CON SỐ ẤN TƯỢNG
Thượng tá Nguyễn Duy Dung - Phó trưởng phòng CSHS - chia sẻ: "Các đối tượng trốn nã vài chục năm hầu như đều thay đổi ngoại hình, hồ sơ lưu có khi thiếu hoặc thất lạc thông tin về nhân thân, quê quán, hình ảnh nên việc truy tìm là cả hành trình gian nan, vất vả. Bằng nhiệt huyết và nhiều nỗ lực, thời gian gần đây cán bộ chiến sĩ Đội Truy nã - Truy tìm (Đội 6) liên tục bắt nhiều đối tượng trốn nã cả chục năm. Kết quả này thật đáng ghi nhận".
Căn cứ trên hồ sơ lưu của Đội 6, chỉ tính trong Cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Đại hội Đảng lần thứ XIII và Tết Tân Sửu 2021 (từ ngày 15-12-2020 đến 20-1-2021), đơn vị đã khám phá 2 chuyên án, bắt 2 đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội "giết người" là Kim Lịch (SN 1998, quê Trà Vinh) và Trần Tuấn Khanh (SN 1979, thường trú tỉnh Sóc Trăng); đồng thời bắt, vận động đầu thú và thanh loại 26 đối tượng trốn nã. Trong số này có 9 đối tượng thuộc loại truy nã đặc biệt nguy hiểm.
Trinh sát bắt đối tượng truy nã
Tội danh các đối tượng bị truy nã rất đa dạng như giết người, cố ý gây thương tích, lừa đảo, trộm cắp, cướp giật, đánh bạc, tổ chức đánh bạc, chứa chấp mại dâm... Nơi ra quyết định truy nã là Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) nhiều tỉnh thành như Kom Tum, Bình Dương, Hòa Bình, TPHCM, Hà Nội, Hải Phòng...
Đã trốn nã tất nhiên các đối tượng sẽ sử dụng nhiều chiêu thức để che đậy thân phận như giả tâm thần, tung tin điên khùng bỏ đi lang thang, thậm chí có không ít kẻ còn dùng CMND của người khác để tồn tại. Chưa kể theo thời gian, nét mặt, ngoại dáng của mỗi con người đều thay đổi. Điều ấn tượng là chỉ trong thời gian ngắn, Đội 6 đã "khai quật" được hàng loạt kẻ trốn nã từ 10, 20 đến 30 năm.
Kỷ lục nhất phải kể đến việc đơn vị đã bắt được Nguyễn Văn Thân (SN 1970, quê Đồng Nai), bị Công an TPHCM truy nã từ năm 1991 về tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản"; hay kẻ đào tẩu Phạm Ngọc Duy Anh (SN 1972, ngụ Q1) bị Công an TPHCM truy nã từ năm 2003 về tội "giao cấu với trẻ em"; Dương Minh Phúc (SN 1982, ngụ Bạc Liêu) bị cơ quan CSĐT Công an TPHCM truy nã từ năm 2004 về hành vi "cướp tài sản". Căn cứ theo quyết định truy nã thì các tội phạm này đã trốn nã từ 17 đến 31 năm, nhưng kết quả vẫn bị trinh sát truy lần theo dấu vết và bắt giữ, giao các đơn vị công an xử lý theo quy định của pháp luật.
Ngoài việc trực tiếp truy bắt, Đội 6 còn phối hợp với công an các tỉnh bạn bắt nhiều đối tượng trốn nã khác. Điển hình, ngày 15-12-2020, khi Công an TPHCM vừa triển khai Cao điểm tấn công trấn áp tội phạm, đơn vị đã phối hợp cùng Công an thành phố Móng Cái (Quảng Ninh) bắt giữ Shen Ke Biao (Thân Khắc Bửu, SN 1978, người Trung Quốc), bị Cục Công an thành phố Lô Châu, Trung Quốc truy nã về tội "cầm đầu tổ chức mại dâm". Sau khi phạm tội ở nước bạn, Biao bỏ trốn sang nước ta và ẩn mình tại một khu dân cư có nhiều người Hoa sinh sống ở Q5, nhưng vẫn bị các trinh sát giỏi nghề sớm nhận diện và bắt giao công an nước bạn xử lý.
