Hai đường dây cho vay nặng lãi gần 100 tỷ đồng
Ngày 18-3-2022, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đắk Nông cho biết, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Phạm Thị Huyền (SN 1986) và 2 vợ chồng K’Krang (SN 1965), H’Dô (SN 1970), cùng trú tại huyện Đắk G’long để điều tra, làm rõ về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Công an bắt quả tang các đối tượng về hành cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự - Ảnh: Công an cung cấp
Theo thông tin ban đầu, đầu năm 2020, Phạm Thị Huyền bắt đầu hoạt động cho vay tiền với lãi suất cao từ 4000đ/1 triệu/1 ngày đến 6000đ/1 triệu/1 ngày (tương đương lãi suất từ 144% đến 216%/ năm. Huyền cho vay dưới 2 hình thức là ngắn hạn và dài hạn. Huyền tập trung cho vay những người dân tộc thiểu số, thiếu hiểu biết và khó khăn về nguồn vốn nhưng lại có nhiều đất canh tác.
Lê Văn Tuấn tại cơ quan Công an - Ảnh: Công an cung cấp
Sau khi những người này vay với lãi suất cao thường không có khả năng thanh toán nên phải bán đất cho Huyền để thanh toán nợ. Đến khoảng tháng 6 năm 2020 Huyền móc nối với vợ chồng K’Krang và H’Dô (là hàng xóm với Huyền) để tìm người vay với thỏa thuận khi có khách vay tiền thì vợ chồng K’Krang sẽ trực tiếp giao dịch thỏa thuận, sau đó báo cho Huyền biết lượng tiền cho vay để Huyền chuyển tiền đến cho vợ chồng K’Krang đưa cho người vay với lãi suất 4000đ/1 triệu/1 ngày. Khi khách trả nợ Huyền sẽ trích lại một phần tiền lãi cho vợ chồng K’Krang.
Đối với khách đến vay tiền trực tiếp, Huyền thường viết giấy vay mượn tiền hoặc yêu cầu người vay viết giấy bán đất cho Huyền và thế chấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Lãi suất từ 3000đ đến 6000đ/1 triệu/1 ngày. Khi đến hạn nhưng không trả được thì người vay phải làm thủ tục sang nhượng đất cho Huyền.
Với những phương thức, thủ đoạn đó, từ đầu năm 2020 đến tháng 2 năm 2022 các đối tượng đã cho người dân vay trên 300 lượt với số tiền cho vay hơn 30 tỷ đồng, thu lợi bất chính khoảng trên 3 tỷ đồng.
Công an làm việc với K’Krang - Ảnh: Công an cung cấp
Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Lê Văn Tuấn (SN 1975), trú tại phường Nghĩa Phú, TP.Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông để điều tra, làm rõ về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Theo kết quả điều tra ban đầu, sau khi mở tiệm cầm đồ tại tổ dân phố 2, phường Nghĩa Phú, Tuấn cho người dân vay tiền để đáo hạn ngân hàng hoặc tiêu dùng dưới 2 hình thức ngắn hạn và dài hạn với lãi suất từ 2000 đồng/1 triệu/1 ngày đến 5000 đồng/1 triệu/1 ngày (tương ứng với mức lãi suất từ 72%/1 năm đến 180%/1 năm. Đối với hình thức vay ngắn hạn thì Tuấn thu lãi và gốc cùng lúc, còn hình thức cho vay dài hạn, Tuấn thu lãi theo tuần hoặc tháng.
Công an làm việc với Phạm Thị Huyền - Ảnh: Công an cung cấp
Đối với người lạ, Tuấn yêu cầu những người vay phải đặt lại giấy tờ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hồ sơ giấy phép lái xe, các văn bằng chứng chỉ…) để đảm bảo cho việc vay nợ. Qúa trình điều tra, đến ngày 15/1, Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh đã bắt giữ Lê Văn Tuấn về hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự, đồng thời thu giữ các đồ vật, tài liệu liên quan đến hành vi cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự... Bước đầu xác định, Tuấn đã cho 528 lượt người vay với tổng số tiền là trên 52 tỷ đồng.
Nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi
Trước những hệ lụy từ việc cho vay nặng lãi, Ban Giám đốc Công an tỉnh đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương tập trung lực lượng, xác lập chuyên án, triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, đấu tranh quyết liệt với tội phạm cho vay lãi nặng.
Đồng thời chủ động phối hợp với ngành chức năng đẩy mạnh công tác tuyên truyền tới mọi tầng lớp nhân dân về phương thức, thủ đoạn và hệ lụy của hoạt động vay, mượn tiền liên quan đến “tín dụng đen”; chủ động nắm chắc tình hình, quản lý chặt chẽ địa bàn, đối tượng, nhất là các đối tượng hình sự, nghiện ma túy, thanh thiếu niên hư… nhằm hạn chế việc các đối tượng này tham gia hoặc tiếp tay cho hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê.
Người dân cần cẩn thận trong các hoạt động tín dụng - Ảnh minh họa
Bên cạnh việc chú trọng nâng cao hiệu quả công tác quản lý Nhà nước đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện về an ninh trật tự, tập trung xử lý nghiêm các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu hoạt động “tín dụng đen”; tập trung lực lượng “đánh mạnh”, “đánh trúng” các ổ nhóm, đối tượng hoạt động cho vay lãi nặng, lợi dụng kinh doanh dịch vụ cầm đồ, cho vay tài chính vi phạm pháp luật.
Trong năm 2021, lực lượng Công an toàn tỉnh đã phát hiện, tiếp nhận, xử lý 6 vụ, 9 đối tượng liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”, trong đó có 1 vụ cố ý gây thương tích và 5 vụ cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự.
Phương thức thủ đoạn chủ yếu là, các đối tượng cho vay lợi dụng sự thiếu hiểu biết, khó khăn về kinh tế của một bộ phận người dân, các đối tượng tổ chức phát, dán tờ rơi ở các khu dân cư, chợ, ngã tư, ngã ba, cột đèn điện... với những nội dung rất hấp dẫn như “cho vay không cần thế chấp, nhận tiền ngay trong ngày”; “a lo là có tiền” kèm theo số điện thoại liên lạc, vay tiền với các thủ tục rất đơn giản, nhanh gọn, có tiền ngay... nhưng thực chất đây là cái “bẫy” vay tiền với lãi suất cao.
Các đối tượng hoạt động “tín dụng đen” thường núp bóng dưới vỏ bọc như: Cơ sở cầm đồ; cơ sở kinh doanh; công ty tài chính; cá nhân, tổ chức đứng ra cho vay hoặc một số đối tượng cho vay là những đối tượng có tiền án tiền sự, chúng cho vay với lãi suất rất cao từ từ 100% đến 300%/1 năm, thậm chí đến 700%/1 năm.
Để trốn tránh sự phát hiện, xử lý của cơ quan chức năng, các đối tượng yêu cầu người vay ghi giấy nợ, giấy thế chấp tài sản ... với lãi suất thấp đúng bằng với quy đinh của Nhà nước, hoặc không thể hiện lãi suất nhưng trên thực tế người vay phải trả lãi suất rất cao.
Với việc liên tục tấn công, trấn áp mạnh mẽ, quyết liệt với các loại tội phạm mà hoạt động “tín dụng đen”, đòi nợ thuê trên địa bàn đã được kiềm chế và ngăn chặn nhưng vẫn tiềm ẩn nguy cơ, ảnh hưởng đến ANTT. Do đó cùng với sự vào cuộc quyết liệt của lực lượng Công an thì mỗi người dân cần hết sức cảnh giác, thận trọng trong các hoạt động tín dụng, nhất là với các cá nhân.