Qua công tác quản lý địa bàn, từ năm 2023 đến nay, lực lượng chức năng Campuchia triển khai quyết liệt công tác đấu tranh truy quét tội phạm ma túy, bắt nhiều vụ, nhiều đối tượng (trong đó có người Việt Nam), thu giữ lượng lớn ma túy tang vật. Khoảng một năm qua, đã bắt giữ hơn 42 vụ/168 đối tượng (trong đó có 82 người quốc tịch Việt Nam), thu trên 3 tấn ma túy các loại, chủ yếu là ma túy tổng hợp.
Tình hình hoạt động phạm tội về ma túy của các đối tượng là người Việt Nam tại Campuchia tiếp tục diễn biến phức tạp. Bọn chúng lợi dụng tuyến đường biển, nhất là khu vực thành phố cảng Sihanoukville, tỉnh Preah Sihanouk và trên đường bộ là thành phố Phnom Penh để trung chuyển ma túy từ khu vực Tam giác vàng vào Việt Nam tiêu thụ. Các chất ma túy được các đối tượng ngụy trang thay đổi thường xuyên, ngày càng đa dạng về hình thức, mẫu mã, chất lượng nhằm qua mắt lực lượng chức năng, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phát hiện.
Về phương thức, thủ đoạn, bọn chúng đẩy mạnh hoạt động mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy từ Campuchia vào Việt Nam thông qua các hội, nhóm trên mạng xã hội (chủ yếu là Telegram, Zalo). Các đối tượng tìm kiếm, móc nối với tội phạm ma túy trong nội địa để thiết lập mạng lưới tiêu thụ tại Việt Nam. Đặc điểm của hình thức này là giao dịch, mua bán ma túy không trực tiếp gặp mặt, không biết rõ đặc điểm nhân thân của nhau, có sự phân chia từng giai đoạn, vai trò cụ thể. Khi mạng lưới vận chuyển, tiêu thụ trong nước bị phát hiện, truy quét thì các đối tượng bên phía Campuchia tiếp tục tổ chức đường dây, mạng lưới tiêu thụ khác để hoạt động, gây khó khăn cho công tác đấu tranh, ngăn chặn.

Công an tỉnh Tây Ninh thu giữ tang vật trong một vụ án ma túy
Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Tây Ninh cũng phát hiện số đối tượng đang bị đơn vị truy nã đặc biệt về tội ma túy vẫn đang điều hành các đường dây mua bán, vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam. Đáng chú ý, tình hình các đối tượng phạm tội về ma túy có trang bị, sử dụng vũ khí quân dụng diễn biến hết sức phức tạp.
Cụ thể, ngày 12/7/2024, tại khu vực đường tuần tra biên giới thuộc ấp Ô Tà Mô, xã MoNo Rum, huyện Svay Teap, tỉnh Svay Riêng, Campuchia (cửa khẩu MoNo Rum) giáp ranh với ấp Long Cường, xã Long Khánh, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh (cửa khẩu Long Cường thuộc đồn Biên phòng Long Phước), khi các đối tượng người Việt Nam đang thực hiện hành vi vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam thì bị lực lượng chức năng Campuchia phát hiện. Bọn chúng đã nổ súng chống trả, "đấu súng" với cảnh sát, rất may không xảy ra thương vong.
Qua nắm tình hình, Công an tỉnh Tây Ninh cũng xác định, trên tuyến biên giới, tình hình người Việt Nam sang Campuchia tìm kiếm "việc nhẹ lương cao" ngày càng tăng và tiềm ẩn nhiều vấn đề phức tạp. Hiện trên địa bàn Campuchia nổi lên hoạt động của các công ty, nhóm đối tượng tổ chức đánh bạc, lừa đảo qua mạng. Chúng sử dụng nhiều thủ đoạn để lôi kéo, lừa gạt người Việt Nam, chủ yếu là giới trẻ sang Campuchia tìm kiếm việc làm đơn giản nhưng có thu nhập cao.