Ngày 24-12-2020, Đội 6 cũng phối hợp với Phòng CSHS Công an TP.Hải Phòng bắt Phạm Vũ Linh (SN 1993, ngụ Hải Phòng) ngay tại sân bay Tân Sơn Nhất, khi đối tượng trốn lệnh truy nã về tội "giết người" được hơn 10 tháng.
HIỆU QUẢ TỪ LÒNG YÊU NGHỀ
Đội 6 ra mắt được hơn 9 tháng qua, được Ban chỉ huy Phòng đánh giá hoạt động hiệu quả. Qua 2 cao điểm, đơn vị đã bắt, vận động đầu thú, thanh loại hơn 50 đối tượng có quyết định truy nã, truy tìm. Có được kết quả trên là do sự đoàn kết nhất trí cao của cả tập thể cùng các cá nhân xuất sắc, luôn nhiệt huyết, hết mình vì nhiệm vụ.
Một số đối tượng bị bắt giữ
Trước câu hỏi: "Đâu là bí quyết giúp đơn vị bắt được nhiều đối tượng trốn sâu, trốn kỹ”, đại úy Nguyễn Thế Tiền - Tổ trưởng tổ 3, Đội 6 - nhấn mạnh: "Làm công tác truy nã muốn có hiệu quả, bắt buộc người trinh sát phải đầu tư nghiên cứu kỹ hồ sơ; chuẩn bị đầy đủ giấy tờ, hồ sơ để khi cần là có cái sử dụng ngay, kể cả khi đang đi công tác; phải tận dụng tối đa các quyền đặc thù của ngành trong xác minh, truy vết. Và tất nhiên chúng ta đang sống trong thời đại công nghệ 4.0 nên không thể bỏ qua khâu quan trọng là ứng dụng tốt công nghệ trong truy bắt, truy tìm; điều tiên quyết nữa là phải đam mê, yêu nghề".
Qua trao đổi công việc với Tiến, chúng tôi càng hiểu hơn câu cửa miệng đồng đội hay nói về anh - "người có duyên bắt đối tượng truy nã”. Chính việc đào sâu nghiên cứu kỹ, tận dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đã giúp công việc của tổ trinh sát do anh phụ trách và cá nhân anh mang lại hiệu quả cao. Theo số liệu hồ sơ thì Tổ 3 bắt được nhiều đối tượng truy nã nhất, trong đó có nhiều kẻ đã trốn từ 15 đến 31 năm. Để có được kết quả này, hành trình của Tiến và đồng đội đã in dấu chân qua nhiều tỉnh thành từ Kiên Giang, Đồng Tháp đến Đồng Nai, Tây Ninh, Ninh Thuận...
Năm 2010, Đặng Thị Trần Châu (SN 1958, ngụ Q10) cùng đồng bọn bị Tòa án nhân dân TPHCM đưa ra xét xử về hành vi "lừa đảo chiếm đoạt tài sản". Vụ án này được xem là khá lớn vào thời điểm đó khi có đến hơn chục luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo, tài sản bị thiệt hại hơn 20 tỷ đồng. Qua xem xét hành vi, các bị cáo đều bị tuyên án với hình phạt khá nặng, trong đó Châu lãnh 10 năm tù giam. Do đối tượng bỏ trốn nên bị cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra quyết định truy nã thuộc loại "đặc biệt nguy hiểm" vào năm 2010.
Để truy vết đối tượng sau 11 năm lẩn trốn, trinh sát Đội 6 đã phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ trong rà soát, lần tìm manh mối nhưng mỗi khi công an sắp lần mở được đầu mối thì Châu lại thay đổi chỗ ở, công việc sang một địa bàn khác và hầu như xóa hết dấu vết. Không nản chí trước khó khăn, Tiến và đồng đội kiên nhẫn đeo bám, hệ thống từng manh mối thông tin và biết được người đàn bà này hiện làm kế toán cho một bếp ăn tập thể tại Q2. Chiều tối 31-12-2020, khi Châu lưu thông trên địa bàn phường Nguyễn Cư Trinh thì bị trinh sát Tổ 3 bắt giao Cơ quan CSĐT xử lý.
