Ký sự pháp đình:

Trượt ngã lúc "hoàng hôn nhiệm kỳ"

Thứ Ba, 31/12/2019 14:27

|

(CAO) Chiều 30-12-2019, sau 4 ngày đưa vụ án ra xét xử, Hội đồng xét xử TAND tỉnh Phú Yên đã tuyên phạt bị cáo (BC) Lê Văn Phước (61 tuổi), cựu Chánh án TAND tỉnh Phú Yên 15 năm 6 tháng tù giam về tội tham ô tài sản.

Ba BC từng là thuộc cấp của cựu chánh án, gồm: Trương Công Lộc (59 tuổi), phụ trách kế toán, 17 năm tù; Huỳnh Thị Nhã Nhàn (49 tuổi), thủ quỹ, 15 năm tù và Ngô Thị Phương Thảo (30 tuổi), kế toán viên, 3 năm tù - cùng tội danh.

Tại toà, nhiều vấn đề được làm rõ, lộ chân tướng một nguyên lãnh đạo ngành toà án cấp tỉnh, được đào tạo đến nơi đến chốn, nhưng thiếu tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất, đạo đức, để vướng vòng lao lý. BC Phước phải thốt lên: "Tôi rất xấu hổ, nhục nhã khi đứng ở đây"!

Chiếm đoạt tiền ngân sách cả địa phương lẫn Trung ương

Theo cáo trạng của VKS, vào các năm 2010-2016, BC Phước khi đó là Chánh án TAND tỉnh Phú Yên đã thống nhất trong lãnh đạo TAND tỉnh về chủ trương xin hỗ trợ kinh phí ngân sách địa phương và chỉ đạo BC Lộc soạn thảo nhiều văn bản trình mình ký, xin UBND tỉnh hỗ trợ kinh phí chi các hoạt động thường xuyên của ngành Toà án: tập huấn hội thẩm nhân dân, xét xử lưu động và một số hoạt động khác...

Được UBND tỉnh Phú Yên duyệt cấp kinh phí, BC Lộc đã lập chứng từ trình BC Phước ký duyệt và giao BC Nhàn quản lý, theo dõi chi.

Bị cáo Phước (áo trắng, ngồi) cùng 3 thuộc cấp. Do tuổi cao, sức khoẻ yếu, bị cáo Phước được HĐXX đặc cách cho ngồi nghe tuyên án. Ảnh: HỮU TOÀN

Tuy nhiên, khi thấy nguồn ngân sách Trung ương do TAND Tối cao giao về để chi cho hoạt động ngành, BC Phước chỉ đạo BC Lộc chi bằng nguồn ngân sách Trung ương, còn nguồn ngân sách được UBND tỉnh cấp hàng năm để tồn.

Theo nguyên tắc tài chính, TAND tỉnh Phú Yên phải báo cáo trả lại số tiền tồn hàng năm này cho UBND tỉnh hoặc xin chuyển sang năm sau sử dụng. Tuy nhiên, BC Lộc trình báo và được các BC Phước, Nhàn và từ năm 2014 có thêm BC Thảo tham gia, thống nhất lấy số tiền tồn đó chia nhau sử dụng cá nhân rồi lập khống chứng từ quyết toán.

Để tránh bị kiểm tra phát hiện, BC Lộc lập và trình BC Phước ký báo cáo tài chính không thể hiện nguồn ngân sách địa phương cấp hỗ trợ. Bằng thủ đoạn này, cựu chánh án cùng 3 thuộc cấp đã chiếm đoạt gần 703 triệu đồng ngân sách tỉnh Phú Yên.

Với nguồn ngân sách Trung ương, từ năm 2012 đến năm 2016, các BC "phù phép" hồ sơ, thể hiện việc chi hết cho các hoạt động của ngành, tồn bằng 0, chiếm đoạt tổng cộng 1 tỷ 155 triệu đồng.

