Chiếc áo đỏ oan nghiệt
Theo nội dung cáo trạng, đêm 2-6-2015, trên cầu Lương Thế Trân thuộc ấp Năm Đảm, xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước (Cà Mau) xảy ra một vụ cướp.
Nạn nhân là anh Lâm Chí Nhẫn vừa chạy xe máy vừa nghe ĐTDĐ thì bị ba đối tượng cúp đầu xe, đánh tới tấp.
Khi anh Nhẫn té ngã còn bị một tên dùng dao nhọn đâm vào vai, cướp chiếc ĐTDĐ rồi cả ba lên xe tẩu thoát.
Anh Nhẫn đến công an xã Thạnh Phú trình báo nhưng được hướng dẫn đến công an xã Lương Thế Trân là địa bàn xảy ra vụ án. Lúc này vết thương chảy nhiều máu, một người bạn của Nhẫn tên Phạm Hoàng Tỷ làm dân phòng xã Thạnh Phú đưa nạn nhân đến trạm y tế băng bó, sau đó hai người chạy đi tìm các đối tượng gây án.
Khoảng 23 giờ cùng ngày, anh Nhẫn chạy ngang qua quán 797 thuộc ấp Bà Điều, xã Lý Văn Lâm, TP Cà Mau nhìn thấy một thanh niên mặc áo thun màu đỏ đang ngồi nhậu cùng hai thanh niên khác, Nhẫn kêu Tỷ đứng quan sát các đối tượng còn mình chạy đi báo công an.
Theo nhận dạng của nạn nhân, ba đối tượng gây án đi hai xe máy, một chiếc hiệu Exciter màu đỏ- đen, một chiếc không rõ nhãn hiệu và biển số. Đối tượng dùng dao đâm nạn nhân mặc áo màu đỏ, tóc nhuộm vàng có uốn mái phía trước.
Lập tức ba thanh niên khả nghi bị áp giải về công an xã gồm Lê Minh Nhựt (SN 19-11-1998, ngụ ấp Bà Điều), Nguyễn Hoàng Khang (SN 1995) và Nguyễn Vũ Ca (SN 1996, cùng ngụ ấp Trại Lưới B, xã Lâm Hải, huyện Năm Căn).
Các bị cáo tại phiên tòa
Ai là thủ phạm?
Cơ sở đầu tiên và quan trọng nhất để kết tội các đối tượng là nhận dạng của nạn nhân. Anh Nhẫn xác nhận ba thanh niên đánh anh có một người mặc áo thun màu đỏ, một người mặc áo sọc ca-rô đen trắng, một người mặc áo thun ngắn tay màu vàng hoặc xanh đọt chuối, cả ba cùng mặc quần soọt.
Tuy nhiên, cơ quan điều tra lại thu giữ tang vật gồm một áo thun màu đỏ, một áo sơ mi sọc ca- rô đen trắng, một áo sơ mi kiểu Jean dài tay màu xanh và hai chiếc quần jean không ghi rõ dài hay ngắn.
Làm chứng cho chi tiết này, anh Nguyễn Đình Cần, chủ quán 797 cho biết, theo qui định của quán tất cả các nhân viên nam đều phải mặc quần dài khi làm việc. Ngày 2-6, Nhựt mặc quần dài đi làm, đến khi bị bắt cũng vẫn mặc quần dài. Gia đình Nhựt ở nhà trọ trong con hẻm nằm đối diện quán 797 nên thường ngày Nhựt đi bộ đến quán, buổi tối xảy ra vụ án Nhựt cũng đi bộ, vì vậy công an chỉ thu giữ được xe máy của Ca, không có xe máy của Nhựt.
Ông Lê Văn Mỹ, cha của Nhựt cho biết, mấy ngày sau khi xảy ra vụ án, công an xã điện thoại hỏi ông biển số, số khung, số máy của chiếc xe này rồi đến nhà lấy đi.
Dù không được triệu tập, anh Nguyễn Đình Cần vẫn đến dự phiên tòa, cung cấp nhiều chứng cứ quan trọng bị “bỏ quên”.
Đó là chi tiết đêm 2-6, quán 797 rất đông khách nhưng chỉ có 3 nhân viên phục vụ, nếu vắng mặt một người sẽ ảnh hưởng đến công việc và bị phát hiện ngay.
Mặt khác quán cũng qui định nhân viên đi ra ngoài phải xin phép, nếu không sẽ bị phạt trừ lương.
