Cách ly tại nhà, nên thực hiện ngay!

Thứ Sáu, 09/07/2021 12:03

|

(CATP) Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, đặc biệt là ở TPHCM và các tỉnh lân cận, những khu cách ly tập trung (CLTT), các cơ sở điều trị Covid đang ngày càng quá tải, việc TPHCM thí điểm cách ly F1 tại nhà là tất yếu.

Có thể sắp tới F0 không có triệu chứng hoặc ít triệu chứng cũng nên cách ly điều trị tại nhà theo hướng dẫn nghiêm ngặt của Bộ Y tế (YT) và tiến tới sống chung với virus SARS-CoV-2 nếu TPHCM đạt tỷ lệ tiêm chủng đủ. Các quốc gia tiên tiến cũng đang làm như vậy.

Quá tải

Theo thông tin từ Sở YT TPHCM, cho đến nay số ca mắc Covid-19 đang điều trị tại các bệnh viện (BV) trên địa bàn thành phố (TP) đã vượt quá 7.000. Bộ YT dự báo, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn TPHCM còn tiếp tục tăng nhanh trong thời gian tới. Để điều trị các trường hợp mới mắc hoặc những người đang được cách ly không có triệu chứng hoặc chỉ có triệu chứng nhẹ, TPHCM đã đưa vào hoạt động thêm Bệnh viện dã chiến (BVDC) số 3 tại khu nhà tái định cư ở TP.Thủ Đức với quy mô 3.000 giường và BVDC số 4 tại khu nhà tái định cư ở huyện Bình Chánh, quy mô 3.000 giường, nâng tổng công suất thu dung điều trị tại 4 BVDC lên mức 12.000 giường và sẽ nâng lên 15.000 giường trong thời gian tới.

Tính đến 18 giờ ngày 8-7, Việt Nam có 22.487 ca mắc Covid-19 ghi nhận trong nước và 1.898 trường hợp nhập cảnh, riêng TPHCM trong đợt dịch lần thứ tư tính đến chiều 8-7 có 9.066 ca. Qua đó cho thấy diễn biến dịch Covid-19 ở TPHCM đang rất phức tạp, khó lường.

Về các khu CLTT ở TPHCM, theo Thứ trưởng Bộ YT Nguyễn Trường Sơn, hiện cũng đã quá tải, nhiều nhân viên y tế (NVYT), các lực lượng chức năng tại đây đang có biểu hiện quá sức. Ngoài ra, các khu CLTT đông người rất dễ lây nhiễm chéo, khi hàng ngày số ca nhiễm SARS-CoV-2 phát hiện ở các khu cách ly cao hơn nhiều so với số ca phát hiện trong cộng đồng.

Nhân lực YT TPHCM cũng đang quá tải, hiện hàng trăm chiến sĩ thuộc Bộ tư lệnh thành phố cùng hàng nghìn NVYT đang công tác tại các BV ở TP, BV tuyến quận huyện và các BV trực thuộc bộ, ngành được điều động luân phiên đến công tác tại 4 BVDC. Với tinh thần "cả nước vì TPHCM", hiện NVYT từ nhiều tỉnh thành cũng đã đăng ký sẵn sàng lên đường chi viện cho TP chống dịch. Theo Thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn, Bộ YT sẽ điều động khoảng 10.000 NVYT tham gia hỗ trợ cho TPHCM.

Một khu vực cách ly phong tỏa để phòng chống dịch Covid-19

Nên cách ly F1 tại nhà

Với diễn biến dịch phức tạp đang gây áp lực cho các cơ sở YT TPHCM không chỉ trong việc điều trị, mà cả vấn đề giải quyết các ổ dịch mới phát hiện, một số khu vực như ở Q1, cơ quan chức năng xử lý chậm chạp, nguy hiểm, kể cả số ca F1 phải cách ly. Tình hình đó đặt ra nhu cầu cần thiết nên tổ chức cho các F1, trước hết là những ca ít nguy cơ, được cách ly tại nhà.

Hiện một số trường hợp F1 ít nguy cơ lây nhiễm, có điều kiện về nhà ở theo quy định phòng chống (PC) dịch đang được cho phép cách ly tại nhà, xét nghiệm theo quy định và cho kết quả tốt. Đó cũng là cơ sở để ngành YT TPHCM lấy kinh nghiệm, tổ chức triển khai đại trà việc cách ly các F1.

