Ngày 5/4, tin từ Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, vừa ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam nhóm 6 đối tượng (trong đó có 3 người nước ngoài) để điều tra về hành vi “lừa đảo chiếm đoạt tài sản”. Qua mạng xã hội, nhóm này chủ động nhắn tin, gọi điện làm quen với nhiều phụ nữ đứng tuổi đề lừa đảo chiếm đoạt hàng tỷ đồng ở nhiều tỉnh, thành; đặc biệt có một "quý bà" bị lừa hơn 13 tỷ đồng.
Theo Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai, mặc dù thời gian qua lực lượng công an phối hợp với báo, đài nhiều lần tổ chức tuyên truyền, cảnh báo cho người dân biết rõ về các thủ đoạn của tội phạm lừa đảo trên mạng xã hội, nhưng nhiều người vẫn mất cảnh giác với kẻ gian. Đặc biệt là các phụ nữ đứng tuổi, có nhu cầu “tình cảm”, xuất ngoại... liên tiếp rơi “bẫy” dẫn đến gia đình tan nát, tiền mất tật mang mà không dám thổ lộ cùng ai.
Điển hình là một số trường hợp dưới đây.
Sau nhiều đêm đắn đo, suy nghĩ, vào khoảng cuối tháng 6-2020, bà N.T.K (52 tuổi, ngụ P.Phước Tân, TP.Biên Hòa) mới mạnh dạn đến Công an tỉnh Đồng Nai kêu cứu rồi trình báo bị lừa mất 2,9 tỷ đồng. Cụ thể, trong những lần dạo chơi trên mạng xã hội Zalo, tình cờ bà làm quen với một đối tượng người nước ngoài có tên M.Anderson, tự nhận là quốc tịch Mỹ. Chỉ sau thời gian ngắn trò chuyện qua lại, người đàn ông này giới thiệu là lính Mỹ đang chiến đấu ở chiến trường Afghanistan, có một khoản tiền lớn gần 1 triệu USD sau thời gian nhập ngũ nhưng hiện tại chưa biết phải làm gì, có nhã ý muốn gửi tặng bà K. để thể hiện tấm chân tình. Nhưng do là người khác quốc gia, để nhận được món quà này bà K. phải đóng một khoản phí và thuế “bôi trơn” để nhân viên hàng không tận tình giúp đỡ chuyển trót lọt về Việt Nam.
Đối tượng Emeka cầm đầu tại Việt Nam
Trong lúc đang khát khao tình cảm, bà K. bỗng có cảm giác cứ như lâng lâng trong người, vì vừa được tình lại được tiền mà không chút cảnh giác gì về trò lừa đảo cũ rích này. Chỉ trong khoảng thời gian chưa đầy 1 tuần, bà K. đã nhiều lần chuyển số tiền gần 2,9 tỷ đồng đến các tài khoản của một người tự xưng là “nhân viên hàng không” để được "bôi trơn" thủ tục. Nhưng sau khi tiền đã gửi mà chờ mãi không thấy quà đến, hết gọi điện rồi gửi mail vào chàng lính Mỹ và nhân viên hải quan thì không nhận được bất cứ một phản hồi nào. Đến lúc này bà K. mới tỉnh ngộ ra rằng mình đã bị lừa.
Cũng giống như bà K., vào khoảng tháng 8-2020, bà N.T.H (ngụ TP.Biên Hòa) được người thân đưa đến cơ quan công an trình báo bị một nhóm đối tượng lừa gửi tiền vào tài khoản riêng chiếm đoạt hơn 1,6 tỷ đồng. Trong phi vụ này, các đối tượng trên tự xưng là người Anh, người Mỹ có số tiền lớn trong ngân hàng nhưng đang vướng thủ tục để nhận, cần một khoảng tiền để “bôi trơn”. Các đối tượng này yêu cầu bà H. chuyển tiền vào tài khoản rồi sẽ được trả lãi suất cao. Sau khoảng một tháng nộp tiền vào nhiều tài khoản khác nhau do các đối tượng cung cấp, bà H. đem câu chuyện này khoe một người bạn thân thì mới phát hiện đã bị lừa.
Theo cơ quan công an, trong những vụ lừa đảo với thủ đoạn trên, số tiền bị chiếm đoạt lớn nhất là phải kể đến trường hợp của bà L. (ngụ P.Tân Phong, TP.Biên Hòa). Vào tháng 4-2020, trong lúc lên Facebook chơi, bà L. được một số đối tượng chủ động làm quen rồi tự xưng là các doanh nhân thành đạt ở nước ngoài. Không biết họ nói chuyện với nhau như thế nào, nhưng chỉ khoảng thời gian ngắn họ bảo bà L. chuyển hơn 13 tỷ đồng để thực hiện dự án tại nước ngoài với lời hứa sẽ trả lại tiền cùng lãi suất cao rồi “hô biến” cả một tập đoàn.
