Nữ quái tung chiêu dụ góp vốn, chiếm đoạt gần 300 tỷ đồng

Thứ Ba, 12/01/2021 17:30

|

(CAO) Trong 2 ngày 11 và 12-1, TAND TP Hà Nội đưa bị cáo Nguyễn Thị Lan (SN 1974, ngụ tỉnh Thanh Hóa) ra xét xử về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cáo trạng, Lan thất nghiệp nhưng đi đâu cũng tự giới thiệu với nhiều người mình có quan hệ làm ăn với Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp xi măng Việt Nam – Vicem và các quan chức trong ngành xi măng. Lan nói rằng, với mối quan hệ này, Lan có thể mua được máy móc thanh lý ở các nhà máy xi măng với giá rẻ rồi đem bán ra ngoài. Việc mua bán sẽ được lợi nhuận cao, nếu mọi người cùng tham gia góp vốn đầu tư.

Để tạo lòng tin, sau khi cầm tiền góp vốn của bị hại, chỉ sau vài ngày, Lan đã trả lại cho họ cả vốn lẫn lời. Sau khi “cá đã cắn câu”, Lan lại hỏi vay hoặc huy động tiền đầu tư nhiều hơn rồi sau đó chiếm đoạt. Tinh vi hơn, Lan còn tạo nick zalo giả mạo là Tổng giám đốc Vicem, gọi điện thoại, nhắn tin cho bị hại...

Với thủ đoạn này, cáo trạng xác định, từ 2014 - 9/2017, Lan đã lừa đảo chiếm đoạt của 31 người ở Thanh Hóa, Hà Nội và Ninh Bình, số tiền hơn 291 tỷ đồng. Trong số các nạn nhân của Lan, có cả những người là bạn thân lâu năm của bị cáo. Người bị “nữ quái” lừa nhiều tiền nhất phải kể đến bà Mai Thị N. (SN 1973, ở Thanh Hóa), bị lừa đảo chiếm đoạt hơn 101 tỷ đồng. Lan còn lập nick zalo giả mạo Tổng giám đốc Vicem, kết bạn với chị N. và hỏi vay 10 tỷ đồng.

Khoảng tháng 9/2016, Lan cũng rủ rê các anh Trương Thành K., Bùi Duy Th. và Bùi Trọng T. góp vốn mua các loại vật tư như bi nghiền, sắt vụn, các loại động cơ… của Nhà máy xi măng Bỉm Sơn. Trong vòng 2 tháng sau đó, 3 người đàn ông trên đã chuyển khoản nhiều lần, mỗi lần hàng trăm triệu đồng cho Lan để đầu tư.

“Siêu lừa” Nguyễn Thị Lan tại tòa

Tháng 11/2016, chờ mãi không thấy bị cáo chia tiền lãi từ vốn góp, 3 người đàn ông hỏi Lan thì bị cáo nại ra việc xảy ra tai nạn lao động làm chết 2 kỹ sư, khiến công việc chậm tiến độ, chậm thanh toán. Đến đầu tháng 1/2017, bị cáo nói cần mua xe ô tô Lexus giá 3,6 tỷ đồng để biếu quan chức. Lấy lý do vị quan chức này không muốn đi xe BKS tỉnh, Lan nhờ anh K. làm thủ tục đăng ký xe dưới tên công ty của gia đình anh. Anh K. đồng ý làm thủ tục, sau đó làm thủ tục chuyển nhượng chiếc xe trên cho một người có tên Bùi Công Trình theo đề nghị của Lan.

Cơ quan điều tra xác định, từ tháng 9/2016-3/2017, bị cáo đã chiếm đoạt của các anh Trương Thành K., Bùi Duy Th. và Bùi Trọng T. tổng cộng 13,6 tỷ đồng; riêng anh K. bị chiếm đoạt hơn 8,1 tỷ đồng.

Theo lời khai của Lan, số tiền lừa đảo chiếm đoạt được của 31 người, chị ta đưa cho một số người để làm ăn, như ông Nguyễn Sỹ A. (SN 1965, ở Nghệ An) hơn 42 tỷ đồng để làm các dự án về điện; ông Bùi Hồng M. (SN 1971, ở Thanh Xuân, Hà Nội) hơn 129 tỷ đồng.

Quá trình điều tra và tại tòa, những người này không thừa nhận có sự việc trên. CQĐT cho rằng, ngoài lời khai của Lan, không có chứng cứ nào để chứng minh nên không đề cập xử lý đối với họ. Đối với ông Chu Hoàng L. (ở Thạch Thất, Hà Nội) có hành vi mạo nhận là thư ký của ông Bùi Hồng M. đến nhận 500 triệu đồng mà một người bị hại tên C. đã đưa cho Lan, Lan khai, khi thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của bà C., bị cáo không bàn bạc gì với ông L. và không nói cho ông này biết việc bị cáo đã lừa đảo chiếm đoạt tiền của bà C.

Hiện ông L. không có mặt ở địa phương nên CQĐT đã tách hành vi của ông này để tiếp tục xác minh, khi nào lãm rõ sẽ xử lý sau.

Tại tòa, bà Mai Thị N. (SN 1973, ở Thanh Hóa) nộp chứng từ mới chứng minh số tiền bà đã đưa cho bị cáo còn nhiều hơn số tiền mà cáo trạng nêu. Do vậy, HĐXX tuyên bố trả hồ sơ, yêu cầu điều tra bổ sung, làm rõ chứng cứ mới mà bà N. đưa ra và cần làm rõ thêm hành vi của những người đàn ông mà bị cáo khai đã đưa tiền.

Bình luận (0)

Lên đầu trang