Riêng đợt cuối năm 2013, "liên minh ma quỷ" này chia nhau thêm hơn 320 triệu đồng là tiền tồn quỹ ở TAND tỉnh bằng thủ đoạn hợp thức hóa thu - chi. Trong vai trò người đứng đầu, BC Phước đồng loã và dặn BC Lộc "làm cho cẩn thận".

"Ăn" không từ khoản nào

Ngoài ra - cũng theo cáo trạng, từ tháng 6- 2013 đến tháng 8-2017, các BC đã thông đồng làm giả 4 năm lương của thẩm phán V.X.H. - nguyên Chánh tòa hình sự TAND tỉnh Phú Yên nghỉ hưu, với số tiền 15,2 triệu đồng/tháng để chia nhau, chiếm đoạt hơn 1 tỷ đồng.

Thẩm phán H. nghỉ hưu từ ngày 1-6-2013, nhưng BC Lộc không báo việc này với kho bạc mà vẫn kê khai danh sách nhận lương, sau đó gã nhập tên người thân của mình thay vào tên thẩm phán H. rồi mở tài khoản trên danh sách trả tiền lương của cán bộ TAND tỉnh, gởi đến ngân hàng.

Một tháng sau đó, Lộc kể thật với Phước về việc làm gian dối này và viện lý do, nếu không "làm" nữa sẽ bị phát hiện và đề xuất tiếp tục làm khống chứng từ lương ông H. để "ăn chia". BC Phước không cản mà dặn BC Lộc "làm cho khéo, cẩn thận". Số tiền chiếm đoạt được, mỗi tháng BC Lộc lấy đưa 6-10 triệu đồng cho BC Phước.

Từ tháng 9-2014, khi BC Thảo vào làm kế toán, sợ bị phát hiện, BC Lộc chủ động mỗi tháng đưa cho nữ kế toán viên này 2 triệu đồng. Tổng số tiền 2 BC Phước, Lộc chiếm đoạt do gian dối tiền lương là hơn 1,11 tỉ đồng; Thảo 43,4 triệu đồng. Tổng số tiền 4 BC tham ô chiếm đoạt các khoản là hơn 2,8 tỉ đồng.

Tại toà, các BC Lộc, Nhàn thừa nhận hành vi phạm tội của mình, cho rằng, do được sự đồng ý và có ăn chia với BC Phước. BC Nhàn khai, đưa tiền cho BC Lộc để đưa BC Phước, còn BC Lộc có đưa BC Phước không, BC không rõ, nhưng theo BC, chắc chắn có sự chỉ đạo của BC Phước, chuyện "rút" tiền chia nhau mới kéo dài trơn tru, cho đến khi sự việc bị bại lộ.

BC Lộc khai không nhớ đã đưa cho BC Phước bao nhiêu lần tiền, không có ghi âm, chụp hình làm chứng vì cả hai đã công tác cùng nhau nhiều năm. Cựu chánh án TAND tỉnh Phú Yên thừa nhận ký giấy tờ sai, nhưng phủ nhận tiền chia chác như lời khai của các thuộc cấp, không thừa nhận hành vi tham ô.

Đại diện VKS bác phủ nhận này, cho rằng, sự việc diễn ra trong thời gian dài, BC Phước phải biết đã nhận tiền gì và thông đồng, khiến các BC dưới quyền có điều kiện thực hiện hành vi tham ô, chia chác. BC Phước thừa nhận có nhận tiền 1 lần từ BC Lộc, nhưng không biết đó là tiền BC Lộc gian dối, hợp thức hoá chứng từ, nếu biết đã không nhận (!?).

