(CAO) Trong khi các cơ quan chức năng đang làm rõ những lời khai của Trương Hồ Phương Nga và Nguyễn Đức Thùy Dung trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt 16,5 tỉ đồng của đại gia Cao Toàn Mỹ (SN 1977, Giám đốc Công ty V.C) thì các luật sư đã kiến nghị yêu cầu làm rõ nhiều góc khuất của vụ án như "hợp đồng tình dục", kịch bản vụ án, các nhân vật trong lời khai của Phương Nga.
Dư luận đang quan tâm trong vụ án hoa hậu Phương Nga liệu có kịch bản nào hay không, các nhân vật Nga khai tại tòa là ai? Nếu điều tra bổ sung xác định có hợp đồng tình dục thì thế nào và Phương Nga có thể kiện ngược lại đại gia tội vu khống hay không?
(CAO) Ngày 28-9, TAND TP.HCM đã nhận được bản kiến nghị của một luật sư bào chữa cho một trong hai bị cáo yêu cầu các cơ quan chức năng làm rõ “hợp đồng tình dục” được cho là của đại gia Cao Toàn Mỹ gởi cho hoa hậu Phương Nga gây xôn xao dư luận trong những ngày qua.
Có một kịch bản nào không?
Luật sư Nguyễn Thị Hồng Việt (nguyên Chánh Văn phòng TAND TP.HCM, đã nghỉ hưu) bào chữa cho bị cáo Nguyễn Đức Thùy Dung phân tích: Trong vụ án này có nhiều góc khuất chưa được làm rõ và cần được Công an, Viện kiểm sát cũng như Tòa án phải làm rõ.
Theo luật sư Hồng Việt, điều cần làm đó là phải làm cho ra lẽ hợp đồng tình dục mà các bị cáo khai tại tòa cũng như nội dung email dung tục lan truyền trên mạng xã hội gây chấn động dư luận trong 10 ngày qua. Làm rõ được nội dung hợp đồng tình dục này thì nhiều vấn đề sẽ được vén màng và sáng tỏ hơn.
Thêm vào đó, các nhân vật bí ẩn trong lời khai của hoa hậu Phương Nga cũng cần phải được triệu tập như chị Tâm, chị Mai Phương, bốn người đàn ông lạ mà Phương Nga cho rằng là xã hội đen bắt ép ký vào hợp đồng mua bán nhà.
Luật sư Việt đặt nghi vấn, liệu có một kịch bản nào được dựng sẵn để đưa Phương Nga vào vòng lao lý hay không?
(CAO) Phiên tòa xét xử hoa hậu Phương Nga được dư luận đặc biệt quan tâm bởi vì ngoài khung hình phạt lên đến chung thân thì hoa hậu này còn đối diện những điều thị phi về quan hệ giữa chân dài, đại gia và hàng loạt lùm xùm khác.
Bên cạnh đó, tội danh lừa đảo cũng cần phải được xem xét bởi vì số tiền mà ông Cao Toàn Mỹ chuyển cho Phương Nga từ năm 2012 nhưng đến năm 2015 mới có những giấy tờ giả. Vậy đã hợp với tội danh lừa đảo hay chưa?
Tất cả những vấn đề từ lời khai của hai bị cáo Dung và Nga, lời trần tình của đại gia Cao Toàn Mỹ cần phải được làm rõ để trắng đen được phân minh.
Trong khi đó, luật sư Ngô Đình Hoàng (Đoàn Luật sư TP.HCM) nêu rõ: Ở vụ án đình đám này, có 2 vấn đề nổi bật đó là Phương Nga bị truy tố về "Tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản" và khi ra tòa thì xuất hiện "hợp đồng tình cảm". Vậy thì Phương Nga có bị khép tội lừa đảo hay không? Nếu thật có "hợp đồng tình cảm" thì xử lý thế nào? Hai vấn đề này có liên quan với nhau hay tách biệt độc lập với nhau?
Vậy giả sử có thật bản "hợp đồng tình cảm" thì thế nào?
