(CAO) Cơ quan Cảnh sát Điều tra Công an TP.HCM đang điều tra đơn của bà Nguyễn Nam Trân (SN 1937, ngụ đường Hồng Bàng, P.12, Q.5, TP.HCM) tố giác bị các đối tượng giả danh Công an Hà Nội lừa đảo chiếm đoạt số tiền 6,6 tỷ đồng.
Cụ thể, 13 giờ ngày 19-10-2016, bà Trân đang ở nhà thì nhận được điện thoại từ một người phụ nữ xưng là nhân viên tổng đài VNPT thông báo bà có đăng ký sử dụng thuê bao cố định tại Hà Nội và đang thiếu số tiền cước là 893.000 đồng. Sau khi cung cấp các thông tin cá nhân của mình, bà Trân được chuyển máy đến gặp người đàn ông xưng là Thiếu úy Trần Quốc Tuấn - Cán bộ Công an Hà Nội.
Qua điện thoại, thiếu úy Tuấn cho biết bà liên quan đến đường dây tội phạm rửa tiền rất phức tạp và hướng dẫn bà Trân bấm số 04.38961314 để báo án. Sau khi bấm số điện thoại được cung cấp, bà Trân gặp một người xưng là Trung tá Nguyễn Văn Nhật, người của Cơ quan Điều tra Công an Hà Nội. Trung tá Nhật thông báo bà có 2 tài khoản ngân hàng tại Hà Nội, trong các tài khoản này có số tiền lớn đang bị khóa để theo dõi. Song song đó, ông Nhật yêu cầu bà Trân cung cấp thông tin về tài sản hiện có.
Khi được bà Trân cho biết hiện đang có hơn 6 tỷ đồng gửi tiết kiệm, Trung tá Nhật yêu cầu bà Trân chuyển hết số tiền này vào các tài khoản do cơ quan điều tra cung cấp để kiểm tra và sẽ trả lại trong vòng 2 giờ. Do sợ dính líu đến pháp luật, từ ngày 19-10-2016 đến ngày 21-10-2016, bà Trân đến ngân hàng thực hiện chuyển tổng cộng số tiền 6,6 tỷ đồng vào các tài khoản do Trung tá Nguyễn Văn Nhật cung cấp.
Cũng bằng chiêu thức trên, ngày 12-8-2016, bà Phạm Kim Phượng (nhà ở Bến Phú Định, Q.8) được “cán bộ điều tra” yêu cầu chuyển khoản 500 triệu đồng để kiểm tra nguồn gốc và tiền của bà đã “một đi không trờ lại”. Ngày 28-2-2017, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Hồ Chí Minh tiếp nhận đơn của bà Lê Thị Oanh( SN 1943, ngụ Nguyễn Văn Đậu, P.11, Q.Bình Thạnh) tố giác bị lừa đảo chiếm đoạt số tiền 1,7 tỷ đồng vào tháng 12-2016.
Các trường hợp trên do trình báo cơ quan công an quá chậm (các đối tượng thường rút tiền trong khoảng 24 giờ sau khi nạn nhân chuyển) nên cơ quan công an không kịp phong tỏa tài sản, giữ tiền cho nạn nhân.
Quá trình điều tra, cơ quan công an xác định có các tài khoản dưới đây được sử dụng để nhận tiền lừa đảo. Cụ thể:
Để phục vụ công tác điều tra, xác minh, truy tìm bị hại của vụ án, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đề nghị các cá nhân bị lừa đảo với thủ đoạn vừa nêu đã chuyển tiền vào các tài khoản ngân trên, liên hệ Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM (Đội 8 – PC46), số 324 Hòa Hưng, P.13, Q.10, TP.HCM, ĐT: 083.8640508, gặp Điều tra viên Phạm Ân để giải quyết. Quá 2 tháng kể từ ngày đăng tin, đề nghị bị hại liên hệ Công an địa phương để được giải quyết.