Ngày 8-7, Việt Nam có 1.314 ca mắc Covid-19 mới, trong đó 7 trường hợp được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Khánh Hòa (3), Kiên Giang (2), Tây Ninh (2), 1.307 ca ghi nhận trong nước tại TPHCM (915), Bình Dương (135), Đồng Tháp (108), Khánh Hòa (28), Phú Yên (24), Vĩnh Long (17), Quảng Ngãi (14), An Giang (11), Cà Mau (11), Bắc Giang (9), Bắc Ninh (8), Hà Nội (5), Lâm Đồng (3), Gia Lai (3), Bình Phước (3), Bạc Liêu (2), Trà Vinh (2), Hưng Yên (2), Nghệ An (1), Bình Định (1), Tây Ninh (1), Hậu Giang (1), Kiên Giang (1), Bình Thuận (1), Bến Tre (1), nâng tổng số bệnh nhân Covid-19 tính từ ngày 23-1-2020 đến 18 giờ ngày 8-7-2021 ở nước ta lên 24.385 (gồm 22.487 ca ghi nhận trong nước và 1.898 trường hợp nhập cảnh), trong đó 8.950 bệnh nhân được điều trị khỏi, số trường hợp tử vong: 105.

P.V

Từ ngày 27-6, Bộ YT đã xây dựng Hướng dẫn cách ly y tế (CLYT) tại nhà đảm bảo PC dịch cho các đối tượng thuộc diện F1 để UBNDTP xem xét, áp dụng thí điểm trên địa bàn. Ngày 6-7, Sở YT TPHCM gửi văn bản đến UBND TP.Thủ Đức, Trung tâm y tế TP.Thủ Đức và các quận huyện thông tin về việc thí điểm CLYT tại nhà; bước đầu áp dụng thí điểm tại 8 địa phương thuộc nhóm có nguy cơ (các quận 3, 6, 7, 10, 11, Phú Nhuận, 2 huyện Nhà Bè, Cần Giờ) kể từ ngày 5-7.

Bên cạnh đó cần huấn luyện về trách nhiệm, chuyên môn cho cán bộ chống dịch phường xã; đặc biệt thái độ đối với người cách ly, người nhiễm phải thân thiện và trách nhiệm. Yêu cầu này rất quan trọng để người cách ly hợp tác.

F0 không có triệu chứng cũng nên điều trị tại nhà

Trước tình hình dịch Covid-19 tại TPHCM ghi nhận 3 con số ca nhiễm mỗi ngày và có thể còn tiếp tục kéo dài, các tỉnh trọng điểm kinh tế phía Nam gần TPHCM cũng có số ca nhiễm tăng nhanh, TPHCM, Bình Dương và các tỉnh lân cận có nhiều trường hợp mắc Covid-19 nên áp dụng cách ly F0 tại nhà, để giảm tải.

Theo Sở YT TPHCM, có khoảng 80 - 84% bệnh nhân Covid-19 trong đợt dịch này không có triệu chứng hoặc chỉ xuất hiện triệu chứng nhẹ. So sánh số liệu ở Việt Nam với thế giới, chúng ta thấy rõ ràng là tình trạng ở Việt Nam nhẹ hơn nhiều, trong khi thế giới có 17% ca nặng, Việt Nam chỉ có 3%, do vậy cần tính đến phương án cách ly, điều trị F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ tại nhà, mỗi địa phương nên phân công bác sĩ theo dõi từng địa bàn hoặc phụ trách từng nhóm F0, F1 đang cách ly tại nhà.

Đừng để khu cách ly thành nơi tập trung đông người

Nếu tổ chức tốt việc cách ly F1, F0 không có triệu chứng sẽ giảm tải cho các BV để dành nguồn lực điều trị cho các BN Covid nặng, những BN khác có tỷ lệ tử vong cao như ung thư, người cần cấp cứu khẩn cấp...