Trong khoảng thời gian từ 22 giờ đến 23 giờ quán hoạt động bình thường, Nhựt vừa chạy bàn vừa nhậu cùng hai người bạn, không rời khỏi quán. Các nhân chứng khác gồm Nguyễn Minh Phúc (quản lý quán), Nguyễn Chí Hiếu (nhân viên phục vụ), Nguyễn Thị Kim Chi (vợ chủ quán) đều có lời khai xác nhận Nhựt không rời khỏi quán, họ vẫn nhìn thấy Nhựt bê đồ ăn cho khách. Vậy Nhựt cùng Khang, Ca đi gây án lúc nào?.
Bị cáo tại phiên tòa
Nạn nhân Lâm Chí Nhẫn cho biết, anh bị đánh lúc 22 giờ 25 phút, đến CA xã trình báo lúc 22 giờ 45 phút. Trong vòng 20 phút các bị cáo có thể chạy từ quán 797 đến cầu Lương Thế Trân cách xa hơn 3km, thực hiện các hành vi đánh người, cướp điện thoại, đem điện thoại đi bán rồi trở về quán tiếp tục ăn nhậu mà không bị ai phát hiện?
Chưa kể, theo diễn giải của đại diện VKS, khi rời khỏi quán Khang và Ca chạy trước, Nhựt về nhà lấy xe chạy theo. Sau khi cướp và bán điện thoại Nhựt lại về nhà cất xe, thay quần soọt thành quần dài rồi mới quay lại quán! Giữa đêm khuya, làm sao Nhựt bán được điện thoại một cách nhanh chóng mà không bị người mua nghi ngờ?.
Mặt khác, dù không thu hồi được điện thoại nhưng căn cứ vào lời khai của nạn nhân, cơ quan tiến hành tố tụng vẫn định giá tài sản để làm bằng chứng buộc tội các bị cáo cũng như yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Một chứng cứ buộc tội được VKS đặc biệt lưu ý là mái tóc nhuộm vàng của Nhựt. Từ khi bị bắt giam đến ngày ra tòa xét xử, các cơ quan tố tụng không cho Nhựt cắt tóc nhằm “giữ nguyên hiện trạng”. Tuy nhiên khi bị luật sư thẩm vấn, nạn nhân lại bối rối không dám khẳng định điều này, bởi lẽ đối tượng đánh anh Nhẫn đội nón bảo hiểm, dưới ánh đèn đường mờ nhạt lại bị đánh đau, hoảng loạn tinh thần, làm sao nạn nhân nhìn chính xác màu tóc của thủ phạm?.
Cha mẹ bị tước quyền giám hộ
Tính đến ngày bị bắt, Lê Minh Nhựt mới 16 tuổi 4 tháng, theo qui định của pháp luật cha mẹ là người giám hộ đương nhiên của trẻ vị thành niên, thế nhưng suốt quá trình điều tra vợ chồng ông Lê Văn Mỹ không được mời tham gia tố tụng để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho con mình, kể cả khi họ làm đơn yêu cầu.
Lạ lùng là từ cấp xã đến huyện đều chỉ mời đại diện Đoàn thanh niên giám hộ cho Nhựt, duy nhất một biên bản làm việc ngày 12-6 (ngày Nhựt bị bắt giam) có chữ ký của ông Mỹ nhưng ông này cho biết không chứng kiến, chỉ ký tên vào biên bản đã ghi sẵn. Ngoài ra nhiều biên bản ghi lời khai và tờ tự nhận của Nhựt không có người giám hộ.
Trả lời việc ông Mỹ khiếu nại “đòi” quyền giám hộ, công tố viên tại phiên tòa lý giải ngoài đại diện đoàn thanh niên, cơ quan tố tụng còn cử luật sư tham gia từ giai đoạn điều tra song bị gia đình bị cáo từ chối.
Ông Mỹ bức xúc: "Trong khi con tôi kêu oan, luật sư xem hồ sơ xong bảo “Con ông bà nhận tội rồi còn khiếu nại cái gì?”, chính vì thế vợ chồng ông Mỹ đã từ chối luật sư chỉ định và hủy cả hợp đồng với luật sư mà họ tốn tiền thuê để trợ giúp pháp lý. Chỉ đến khi luật sư Trần Thị Ánh từ TP.HCM về Cà Mau tiếp xúc với bị cáo Nhựt, lời kêu oan cùng những tình tiết kỳ lạ của vụ án mới được đưa ra tranh tụng. Và không riêng Nhựt, bị cáo Khang cũng thay đổi lời khai dù trước đó được cho là thành khẩn nhận tội.
Kết thúc phiên tòa ngày 4-12, Hội đồng xét xử quyết định trả hồ sơ điều tra bổ sung. Ai nấy đều hy vọng vụ án sớm được làm sáng tỏ bằng những chứng cứ thuyết phục và đúng pháp luật.