Y có cái tên rất lạ: Lý Quả. Năm 2020, Lý Quả đã bước vào tuổi 58, cái tuổi lẽ ra được sống trong cảnh ấm êm, đề huề cùng con cháu. Nhưng y không có diễm phúc ấy, bởi đã đi trên con đường bất lương, hại người trong thời gian dài.
Sinh ra và lớn lên ở quê biển Bình Sơn (tỉnh Quảng Ngãi), nhưng Lý Quả lại là đứa trẻ ham chơi hơn ham học, dấn thân vào con đường trộm cắp, cướp tài sản. Quả cùng đồng bọn thực hiện trót lọt nhiều vụ trộm cắp, cướp tài sản, để rồi phải khăn gói vào Trại giam Kim Sơn (Bình Định), với bản án 9 năm tù ở tuổi 17.
Trong thời gian ăn cơm tù, Lý Quả kết thân với phạm nhân Nguyễn Ngọc Anh. Đúng là "ngưu tầm ngưu, mã tầm mã”, cả hai tỏ ra ăn năn, hối cải để sớm được ra tù thực hiện "mộng lớn": Đi cướp để đổi đời (!).
Thế rồi bản án cũng đã chấp hành xong, Lý Quả cùng Ngọc Anh khoác tay nhau rời trại giam, nhưng không về quê mà xuống núi, sống cuộc đời lang bạt ở Bình Định và Phú Yên. Tại đây, Lý Quả và Ngọc Anh chiêu mộ thêm 8 đối tượng bất hảo, mang nhiều tiền án, tiền sự; thành lập băng cướp do cả hai cùng cầm đầu. Trong thời gan ngắn (từ tháng 7 đến 10-1989), băng cướp này gây ra 23 vụ trộm, cướp, chủ yếu trên địa bàn hai tỉnh Bình Định và Phú Yên, gieo rắc bao nỗi kinh hoàng cho người dân.
Hành vi của Lý Quả và đồng bọn vô cùng táo bạo, liều lĩnh, tàn độc. Khoảng 2 giờ một ngày đầu tháng 9-1989, Lý Quả cùng 3 tên đồng bọn đến dốc An Trung (Phú Yên), phát hiện ôtô do anh Nguyễn Văn Hữu điều khiển đậu bên đường, chúng đập vỡ kính, mở cửa xe, khống chế tài xế, cướp túi xách trong có 1,3 triệu đồng.
Anh Hữu giằng lại tài sản, bị Lý Quả đánh gậy sắt vào mặt và đầu gây trọng thương. Sau đó, Lý Quả cùng đồng bọn ngược lên miền núi Gia Lai và Kon Tum, cướp 1 triệu đồng của Xí nghiệp Chăn nuôi Trà Bá tại TX.Pleiku (nay là TP.Pleiku, Gia Lai).
Thực hiện chiến dịch truy quét tội phạm trên địa bàn, Công an tỉnh Bình Định bắt giữ nhiều băng, nhóm trộm cắp, cướp tài sản. Qua đó, tìm ra manh mối băng cướp của Lý Quả. Xác lập chuyên án đấu tranh, lãnh đạo Công an tỉnh và Ban chuyên án chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự phối hợp với Công an các địa phương tung trinh sát vào cuộc quyết liệt điều tra.
Đến cuối tháng 12-1989, Công an tỉnh xóa sổ băng cướp này, trong đó có kẻ cầm đầu Lý Quả. Tình tiết tái phạm nguy hiểm buộc Lý Quả phải nhận bản án 20 năm tù về tội cướp tài sản và được đưa đến Trại giam Gia Trung (Gia Lai) thụ án.
Lý Quả lại âm thầm tính toán đến việc trốn khỏi nơi giam. Thời điểm năm 1994 trở về trước, trại giam không được kiên cố lắm, nên kế hoạch trốn trại của Lý Quả cũng không quá khó. Tối 25-9-1994, lợi dụng trời mưa to, y cùng một phạm nhân khác cưa song sắt bỏ trốn rồi lang bạt nhiều nơi.
