiệp sẽ góp phần phát triển nền sản xuất nông nghiệp xanh, sạch và bền vững.