Các đối tượng bị bắt
Sau khi Công an tỉnh Đồng Nai liên tiếp nhận được nhiều đơn tố giác của các "quý bà", nhận thấy thủ đoạn lừa đảo này không mới, nhưng vẫn có nhiều phụ nữ nhẹ dạ cả tin “sập bẫy” mất đi khoảng tiền khá lớn nên Ban giám đốc Công an tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Phòng cảnh sát hình sự chủ trì, phối hợp với các phòng nghiệp vụ và các điều tra viên thuộc Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao vào cuộc điều tra, truy tìm theo dấu vết để bắt cho bằng được các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Sau thời gian vào cuộc, CQĐT nhận định phần lớn các đối tượng lừa đảo đều ở nước ngoài, sử dụng mạng xã hội để kết nối với các nạn nhân nên quá trình điều tra gặp rất nhiều khó khăn. Hơn nữa, toàn bộ số tiền các đối tượng chiếm đoạt của các nạn nhân đã nhanh chóng được chuyển qua nhiều tài khoản ngân hàng khác nhau và sau đó được rút ra từ nước ngoài bằng thẻ visa. Nhưng CQĐT đã lưu ý đến một số trường hợp các đối tượng rút tiền tại Việt Nam.
Trong quá trình điều tra, công an xác minh trong vụ lừa 1,6 tỷ đồng của bà H. thì xác định được có một tài khoản mang tên Nguyễn Thị Hương (ngụ tại TX.Bến Cát, tỉnh Bình Dương) đã tiếp nhận số tiền 300 triệu đồng. Từ tài khoản này, các điều tra viên đã lần tìm ra được nơi ở của chủ nhân tài khoản và tiến hành bắt giữ để bắt đầu cho cuộc điều tra mở rộng.
Qua đấu tranh làm rõ thì Hương chính là người có liên quan đến đường dây lừa đảo này. Cụ thể, sau khi lập tài khoản cá nhân, Hương đã cho một số đối tượng mượn để dùng vào việc nhận tiền từ các nạn nhân để lấy tiền hoa hồng. Mặc dù biết rõ hành vi trên là không đúng, vi phạm pháp luật, nhưng Hương vẫn tiếp tay cho các đối tượng lừa đảo là vì muốn tìm cơ hội lấy lại số tiền mà bà đã từng bị các đối tượng lừa trước đó cùng với thủ đoạn tương tự.
Sau khi Hương bị bắt giam, lần lượt Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt giữ 5 đối tượng, gồm: Daillo Micheal (29 tuổi, quốc tịch Giunea), Samuel (28 tuổi, quốc tịch Nigeria), Emeka (29 tuổi, quốc tịch Nigeria), Bùi Thị Nghi (30 tuổi, quê tỉnh An Giang) và Cáp Xuân Thùy (23 tuổi, quê tỉnh Sóc Trăng).
Để lừa đảo chiếm đoạt tài sản, các đối tượng này đã thuê 1 căn hộ chung cư ở TPHCM làm “đại bản doanh” để thực hiện các phi vụ. Hai đối tượng Nghi và Thùy đã sống chung với Daillo Micheal và Samuel như vợ chồng để cùng thực hiện hành vi lừa đảo.
Ngoài ra, CQĐT cho biết, trong đường dây lừa đảo này có một đối tượng cầm đầu ở nước ngoài đứng ra điều hành. Phương châm lừa đảo của nhóm này là nhắm vào những phụ nữ có tiền nhưng đứng tuổi, sống đơn thân, không có chồng… chúng nắm rõ được yếu điểm của những người này là khát khao tình cảm nên chủ động làm quen rồi cùng đồng bọn giăng bẫy lừa. Hai đối tượng Nghi và Thùy luôn đóng vai trò là “nhân viên hải quan”, đối tượng Emeka nói chuyện trực tiếp và cho tài khoản để các nạn nhân chuyển tiền.
Để có được các tài khoản và thẻ ATM, Emeka đã đặt mua từ nhiều người hoặc thuê với giá từ 10-20 triệu đồng/thẻ/tháng. Sau khi bắt giữ, công an đã thu giữ của đối tượng này hơn 10 thẻ ATM mang tên của nhiều người khác nhau.
Sau khi vừa nhận được tiền, ngay lập tức 4 đối tượng Daillo Micheal, Samuel, Nghi và Thùy có nhiệm vụ sử dụng các thẻ ATM mà Emeka cung cấp đến các ngân hàng ở khu vực TPHCM rút tiền rồi nhanh chóng chuyển vào tài khoản cho đối tượng ở nước ngoài. Cứ mỗi phi vụ thành công, nhóm đối tượng này được các đối tượng ở nước ngoài trả tiền công từ 1-3%/tổng số tiền giao dịch.
Trong quá trình lừa đảo các đối tượng chỉ liên hệ qua tin nhắn Zalo, Facebook. Bước đầu điều tra, từ lời khai của các đối tượng, cơ quan công an xác định có rất nhiều nạn nhân “sập bẫy” băng nhóm này, có nhiều vụ số tiền lên đến hàng chục tỷ đồng. Nhưng do các đối tượng này chỉ liên lạc với các nạn nhân qua mạng xã hội nên CQĐT khó tìm ra được các bị hại từng là nạn nhân để liên lạc làm việc.
Qua Báo CATP, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đề nghị những ai từng là nạn nhân của nhóm đối tượng trên hãy nhanh chóng đến Đội phòng chống tội phạm công nghệ cao (Phòng cảnh sát hình sự Công an tỉnh Đồng Nai) để làm việc.