Đặng Thanh Tuấn chuyên vận chuyển ma túy từ biên giới Campuchia vào nội địa, bị bắt ngày 06/11/2024
Hiện có lượng lớn người Việt Nam qua Campuchia bằng hình nhiều hình thức (hợp pháp, không hợp pháp) làm việc trong các công ty, nhóm đối tượng chuyên môi giới, "chăn dắt", không ít người bị các đối tượng giam giữ, khống chế để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật. Đặc biệt còn xuất hiện tình trạng kẻ chủ mưu, cầm đầu lợi dụng tình hình trên để dụ dỗ, lôi kéo những người sang Campuchia gặp khó khăn tham gia hoạt động vận chuyển trái phép chất ma túy vào Việt Nam tiêu thụ. Mới đây, lực lượng chức năng phát hiện 3 vụ/3 đối tượng vận chuyển ma túy từ Campuchia vào Việt Nam với số lượng lớn.
Đáng chú ý, chính quyền bên phía Campuchia đang thực hiện kế hoạch biến thành phố biển Sihanoukville từ "thiên đường cờ bạc" thành trung tâm công nghệ và du lịch. Các công ty, tổ chức lừa đảo đặt tại đây có sự thay đổi, di dời trụ sở khỏi thành phố Sihanoukville đến khu vực biên giới giáp các nước, trong đó có Việt Nam. Còn tuyến biên giới bên phía Campuchia giáp với các cửa khẩu quốc tế Mộc Bài và Xa Mát thuộc tỉnh Tây Ninh, phía Campuchia đang đẩy mạnh xây dựng các công trình để đáp ứng nhu cầu chuyển dịch địa bàn hoạt động nêu trên.
Từ đầu năm 2024 đến nay, tình hình hoạt động phạm tội về ma túy trên tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia thuộc địa bàn tỉnh Tây Ninh tạm lắng, nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ phức tạp từ số người Việt Nam qua Campuchia làm việc trong các công ty, hội nhóm hoạt động lừa đảo, tổ chức đánh bạc trên không gian mạng.
Bên cạnh đó, tình hình hoạt động buôn lậu hàng hóa từ Campuchia vào Việt Nam tiếp tục diễn biến phức tạp, gây khó khăn cho công tác kiểm soát, phát hiện hoạt động phạm tội về ma túy qua lại biên giới. Công an tỉnh Tây Ninh nhận định, thời gian tới, đây vẫn sẽ là phương thức phổ biến mà các đối tượng sử dụng để thẩm lậu ma túy từ Campuchia vào Việt Nam qua tuyến biên giới tỉnh Tây Ninh.

Nguyễn Thái Bão vận chuyển thuê 2kg Ketamine cho đối tượng tại Campuchia
Trước tình hình đó, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy, Công an tỉnh Tây Ninh tập trung nhiều biện pháp đấu tranh với tội phạm ma túy trên tuyến biên giới. Năm 2024, đơn vị đã phát hiện, bắt giữ 12 vụ, 16 đối tượng, thu trên 132kg ma túy các loại, chủ yếu tại khu vực cửa khẩu Mộc Bài, huyện Bến Cầu, tỉnh Tây Ninh. Qua công tác nắm tình hình, Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã "điểm mặt" một số đường dây lớn xuyên quốc gia, các nhóm vận chuyển nhỏ lẻ từ Campuchia vào Việt Nam và xác lập các chuyên án đấu tranh.
Đồng thời, Phòng CSĐT tội phạm về ma túy tham mưu triển khai kế hoạch mới phù hợp với thực tiễn hiện nay; tập trung điều tra cơ bản về tình hình, địa bàn khu vực biên giới liên quan đến tội phạm ma túy để rà dựng, nắm chắc các băng nhóm tội phạm ma túy, từ đó có các giải pháp đấu tranh hiệu quả. Bên cạnh đó, Công an tỉnh Tây Ninh sẽ tăng cường trao đổi thông tin, đặc biệt với Cục CSĐT tội phạm về ma túy, các Cục nghiệp vụ của Bộ Công an, Công an các tỉnh, thành phố, lực lượng Biên phòng để nắm thông tin về các đường dây vận chuyển ma túy qua biên giới...