(CATP) Nghe lời dụ dỗ ngọt ngào của nữ nhân viên massage, nam thanh niên vượt hơn 1.000 cây số để gặp gỡ rồi bị lừa bán sang Campuchia cho những ông chủ chuyên cưỡng bức, bóc lột lao động. Trong lần tại cơ sở lao động này xảy ra bạo động, nam thanh niên may mắn trốn thoát, trở về nước làm đơn tố cáo gửi đến cơ quan công an.
Cạm bẫy ngọt ngào
Ngày 15-8, Công an tỉnh Quảng Bình cho biết, vừa nhận đơn trình báo của anh N.V.P (SN 1995, ngụ P.Hải Thành, TP.Đồng Hới, cùng tỉnh), về việc anh này bị một nữ nhân viên massage lừa bán sang Campuchia cho những đối tượng chuyên cưỡng bức lao động.
Theo đơn của anh P., đầu tháng 4-2022, anh này tình cờ quen cô gái tên Linh, làm nhân viên massage tại một khách sạn trên địa bàn TP.Đồng Hới. Vài ngày sau, Linh vào TPHCM, nhưng vẫn giữ liên lạc với anh P. Ngày 05-4, theo lời rủ rê của Linh, anh P. đón xe khách vào TPHCM để gặp cô ta. Tối 07-4, Linh bảo anh P. đi cùng đến tỉnh Long An để ăn nhậu với nhóm bạn. Tại đây, anh P. gặp 5 người (4 nam, 1 nữ, đều khoảng 30 tuổi). Sau một lúc ăn nhậu, nhóm người này khống chế, trói anh P. lại, dùng xe máy chở sang Campuchia rồi bán cho một cơ sở lao động do người Trung Quốc làm chủ.
Những ngày sau đó, anh P. bị ép buộc phải lập nhiều tài khoản cá nhân ảo trên mạng xã hội Facebook, vờ kết bạn, nhắn tin dụ dỗ, lừa gạt những nạn nhân người Việt Nam nạp tiền vào các trang đánh bạc trực tuyến. Ngoài ra, anh P. còn phải rủ rê những người khác tham gia làm cộng tác viên cho các sàn giao dịch điện tử Lazada, Shopee, nhưng thực chất đây là thủ đoạn nhằm lừa đảo chiếm đoạt tài sản của những người ứng tuyển.
Cuối tháng 5-2022, do bị cưỡng bức lao động quá sức, những người trong cơ sở lao động của anh P. cùng phản đối, dẫn tới bạo động. Lợi dụng lúc lộn xộn, anh P. cùng một số người thoát ra ngoài, bị cơ quan chức năng Campuchia bắt giữ, trục xuất về Việt Nam.
Anh P. trình báo với cơ quan công an
Mất tiền chuộc, vẫn không được thả về
Không may mắn như anh P., anh H.N.T (SN 1993, ngụ xã Quảng Minh, TX.Ba Đồn, Quảng Bình) sau nhiều ngày cầu cứu, được gia đình gửi tiền chuộc sang, nhưng các đối tượng bảo vẫn chưa đủ nên tiếp tục buộc nạn nhân ở lại để cưỡng bức lao động.
Theo người nhà của anh T., đầu năm 2022, đang làm việc tại tỉnh Đồng Nai, thông qua mạng xã hội Facebook, anh này được Facebooker "Mai Kiều Anh" rủ rê sang Campuchia làm công việc nhẹ nhàng với mức lương hấp dẫn. Tin lời, ngày 05-6, anh T. đón xe đến TPHCM. Tại đây, anh T. được đối tượng tên Mạnh dùng xe máy chở đến một nhà nghỉ gần cầu vượt An Sương (Q12). Vài giờ sau, anh T. được các đối tượng sử dụng ôtô chở đến tỉnh Long An, trên xe còn có 5 người khách khác. Anh T. cùng 5 người này được đưa đến vị trí đã hẹn.
Sau đó, cả 6 người được một người đàn ông dùng thuyền chở sang Campuchia, đưa đến khu kinh tế của người Trung Quốc và ở tại tòa nhà China Town (tỉnh Sihanouville) để làm việc. Anh T. được giao lập nhiều tài khoản Facebook ảo, soạn thảo sẵn những tin nhắn có nội dung lừa đảo, với yêu cầu tốc độ đánh máy vi tính phải đạt 30 chữ/phút để dụ dỗ những người Việt Nam khác sang lao động tại Campuchia. Nếu không thực hiện theo yêu cầu của chủ, anh T. không được trả lương mà còn bị phạt tiền.
Do bị áp "chỉ tiêu" số nạn nhân bị dụ dỗ quá cao, không hoàn thành công việc được giao, anh T. bị các đối tượng giam lỏng. Sau đó, các đối tượng yêu cầu anh T. gọi điện về nhà, yêu cầu chuyển 3.000 USD tiền chuộc sang thì sẽ được thả về Việt Nam. Nếu trong 3 ngày mà các đối tượng chưa nhận được tiền chuộc thì sẽ bán anh T. cho công ty khác. Anh T. gọi điện cầu cứu, được gia đình chuyển 50 triệu đồng tiền chuộc. Tuy nhiên, các đối tượng bảo rằng gia đình anh T. chuyển chưa đủ tiền theo yêu cầu, đồng thời đưa anh này đến chỗ khác, bắt tiếp tục làm việc để trả hết số tiền còn thiếu.
Theo Công an tỉnh Quảng Bình, trên địa bàn tỉnh này, gần đây có 11 trường hợp bị lừa bán sang Campuchia. Công an tỉnh Quảng Bình đã giải cứu được một trường hợp. Đối với những trường hợp còn lại, do thông tin chưa rõ ràng nên đơn vị đang báo cáo Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) để phối hợp giải cứu.