Bị kết tội "giao cấu với trẻ em" với hình phạt 3 năm tù nhưng Phạm Ngọc Duy Anh (SN 1972, ngụ Q1) không thi hành án mà bỏ trốn và bị Phòng CSHS, Công an TPHCM ra quyết định truy nã từ năm 2003. Trong hành trình trốn nã, Duy Anh "ở ẩn" qua nhiều tỉnh thành với những công việc khác nhau từ làm thuê, phụ hồ, bốc vác... Hơn 18 năm sống trong ám ảnh bị công an bắt bất cứ lúc nào, cùng với việc mưu sinh vất vả đã khiến đối tượng già hơn tuổi thật, gương mặt thay đổi đáng kể, tạo nên thách thức với người muốn truy tìm.
Được giao nhiệm vụ truy bắt Duy Anh, Tổ 3 tập trung nghiên cứu kỹ hồ sơ, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ và ứng dụng tốt công nghệ, nên chỉ 2 tháng sau đã nắm được thông tin đối tượng đã mò về TPHCM, đang làm công việc bảo vệ. Trưa 11-1-2021, khi Duy Anh lưu thông trên đường Nguyễn Trường Tộ (Q4) thì bị trinh sát Tổ 3 khống chế, bắt quy án.
Thành tích phá vỡ kỷ lục bắt giữ đối tượng truy nã đã thuộc về Phòng CSHS Công an TPHCM khi bắt Nguyễn Văn Thân (SN 1970, ngụ Đồng Nai). Theo hồ sơ lưu, cùng một thủ đoạn nhưng trong thời gian dài Thân đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của rất nhiều người và bị cơ quan CSĐT Công an TPHCM ra quyết định truy nã từ năm 1991. Căn cứ theo hồ sơ, Thân bị truy nã khi 21 tuổi, đến nay đã là người đàn ông trung niên, sẽ không tránh khỏi sự thay đổi đáng kể về ngoại hình, chứ chưa bàn đến việc đối tượng có đội lốt người khác để lẩn trốn.
Vì muốn "mai danh ẩn tích", Thân tạm trú không quá lâu một chỗ và làm nhiều việc khác nhau để vừa mưu sinh vừa đánh lạc hướng cơ quan công an. Nhiều năm ròng, Công an TPHCM truy vết, nhưng cứ tìm được nơi ở hoặc chỗ làm của kẻ trốn nã thì đối tượng lại vừa dời đi nơi khác và xóa luôn dấu vết.
Tháng 9-2020, nhiệm vụ truy tìm Thân được giao cho Tổ 3. Vốn "có duyên" với việc truy bắt các đối tượng trốn sâu, trốn kỹ hoặc trốn nã nguy hiểm nên Tiến đọc hồ sơ thật tỉ mỉ, chắp nối, hệ thống các nguồn thông tin rồi lập kế hoạch tìm kiếm. Bằng cách đào sâu, bới kỹ một cách bài bản, khoa học, đến đầu tháng 1-2021, tức sau 4 tháng nhận nhiệm vụ, đại úy Tiến cùng đồng đội đã bắt được Thân khi y vừa mò về nhà người thân ở xã Phước Bình, Long Thành, Đồng Nai.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến phạm tội và mức án phạt thường tương xứng với từng hành vi từ nhẹ đến nặng. Nếu người phạm tội tuân thủ đúng quy trình truy tố của các cơ quan pháp luật thì thời gian chấp hành án cũng sớm qua đi, chưa kể còn được xem xét khoan hồng, giảm án, sớm trở thành công dân bình thường. Nếu bị cáo bỏ trốn, bản án dẫu nhẹ cũng thành nặng và suốt quãng đời như đeo ách ngang vai.
Phòng CSHS Công an TPHCM kêu gọi các đối tượng còn đang trốn nã, trốn truy tìm nên sớm đến đơn vị đầu thú tại 459 Trần Hưng Đạo (P.Nguyễn Cư Trinh, Q1) hoặc liên lạc trình báo qua số ĐT: 069.3187414, để nhận được khoan hồng của pháp luật.