Cáo trạng cũng nêu thêm chi tiết khó chấp nhận về BC Phước. Theo đó, từ ngày 11 đến 25-6-2011, Lê Văn Phước được cử tham gia lớp bồi dưỡng ngắn hạn về "công tác phòng, chống tham nhũng" tại Hàn Quốc. Dù đã nhận được 900 USD tiền tiêu vặt do ban tổ chức lớp bồi dưỡng chi, nhưng khi về nước, Phước vẫn chỉ đạo Lộc làm chứng từ khống, kê tiền tiêu vặt gần 9,3 triệu đồng (khoảng 450 USD) để TAND tỉnh Phú Yên chi tiếp cho mình.

Riêng BC Lộc còn chiếm đoạt hơn 43 triệu đồng tiền may trang phục cho cán bộ mới vào ngành của TAND tỉnh Phú Yên vào năm 2013.

HĐXX buộc BC Phước phải bồi thường 1 tỉ 25 triệu đồng, BC Lộc bồi thường 1 tỉ 12 triệu đồng, BC Nhàn bồi thường 528 triệu, BC Thảo bồi thường 83 triệu; buộc 2 BC Phước, Lộc bồi hoàn ông Nguyễn Phi Đô - nguyên Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Yên 195 triệu đồng, do trước đó, ông Phi Đô đã bỏ tiền túi khắc phục hậu quả, do đã ký duyệt bảng lương BC Lộc soạn thảo gian dối khi BC Phước đi vắng, uỷ quyền. Ông Đô được xác định không có tư lợi gì mà chỉ thiếu kiểm tra, kiểm soát khi duyệt chi chứng từ. Dù vậy, ông cũng bị TAND Tối cao xử lý, giải quyết cho thôi việc.

Những ngày xét xử, vụ án thu hút đông đảo báo giới, người dân, cán bộ trong các ngành bảo vệ pháp luật tại tỉnh Phú Yên tham dự, theo dõi vì "nhân vật đặc biệt" BC Phước nguyên là người đứng đầu ngành toà án tỉnh này, từng là "chủ nhân" của trụ sở TAND tỉnh Phú Yên giờ ở một thân phận khác.

Đại diện VKS nhận định: quá trình sai phạm của BC Lộc, BC Phước biết và có sự chỉ đạo. Lộc chỉ có trình độ trung cấp kế toán, không đủ tiêu chuẩn làm kế toán nhưng vẫn được phân công làm kế toán rồi được bổ nhiệm phụ trách kế toán. Nhiều cán bộ TAND Phú Yên đã nhiều lần có ý kiến với Phước việc này; đồng thời phản ánh các dấu hiệu sai phạm của Lộc nhưng chánh án Phước vẫn bỏ qua.

Phước là người am hiểu pháp luật, có nhiều năm làm công tác lãnh đạo, quản lý trong ngành Tư pháp, được đi nghiên cứu, học tập công tác phòng chống tham nhũng ở nước ngoài nên biết cách che giấu hành vi. Việc Phước không thừa nhận hành vi, cho rằng, khi phát hiện hành vi của Lộc, Phước đã chỉ đạo cho kiểm tra... là do sự việc đã bại lộ, Phước nhằm trốn tránh trách nhiệm.

Lê Văn Phước được bổ nhiệm Chánh án TAND tỉnh Phú Yên, nhiệm kỳ 2013-2018. Thời điểm này, có nhiều lùm xùm về việc chánh án có gian lận trong việc sửa tuổi, ông Phước sau đó thừa nhận với báo chí, thực chất ông SN 1953, tức thời điểm được bổ nhiệm Chánh án đã tròn 60 tuổi. Còn năm sinh trên giấy tờ công tác (tháng 12-1958) là do cha mẹ ông đã sửa từ nhỏ để phù hợp độ tuổi đi học, do hoàn cảnh nhà nghèo, không được học đúng tuổi, đến khi đi học phải khai tuổi nhỏ lại.

Ông Nguyễn Phi Đô bản tính hiền lành, không tai tiếng, khi đó được nhiều người ủng hộ, nhưng đường quan lộ kém may mắn hơn ông Phước. Kết cục ngược lại. Đúng là ai "tham thì thâm".

Bình luận (0)

Lên đầu trang