Theo luật sư Ngô Đình Hoàng, tội “Lừa đảo chiếm đoạn tài sản" thì Nga đã bị khởi tố, kết luận điều tra, truy tố và ra cáo trạng rồi. Như vậy dĩ nhiên là dấu hiệu phạm tội đã rõ, có bằng chứng về tội này.
Nhưng từ "dấu hiệu phạm tội" đến "kết luận có phạm tội", từ "có bằng chứng phạm tội" đến việc bằng chứng phạm tội đó có đúng sự thật khách quan hay không? có được dùng làm cơ sở để định tội hay không thì lại là việc khác. Mà phiên tòa là nơi để làm sáng tỏ sự thực khách quan, xem xét toàn diện vụ án, để dẫn đến định đoạt (của hội đồng xét xử) là có phạm "Tội lừa đảo chiếm đoạn tài sản" hay không.
Phương Nga tại tòa
Thực tế, diễn biến phiên tòa cho thấy có nhiều điều còn uẩn khuất, chưa được làm sáng tỏ, việc điều tra chưa toàn diện, chưa làm rõ sự thực khách quan của vụ án nên tòa đã tuyên trả hồ sơ để điều tra bổ sung. Và nguyên do trả hồ sơ bổ sung chính là việc xuất hiện "hợp đồng tình cảm" kèm những tình tiết, thông tin có liên quan.
Nếu điều tra bổ sung xác định có tồn tại bản "hợp đồng tình cảm" Nga - Mỹ, nội dung bản hợp đồng này có liên quan đến chuyện tiền bạc và trùng khớp hoặc liên quan mật thiết, hữu cơ với các khoản tiền mà Nga nhận của Mỹ trong tố cáo "lừa đảo" thì Nga sẽ thoát tội lừa đảo, trắng án.
Nếu việc chuyển tiền, thanh toán tiền giữa Mỹ và Nga trong vụ tố cáo lừa đảo không liên quan gì đến việc thanh toán tiền theo "hợp đồng tình ái" thì Nga vẫn bị truy tố tội lừa đảo như thường.
Pháp luật dân sự Việt Nam không có quy định về loại hợp đồng này. Loại giao dịch này không được pháp luật bảo vệ. Cho nên nếu có tồn tại bản hợp đồng này và có đưa ra tranh chấp thì đường lối xét xử là tuyên hợp đồng vô hiệu, nghĩa là không công nhận bản hợp đồng này. Việc xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu là trên nguyên tắc "các bên trả lại nhau những gì đã nhận của nhau, nếu có hưởng lợi từ giao dịch thì sẽ bị tịch thu phần hưởng lợi bất chính đó".
Tóm lại, Phương Nga có thể bị khép tội hoặc trắng án tùy thuộc vào kết quả điều tra bổ sung mà phần lớn có liên quan đến "hợp đồng tình cảm". Nhưng cho dù bị tội hay không mà nếu Phương Nga xác nhận, hoặc có bằng chứng rõ ràng Nga đã nhận tiền của Mỹ (mà không phải mục đích cho, tặng) thì Nga phải trả tiền lại cho Mỹ.
Điều tra bổ sung không có tội lừa đảo thì thế nào?
Luật sư Ngô Đình Hoàng nhấn mạnh: Nếu điều tra bổ sung xác định không có sự lừa đảo mà do ông Mỹ gài bẫy bà Nga để chuyển khoản tiền “tình phí” (đương nhiên ông Mỹ phải trả theo “hợp đồng”) thành khoản tiền “đầu tư làm ăn” thì bà Nga có thể kiện ngược lại ông Mỹ tội “Vu khống”.
Thậm chí, điều tra ra bản “hợp đồng tình cảm” kia là có thật, nội dung xác định được bà Nga - ông Mỹ sống chung như vợ chồng thì còn bị xem xét về tội “Vi phạm chế độ một vợ một chồng”. Tuy nhiên, để kết tội trường hợp này phải chứng minh được việc sống chung như vợ chồng này đã gây ra hậu quả nghiêm trọng, hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này rồi mà còn vi phạm.