Thời còn sung sức, ông cùng với 1 người bạn chung nhau mua một miếng đất nhỏ của gia đình trong xóm để đặt máy xay xát. Công việc làm ăn không thuân lợi bởi ông bị tai nạn nên máy móc phải bán.
Người bạn chuyển lại tài sản cho ông khi chân mình bị cụt, ông định xây lại cái “ốt” nhỏ đã xuống cấp để bán nước thì không ngờ chủ cũ lại đòi “cướp” đất của ông với lí do chồng bán bà không biết.
Mua đất để đặt máy xay xát
Ngày 1-12-1991, ông Trần Văn Dung (SN 1955 trú thôn 18, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An) đã hùn chung với ông Phạm Văn Thung (trú xóm 21, cùng địa bàn) mua một miếng đất 24,75 m2 của gia đình ông Đinh Quang Thịnh, bà Phạm Thị Thiện cắt ra từ thửa đất của gia đình với giá 400 ngàn đồng để đặt máy xay gạo làm dịch vụ.
Việc mua bán được thực hiện bằng văn bản tờ giấy viết tay giữa hai bên và người láng giềng làm chứng. Vì diện tích quá ít không đủ để làm giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và xây dựng nhà ở kiên cố nên hai ông không ra chính quyền công chứng và làm thủ tục chuyển nhượng mà họ chỉ giữ tờ giấy giao dịch mua bán và kinh doanh máy xay xát gạo.
Giấy mua bán đất giữa hai bên
Công việc đang ổn định thì bất ngờ cuối năm 1993, ông Dung bị tai nạn lao động cụt mất một chiếc chân và không thể tiếp tục kinh doanh nên cả hai ông bán máy xát và chuyển nhượng mảnh đất có ki ốt trên cho ông Dung. Quá trình hơn 10 năm quản lý thì ông Dung bệnh tật, tai nạn và lâm vào cảnh khó khăn nên ông Dung không có tiền sửa ki ốt để ở.
Và âm mưu chiếm lại
Đầu tháng 12 năm 2013, nhận thấy ki ốt đã xuống cấp, sắp đổ nên ông Dung đã quyết định xây lại ki ốt nhằm buôn bán vặt trong xóm kiếm kế sinh nhai.
Miếng đất được cắt ra từ phía trước nhà bà Thiện
Lúc này, bỗng dưng bà Đặng Thị Thiện không cho múc đất, xây dựng mới với lý do đất này là “đất mượn”, rồi “ông Thịnh bán chứ chúng tôi không biết” và làm đơn lên chính quyền UBND xã Quỳnh Lâm can thiệp với yêu cầu ông Dung phải “trả” lại đất cho gia đình bà và bà sẽ “hỗ trợ” cho ông Dung 15 triệu đồng.
Chính vì sự tranh chấp, mà nói thẳng ra là “cướp” đất của con người tàn tật của bà Thiện khiến công trình bị đình chỉ, ông Dung không xây dựng được và đã bốn lần chính quyền UBND xã Quỳnh Lâm tổ chức hòa giải đều kết luận: “Việc mua bán của hai bên là hợp pháp. Mặc dù không chuyển đổi, nhưng hai gia đình đã báo về địa chính UBND xã và gia đình ông Dung đã sử dụng ổn định suốt từ năm 1991 đến ngày 26-12-2013 là hợp pháp phù hợp với luật đất đai”.
Ông Dung chỉ vào ki ốt đã đổ nhưng không được xây lại
Tuy nhiên, cả bốn lần hòa giải, thỏa thuận của chính quyền đều không được gia đình bà Thiện chấp nhận khiến vụ việc phải đưa ra tòa án phân xử.
Chính quyền địa phương nói gì?
Do tình hình ANTT trên địa bàn có dấu hiệu diễn biến phức tạp sau vụ tranh chấp nên UBND xã Quỳnh Lâm đã báo cáo lên UBND huyện Quỳnh Lưu và ngày 23-6-2015,phó chánh văn phòng UBND huyện Quỳnh Lưu, ông Nguyễn Đình Tố cũng đã ký công văn số 79/TB-UBND thông báo cho chính quyền địa phương với nội dung “Việc mua bán, thỏa thuận giữa hai bên đã thể hiện bằng văn bản đầy đủ. Nếu không hòa giải được đề nghị bà Thiện khởi kiện ra tòa dân sự”.
Tiếp nhận được đơn khởi kiện của bà Đặng Thị Thiện, ngày 16-10-2015, tòa án nhân dân huyện Quỳnh Lưu đã có giấy triệu tập phiên tòa sau khi đã ra quyết định đưa vụ án ra xét xử sau quá trình thụ lý vụ án. Tuy nhiên, sau hai lần triệu tập phiên tòa thì mới đây, ngày 27-10-2015, lại tiếp tục bị hoãn vì lý do sức khỏe luật sư bên bị đơn không đảm bảo.
UBND xã đã 4 lần hòa giải không thành
Trao đổi với ông Nguyễn Bá Tình, chủ tịch UBND xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu vào cuối giờ buổi sáng ngày 30-10 về việc tranh chấp đất như trên của hai gia đình thì ông Nguyễn Bá Tình cho biết: “Việc mua bán, chuyển nhượng của hai bên là hợp pháp và đúng pháp luật quy định, gia đình ông Dung đã sử dụng ổn định gần 15 năm nay là phù hợp với luật đất đai.
Ông Dung là người tàn tật, cụt chân do tai nạn lao động nên việc ông sửa lại ki ốt để bán nước kiếm kế sinh hai là phù hợp. Còn việc gia đình bà Thiện cậy thế sức mạnh từ các người con trai và (ông Thịnh chồng bà Thiện) đã mất để mưu đồ chiếm lại đất đó là không được, còn hòa giải không thành ,chính quyền buộc phải đề nghị cả hai đưa vụ việc ra tòa là hợp lý”.
Thông báo của UBND huyện Quỳnh Lưu
Quyết định hoãn phiên tòa
Ông Tình cũng cho biết: “Hiện ông Dung đang hết sức khó khăn với chiếc chân cụt chưa có chế độ gì, sắp tới chúng tôi sẽ hướng dẫn gia đình làm thủ tục tạo điều kiện cho ông được hưởng chế độ tàn tật để ông đỡ khó khăn hơn”.
Như vậy, việc mua bán đất đai (mà thực chất chỉ là một miếng chỉ đủ cho một chiếc xe ô tô loại nhỏ đậu) của ông Dung là hợp pháp, đúng quy định. Theo ông Dung nếu gia đình bà Thiện cư xử đúng thì bàn bạc và xin mua lại số diện tích trên để các con dễ bề làm ăn thì ông cũng không từ chối.
Ông Trần Văn Dung bị tai nạn cụt chân khó kiếm kế sinh nhai
Tuy nhiên, vì gia đình bà Thiện cậy thế đông nên vu khống ông “cho mượn” và “đòi lại” thì lẽ nào sau khi cho mượn muốn lấy lại lại phải “hỗ trợ” cho người mượn 15 triệu đồng?
Chưa nói đến việc bà Thiện không đưa ra được một giấy tờ gì chứng minh việc ông Dung “mượn” đất của gia đình bà suốt gần 15 năm qua. Trao đổi với một luật sư đoàn luật sư Nghệ An thì vị này cũng cho biết “Việc khởi kiện của gia đình bà Thiện hoàn toàn không có cơ sở và chắc chắn bà Thiện sẽ thất bại!”