PGS-TS Nguyễn Viết Nhung, Giám đốc BV phổi Trung ương, đề xuất cần phân loại F0 thành các nhóm: nhóm có triệu chứng nặng hoặc người già, có bệnh nền mới cần điều trị tại cơ sở YT, nhóm triệu chứng nhẹ như chỉ sốt, ho, đau họng, mất khứu giác nhưng vẫn ăn uống bình thường, chụp X-Quang phổi không bị tổn thương... thì cách ly tại nhà, nên lập đường dây nóng để hỗ trợ cả về tinh thần lẫn chuyên môn cho F0 cách ly điều trị tại nhà. Việc tổ chức cách ly F1, thậm chí F0 tại nhà là bắt buộc phải làm trên cơ sở khoa học, đảm bảo nguyên tắc phòng dịch. Đây cũng là giai đoạn "cầm cự" để ngăn làn sóng Covid ở TPHCM, chờ có đủ lượng vắc-xin để tiêm cho ít nhất 60 - 70% dân số và chuẩn bị phương án sống chung với con virus này vĩnh viễn như Úc, Singapore và các quốc gia châu Âu đang thực hiện.

Sống với virus SARS-CoV-2 ưu tiên số 1 là tiêm vắc-xin đồng thời tuân thủ nghiêm quy định của cơ quan chức năng...

Bộ Y tế chủ trương cách ly F1 tại nhà trên toàn quốc

PGS-TS Nguyễn Thị Liên Hương - Cục trưởng Cục Quản lý môi trường YT - cho biết, thời gian tới, trên cơ sở đánh giá thí điểm cách ly F1 tại nhà ở TPHCM, bộ sẽ xin ý kiến các bộ ngành, địa phương để quyết định việc áp dụng hướng dẫn này trên phạm vi toàn quốc. Tuy nhiên, việc cách ly đối với trường hợp F1 tại nhà phải đáp ứng điều kiện đề ra. Bên cạnh đó, việc cách ly F1 tại nhà cần sự giám sát chặt chẽ của chính quyền địa phương. Các trường hợp F1 không ở tập trung một nơi, mà rải rác nhiều nơi trên địa bàn, vì thế cần bố trí nhiều cán bộ YT, cán bộ chính quyền địa phương theo dõi, giám sát chặt chẽ, đảm bảo không lây nhiễm ra cộng đồng.

Theo hướng dẫn của Bộ YT, đối tượng F1 cách ly tại nhà phải được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 ít nhất 5 lần vào các ngày thứ 1, 7, 14, 20, 28 kể từ khi bắt đầu cách ly.

Cũng theo Cục trưởng Nguyễn Thị Liên Hương, biến chủng virus mới hiện nay lây lan nhanh, nguy cơ lây nhiễm cho các thành viên trong gia đình rất lớn, vì vậy nhà cách ly phải đáp ứng các điều kiện chặt chẽ để đảm bảo an toàn PC dịch trong quá trình cách ly.

Các nước tổ chức cách ly tại nhà như thế nào?

Trên thực tế, từ khi dịch Covid-19 xuất hiện cho đến nay, nhiều nơi trên thế giới áp dụng cách ly tại nhà cho F1 hoặc ca nghi nhiễm để giảm sức ép nguồn lực xã hội.

Theo Cổng thông tin chính phủ Singapore, đảo quốc này phối hợp cả cách ly tại nhà và CLTT cho F1. Nhân viên y tế có trách nhiệm đánh giá nơi lưu trú có phù hợp để cách ly không, người cách ly sẽ được nhân viên giám sát, hàng ngày gọi điện thoại cho NVYT ít nhất 3 lần để thăm khám từ xa và hỗ trợ YT. Nếu người cách ly vi phạm, phải mang thêm thiết bị giám sát điện tử hoặc được yêu cầu CLTT. Singapore còn khuyến khích người dân cách ly tại nhà, được hưởng trợ cấp 100 SGD (khoảng 75 USD) mỗi ngày.

Tại Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Ấn Độ, các F1, F2 được lựa chọn giữa cách ly tại nhà hoặc đến BV hay cơ sở cách ly; thời gian cách ly lý tưởng kéo dài 28 ngày. Ấn Độ, Hàn Quốc thực hiện rất nghiêm khi quy định phạt người tự cách ly 1 năm tù hoặc phạt gần 9.000 USD nếu vi phạm quy định cách ly. Chi phí tự cách ly được chính quyền hỗ trợ và người cách ly được nhận đủ lương nếu đang đi làm.

Cơ quan YT liên bang Mỹ chỉ khuyến cáo trường hợp tiếp xúc gần "nên ở nhà, tránh gặp người khác, theo dõi sức khỏe" trong vòng 14 ngày. Mỗi bang và địa phương lại có những quy định khác nhau về cách ly tại nhà, dựa trên hướng dẫn chung của Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh (CDC).

Bình luận (0)

Lên đầu trang