Cuộc truy bắt sau đó bất thành, giám thị Trại giam Gia Trung ra quyết định truy nã Lý Quả trên toàn quốc. Kể từ đó, trong các chiến dịch truy bắt tội phạm truy nã, cái tên Lý Quả luôn được lưu tâm. Nhưng suốt 25 năm, bóng dáng gã vẫn bặt tăm.
Thực hiện chỉ đạo của Bộ Công an về mở đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm trên toàn quốc, tháng 11-2018, Công an Trại giam Gia Trung xây dựng kế hoạch, tiếp tục truy bắt đối tượng khét tiếng một thời: Lý Quả. Phối hợp với công an các địa phương, các đơn vị nghiệp vụ, nhất là thực hiện công tác quần chúng, lực lượng trinh sát Trại giam Gia Trung được người dân báo tin Lý Quả đã có vợ, con và đang sống tại xã đảo An Sơn (H.Kiên Hải, Kiên Giang), làm nghề đi biển.
Đại tá Nguyễn Đình Ba (Trưởng Ban chuyên án truy nã) chỉ đạo các trinh sát khẩn trương đến Kiên Giang, phối hợp với công an địa phương truy bắt bằng được Lý Quả. Ngày 9-4-2019, tổ công tác có mặt tại xã đảo An Sơn. Công tác xác minh cho thấy, ở đây không có ai tên Lý Quả, chỉ có ngư dân tên Lý Hùng (tự Hùng "sida") có đặc điểm nhận dạng trùng khớp với Lý Quả.
Lý Hùng rất giỏi nghề biển, đã có vợ và 2 con. Đặc biệt, y sống rất được lòng bà con chòm xóm và đồng nghiệp, nên chính quyền địa phương cũng như nhân dân chẳng ai nghi ngờ. Nhưng các trinh sát Trại giam Gia Trung lại tăng nghi ngờ vì dù sống tại đây đã lâu, nhưng Lý Hùng không đăng ký thường trú và không có giấy CMND. Sau khi bí mật xác minh thêm một số thông tin cần thiết, các trinh sát khẳng định: Lý Hùng chính là Lý Quả.
Vị trí đặc thù An Sơn là xã đảo, xung quanh rất nhiều đảo lớn, nhỏ. Ngư dân vùng này thường đánh bắt xa bờ, mỗi chuyến đi kéo dài cả tháng mới trở về. Với một tên cướp liều lĩnh, manh động như Lý Quả, chỉ cần "đánh hơi" được là y dễ dàng bỏ trốn bằng đường biển, việc truy bắt càng khó khăn hơn.
Do đó, lãnh đạo Trại giam Gia Trung bàn thảo phương án bắt giữ đối tượng một cách tỉ mỉ. Lường trước những tình huống có thể xảy ra, các trinh sát quyết định biện pháp bắt y một cách êm thấm là nhờ UBND xã An Sơn mời Lý Quả lên làm việc về các thủ tục hành chính cần thiết. Khi lý Quả vừa bước vào phòng, một trinh sát nghiêm giọng: "Lý Quả, mời anh ngồi xuống".
Gương mặt ngư dân Lý Hùng bỗng tái xám, nhưng gã kịp trấn tĩnh và nói chắc: "Anh nhầm rồi, tôi là Lý Hùng". Nói rồi y vội quay đầu, đi ra ngoài. Ngay lập tức, trinh sát áp sát, đưa y trở vào, ấn xuống ghế: "Anh đừng ngoan cố nữa. Tốt nhất anh nên thật thà khai báo hành trình trốn chạy 25 năm qua, mới mong được hưởng khoan hồng của pháp luật".
Lý Quả cúi gằm mặt, miệng lí nhí: "Tôi biết tội rồi! Mong các anh giảm nhẹ...". Nói rồi Lý Quả khai nhận, sau khi trốn khỏi Trại giam Gia Trung, y lẩn tránh ở nhiều nơi. Thấy vùng biển An Sơn này phù hợp chuyện làm ăn, y quyết định dừng chân, rồi lấy vợ, sinh con, sống những tháng ngày còn lại của đời người, hòng khỏa lấp món nợ chưa trả xong của pháp luật.